Triển lãm “Hải Phòng - bừng sáng miền di sản” tại Đà Nẵng: Minh chứng tình cảm gắn bó giữa hai thành phố
(HPĐT)- Lần đầu tiên, hình ảnh về văn hóa, di sản của thành phố Hải Phòng được trưng bày, giới thiệu tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm (thành phố Đà Nẵng), đúng dịp địa phương này kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng (29-3-1975 - 29-3-2025). Triển lãm nhằm giới thiệu đến người dân thành phố Đà Nẵng, du khách trong và ngoài nước về mối quan hệ kết nghĩa bền chặt giữa hai thành phố, cùng những giá trị văn hóa, con người và thành tựu phát triển của thành phố Hải Phòng...
Mối quan hệ gắn bó keo sơn
Giám đốc Bảo tàng và Thư viện Hải Phòng Bùi Thị Nguyệt Nga thông tin: Trong không khí toàn Đảng, toàn quân và toàn dân hai thành phố Hải Phòng, Đà Nẵng hướng về kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4- 1975 - 30-4-2025); 50 năm Ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng (29-3-1975 - 29-3- 2025); 70 năm Ngày giải phóng Hải Phòng (13-5-1955 - 13-5-2025); 65 năm Ngày thành phố Hải Phòng và thành phố Đà Nẵng kết nghĩa (1960- 2025), Bảo tàng và Thư viện Hải Phòng vừa phối hợp với Bảo tàng Điêu khắc Chăm (Đà Nẵng) tổ chức triển lãm “Hải Phòng bừng sáng miền di sản”. Đây là sự kiện quan trọng và hết sức ý nghĩa, góp phần khơi dậy, phát huy những tiềm năng, những di sản quý giá đang ẩn chứa trên vùng đất nơi cửa biển để giới thiệu với bạn bè cả nước và quốc tế, nhất là nhân dân thành phố Đà Nẵng về một Hải Phòng không chỉ phát triển mạnh mẽ về kinh tế, về công nghiệp, về cảng biển mà còn là trung tâm du lịch lớn của cả nước gắn liền với các sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố là biển, đảo và các di tích lịch sử, văn hóa. Đồng thời, thông qua hoạt động cũng nhằm củng cố, tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa hai bảo tàng: Bảo tàng và Thư viện Hải Phòng và Bảo tàng Điêu khắc Chăm (Đà Nẵng); tăng cường giao lưu chuyên môn, nghiệp vụ giữa hai cơ quan, từng bước phát triển sự nghiệp nghiên cứu, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của dân tộc.
Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm (Đà Nẵng) Hồ Tấn Tuấn khẳng định: 65 năm kết nghĩa là minh chứng cho tình cảm keo sơn giữa Hải Phòng và Đà Nẵng. Từ chiến tranh đến thời bình, hai thành phố luôn đồng hành, hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Triển lãm “Hải Phòng bừng sáng miền di sản” tại Đà Nẵng không chỉ tôn vinh di sản Hải Phòng mà còn thể hiện sự gắn kết bền chặt giữa hai địa phương. Không chỉ mang tính trưng bày, triển lãm còn là diễn đàn để các nhà nghiên cứu, nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà quản lý văn hóa và công chúng cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm bảo tồn di sản, phát triển du lịch bền vững. Nhiều hoạt động giao lưu, tọa đàm trong khuôn khổ hoạt động được tổ chức nhằm tìm ra những giải pháp hiệu quả trong việc gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong đời sống đương đại.
Không gian trưng bày ấn tượng
Với những vẻ đẹp thiên nhiên kỳ thú có giá trị nổi bật toàn cầu, Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được Ủy ban Di sản thế giới thuộc UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới vào tháng 9-2023. Khu vực trưng bày “Sắc màu di sản văn hoá biển Hải Phòng” giới thiệu tới người xem vẻ đẹp của Vườn quốc gia Cát Bà, các loài thực vật, sinh vật đặc hữu, quý hiếm, như: Kim Giao (Nageia fleuryi), loài sơn dương (Capricornis sumatraensis), Voọc Cát Bà (Trachypithecus poliocephalus)… cùng những thắng cảnh thiên nhiên kỳ thú: Vịnh Lan Hạ, Rừng ngập mặn, Ao Ếch… Miền di sản biển Đồ Sơn cũng được tái hiện sinh động với các địa chỉ tâm linh, thắng cảnh nổi tiếng Việt Nam, như: Chùa Hang - nơi đầu tiên đạo Phật du nhập vào nước ta theo đường biển; Chùa tháp Tường Long, được xây dựng từ thời nhà Lý (1009-1225) - một danh lam, một tiền đồn canh phòng bảo vệ toàn bộ vùng ven biển của quốc gia Đại Việt; rồi đền Vạn Chài, đảo Dáu… Cùng với đó là các thắng cảnh, địa danh miền biển nổi tiếng khác của Hải Phòng như: huyện đảo Bạch Long Vĩ, đảo Long Châu (huyện Cát Hải). Đáng chú ý, khu vực trưng bày này còn thể hiện nét đẹp của các vùng biển, đảo Hải Phòng với những di chỉ văn hoá biển tiền sử (Di chỉ Cái Bèo), các lễ hội biển đầy màu sắc và những giai điệu giao duyên miền biển (Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn; Lễ hội Xa Mã - rước kiệu đình Hoàng Châu; Lễ hội đảo Dáu; đua thuyền trên đảo Cát Bà; nghệ thuật hát Đúm, hát Ca trù ở Thủy Nguyên...).
Còn ở khu vực trưng bày “Hải Phòng - Thế và lực trong kỷ nguyên vươn mình” giới thiệu sự ra đời của đô thị Hải Phòng từ cuối thế kỷ 19, thành tựu, những dấu ấn của Hải Phòng trên tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng an ninh - nền tảng vững chắc để thành phố Cảng cùng với cả nước vững vàng tiến vào kỷ nguyên vươn mình với mong muốn xây dựng một thành phố mang tầm quốc tế, hiện đại, văn minh, mang bản sắc riêng. Đáng chú ý, khu vực trưng bày “Hải Phòng - Đà Nẵng: Nghĩa tình 65 năm” giới thiệu tình cảm gắn kết keo sơn, bền chặt giữa thành phố Hải Phòng và thành phố Đà Nẵng được hình thành từ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, biểu hiện cụ thể của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc với tinh thần “Hải Phòng - Đà Nẵng nặng lòng tình nghĩa”…
Triển lãm trưng bày hơn 200 hình ảnh và tư liệu, được chia thành 3 khu vực trưng bày: “Sắc màu di sản văn hoá biển Hải Phòng”, “Hải Phòng - Thế và lực trong kỷ nguyên vươn mình” và “Hải Phòng - Đà Nẵng: Nghĩa tình 65 năm”. Với ý nghĩa sâu sắc, triển lãm mang đến góc nhìn toàn diện về vẻ đẹp thiên nhiên, con người và thành tựu của thành phố Hải Phòng, đồng thời góp phần thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị giữa hai địa phương, hướng tới sự phát triển bền vững và hợp tác toàn diện trong tương lai. Triển lãm diễn ra tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm (Đà Nẵng) đến hết ngày 2-4.