Bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện: Thêm “giá đỡ” an sinh với lao động

09:08 SA 06/02/2025

(HPĐT)- Từ 1-1-2025, Nghị định số 143/NĐ-CP của Chính phủ quy định về bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động (NLĐ) làm việc không theo hợp đồng lao động chính thức có hiệu lực. Việc triển khai bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện giúp lao động tự do có thêm “giá đỡ”, nguồn lực hỗ trợ sau gặp rủi ro, tai nạn lao động.

 

Chính sách bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện hỗ trợ thiết thực lao động tự do.
Trong ảnh: Người lao động xây dựng công trình tại phường Bắc Hà (quận Kiến An). Ảnh: TRUNG KIÊN

Nỗi lo gánh nặng sau tai nạn lao động 

Sau 6 tháng bị tai nạn lao động, ông V.V.T., ở phường Hoa Động (thành phố Thủy Nguyên) vẫn chưa thể đi làm lại do sức khỏe chưa bảo đảm. Ông T. cho biết: "Tôi làm nghề xây dựng tự do, cách đây 6 tháng, khi đang đổ bê tông trên mái nhà tôi bị tai nạn lao động và phải điều trị thời gian dài. Là lao động chính trong nhà, giờ phải nghỉ để an dưỡng, gia đình không có nguồn thu nhập, cuộc sống rất khó khăn. Cũng may, trong thời gian điều trị tại bệnh viện, tôi có thẻ bảo hiểm y tế nên các chi phí cũng đỡ phần nào. Tương tự, ông P.V.L., ở xã Vinh Quang (huyện Tiên Lãng) làm nghề khai thác thủy sản, cách đây không lâu ông bị tai nạn lao động trên biển khiến ngón chân bị đứt lìa, dập nát. Là người đi làm thuê, trung bình mỗi tháng ông kiếm được 10-15 triệu đồng, thế nhưng từ khi bị tai nạn lao động, ông buộc phải nghỉ để chờ sức khỏe ổn định mới có thể tiếp tục đi làm vì nghề đi biển rất vất vả. Ông L. cho hay: Trong thời gian nghỉ ở nhà, mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, sào rau, cuộc sống khó khăn. 

Thực tế cho thấy, NLĐ tự do, làm việc không theo hợp đồng lao động chiếm tỷ lệ lớn trong lực lượng lao động. Nếu không may bị tai nạn lao động thì không có khoản bù đắp trong thời gian nghỉ việc điều trị. Việc ban hành Nghị định số 143 sẽ thêm chế độ an sinh đối với NLĐ, nhất là lao động trong các lĩnh vực có khả năng gặp rủi ro cao như: ngành xây dựng, lao động biển, lái xe công nghệ... Phó trưởng Phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng (Bảo hiểm xã hội Hải Phòng) Tô Nhật Thành cho biết: Nghị định số 143 quy định về bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện dành cho NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động có hiệu lực từ 1-1- 2025. Nghị định này áp dụng cho NLĐ từ đủ 15 tuổi trở lên làm việc không theo hợp đồng lao động, không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện. Điều kiện thụ hưởng là NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 100% do tai nạn lao động trong thời gian tham gia được hưởng trợ cấp một lần. Mức hưởng suy giảm 5% hưởng 3 lần mức lương tối thiểu tháng tính theo vùng 4 do Chính phủ quy định (3.450.000 đồng/tháng), sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,3% lần tháng lương tối thiểu vùng 4. Ngoài mức trợ cấp này, NLĐ còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện. 

Mức đóng, phương thức đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện gồm: 6 tháng/lần hoặc đóng 12 tháng/lần. Mức đóng 6 tháng là 207.000 đồng, 12 tháng là 414.000 đồng, tương đương 34.500 đồng/tháng. Hiện, Nhà nước đang hỗ trợ 30% mức đóng đối với NLĐ thuộc hộ nghèo, 25% đối với NLĐ thuộc hộ cận nghèo và 10% đối với các đối tượng khác.

“Giá đỡ” cho lao động tự do 

Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội Hải Phòng Mạc Thanh Giang khẳng định: Chính sách bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện hướng đến mục tiêu bảo vệ cho tất cả NLĐ, bởi khi bị tai nạn lao động, NLĐ cần được hỗ trợ, chữa trị kịp thời, giảm bớt khó khăn trước mắt. Không những thế, mức đóng và mức hỗ trợ cũng rất hợp lý với nhiều NLĐ tự do có thu nhập thấp, không ổn định, đều đặn hằng tháng. Thời gian tới, để chính sách sớm đi vào cuộc sống, cơ quan BHXH đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, chính sách, pháp luật về chế độ bảo hiểm tai nan lao động tự nguyện; thực hiện việc thu, chi trả hoặc ủy quyền thu, chi trả các chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện theo quy định, bảo đảm đúng, đủ, kịp thời. 

Theo thống kê, Hải Phòng hiện có hơn 1,05 triệu lao động trong độ tuổi lao động từ 15 trở lên, trong đó, số người tham gia BHXH (cả bắt buộc và tự nguyện) là hơn 570.000 người, đạt tỷ lệ 54,27% so với lực lượng trong độ tuổi lao động. Năm 2025, thành phố phấn đấu có hơn 602.000 lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó có gần 554.800 người tham gia BHXH bắt buộc và gần 47.300 người tham gia BHXH tự nguyện. Theo nhận định, chính sách bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện sẽ là “cú hích”, thu hút NLĐ tiến gần hơn đến “lưới an sinh”. 

Để thực hiện Nghị định số 143 được kịp thời, chặt chẽ, UBND thành phố ban hành kế hoạch tổ chức tuyên truyền, quán triệt, hướng dẫn nghị định. Cụ thể, các ngành, các địa phương tập trung tuyên truyền, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện, tạo điều kiện thuận lợi nhất để NLĐ tham gia, thụ hưởng chính sách; hướng dẫn về hồ sơ, trình tự khám, giám định mức suy giảm khả năng lao động để giải quyết chế độ đối với NLĐ; phối hợp cung cấp danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm để rà soát, đối chiếu các trường hợp đủ điều kiện được hỗ trợ mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện. 
 

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập