Tập bút ký “Trời biên cương vẫn xanh”: Viết văn để được là chính mình
(HPĐT)- Nhà văn Đặng Thị Thúy là người Hải Phòng, song lại gắn bó, làm việc và cống hiến nhiều năm ở tỉnh Quảng Ninh. Trở về thành phố Cảng, cùng với đảm trách chức vụ Phó chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hải Phòng, tính đến thời điểm này, nhà văn có 5 cuốn sách in riêng ở nhiều thể loại, gồm truyện ngắn, bút ký, nghiên cứu văn hóa dân gian và tiểu luận phê bình. Tập bút ký “Trời biên cương vẫn xanh” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2019) gồm 18 bài viết về vùng đất, con người, phong tục, văn hóa và đong đầy tình cảm, tâm huyết về hai quê hương của chị: Hải Phòng và Quảng Ninh.
Xuyên suốt qua 18 tác phẩm, gồm cả tản văn, bút ký mà chị viết, điều đọng lại trong tôi chính là tấm lòng, tình yêu mà chị tha thiết dành tặng cả hai vùng đất đã gắn bó và vô cùng ý nghĩa với mình. Viết về quê hương của mình, Hải Phòng đọng trong tâm hồn nhà văn Đặng Thị Thúy qua hình ảnh phiên chợ đặc biệt: Chợ Hàng. Có lẽ, cũng như nhiều người đất Cảng, phiên chợ quê giữa lòng thành phố ấy luôn là điểm nhấn khó quên.
Lòng tôi bỗng dịu lại trước sự quyến rũ của mùa thu, dịu lại trước sự bao dung, thổn thức thương yêu con của người mẹ trong bức thư “Gửi con tuổi 16”. Những bài viết, những câu văn dịu dàng, sâu lắng khi tác giả nhắc đến những người thân yêu của mình, như ông nội, bà ngoại và cả những người bạn văn chương, nhạc sĩ phổ nhạc bài thơ đầu tiên của chị, biến nó thành ca khúc với âm hưởng tha thiết dịu dàng. Họ giờ đã đi cả về miền xa vắng, nhưng có lẽ những kỷ niệm, những yêu thương, những khắc khoải sẽ còn mãi mãi ở lại, để tạo nên bao gam màu huyền bí cho tác giả vẽ nên bức tranh đa sắc trong tâm hồn mình.
Với nhiều người Hải Phòng, hình ảnh người nghệ sĩ già kéo dương cầm bên góc đường Lê Hồng Phong (quận Ngô Quyền)- tuyến đường đẹp, sầm uất chắc chắn là hình ảnh đáng nhớ. Tôi cũng đã từng đứng lặng rất lâu dưới gốc cây, nghe người nghệ sĩ đó say mê kéo đàn, để những âm thanh du dương, da diết cứ thế ngân dài. Vì vậy, khi đọc “Tiếng vỹ cầm trên hè phố” của nhà văn Đặng Thị Thúy, tôi không khỏi bồi hồi, xúc động như đang được hiện diện trước người nghệ sĩ già tài hoa, nhưng có số phận nghiệt ngã ấy.
Gắn bó với mảnh đất Quảng Ninh trong suốt gần 20 năm, không khó hiểu khi nhà văn Đặng Thị Thúy dành tình yêu tha thiết đối với mảnh đất này. Trong bài viết “Địa danh văn hóa ở Móng Cái”, chị dày công tìm hiểu và đưa người đọc tới quê hương thứ hai của mình, cũng là địa danh cực kỳ quan trọng của dải đất hình chữ S này. Tôi được biết đến những cột mốc quan trọng và đầy thông tin thú vị của Tổ quốc, như Cột mốc số 1378... Không biết nhà văn Đặng Thị Thúy phải lòng vùng đất đầy nắng và gió ấy từ bao giờ, mà từng câu từng chữ của chị đậm đà và mặn mòi vị biển đến thế.
Ở “Trời biên cương vẫn xanh”, chị còn kể nhiều về những vị anh hùng mà tên tuổi họ gắn liền với trang sử vẻ vang của thành phố Móng Cái, như Anh hùng liệt sĩ Đào Phúc Lộc và nhiều nhân vật lịch sử khác. Đồng thời chị cũng miêu tả và nhắc đến vô số những địa danh, các đảo, quần đảo lớn nhỏ in dấu ấn đậm nét trong lòng người đọc.
Tác giả khéo léo khi sắp xếp, đan xen những câu chuyện để người đọc có những cung bậc cảm xúc khác nhau. Lúc hào hùng, biết ơn và tự hào khi nhân vật lịch sử anh dũng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ Tổ quốc, lúc lòng chùng xuống vì những thân phận, lúc lại tha thiết với tình yêu và nỗi nhớ quê hương, yêu những điều thật giản dị, lúc lại bật cười thích thú khi tác giả đưa người đọc lên chiếc thuyền để đi câu mực đêm, trải nghiệm từ sự ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.
Gập sách lại, phảng phất đâu đó có mùi nước lá mùi già, đưa tôi đi về phía tuổi thơ của chị. Có lẽ, trong khuôn khổ bài viết này, thật khó để miêu tả hết được cái hay của những câu chuyện trong “Trời biên cương vẫn xanh”. Chỉ có điều, khi gập cuốn sách của nhà văn Đặng Thị Thúy lại, tôi như vỡ ra nhiều điều. Và tôi thêm hiểu hơn tâm tình của chị: “Viết văn là để được là chính mình, viết giống như là một sự trả nghĩa, tri ân với vùng đất biên viễn ấy, để được sẻ chia, để những điều tốt đẹp lớn lên trong tâm hồn mình, biết bao dung hơn với cuộc đời, vì cuộc đời vốn rất đẹp!”.