Ba trăm ngày đấu tranh sôi sục, quyết liệt giải phóng hoàn toàn thành phố (Kỳ 10)

11:24 SA 12/04/2025

Khi bọn lính Pháp trao vị trí gác lại cho bộ đội ta, chúng chán chường, lầm lũi bước đi trên các đường phố lạnh tanh. Trái ngược với quang cảnh trên, trong mỗi bước tiến lên của đoàn quân về giải phóng thành phố, đường phố bỗng nở tung ra trong tiếng reo hò, tiếng hân hoan hô không ngớt. Gian khổ, cay đắng bao năm mới có ngày hôm nay. Nhà nhà mở rộng cửa, già trẻ, gái trai tràn xuống đường phố. Nhiều người xông vào giữa hàng quân ôm chầm lấy những anh bộ đội, giúi vào tay các anh những bó hoa tươi mà nước mắt đầm đìa. Quân ta đi đến đâu, cổng chào, biển người, rừng cờ hoa mọc lên tới đó. Thành phố tháng Năm giữa mùa hoa phượng nở đỏ đất. Các đường phố bỗng trở thành những dòng sông đỏ cuồn cuộn chảy, xua đuổi những bọn lính thực dân như quét đi mọi thứ rác rưởi. Chiều hôm ấy, những người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam trên đất Hải Phòng đứng gác ở bến Cảng đã tận mắt chứng kiến cảnh chiếc tàu Đi-rin Boóc-đô chở những tên lính thực dân Pháp cuối cùng rời bến. Chúng còn ngoái đầu nhìn lại Hải Phòng lần cuối cùng với đầy vẻ luyến tiếc. 

 

Chiếc tàu Djiring chở quân Pháp rút khỏi bến Sáu Kho (Hải Phòng) ngày 13-5-1955. Ảnh tư liệu

 

Hải Phòng hoàn toàn giải phóng. Đoàn tàu hỏa trương cờ đỏ sao vàng, mang chân dung Bác Hồ kéo một hồi còi dài tiến vào Cảng. Cùng lúc còi tầm ở tất cả các nhà máy, công sở vang lên chào mừng giờ phút vinh quang của thành phố được hoàn toàn giải phóng, từ nay sạch bóng quân thù. Tiếp theo những ngày 14, 15 và 16, ta tiếp quản vùng Kiến Thụy, Đồ Sơn và các đảo ven biển. Tính từ ngày đoàn thuyền mành của Giăng Đuy-puy đến cửa Lạch Huyện, sau đó ngày 31-12-1873, tàu chiến Pháp nổ súng bắn đắm và đốt cháy 38 chiếc thuyền của đồng bào ta, rồi ngược sông Cấm vào bến Bính (Hải Phòng), bọn thực dân Pháp hẳn không bao giờ nghĩ đến ngày thất bại hôm nay: Chúng phải rút và rút vĩnh viễn khỏi miền Bắc Việt Nam. 

Hải Phòng kiệt sức sau nhiều năm chiến tranh và sự bòn rút của kẻ thù. Nay thành phố đã về ta, nhiệt tình cách mạng quần chúng được khơi dậy mạnh mẽ, mọi người đều mang hết sức mình ra làm việc. Các cơ sở điện, nước, nhà thương, trường học, chợ búa nhanh chóng hoạt động trở lại. Hai ngày sau, ngành bưu điện mở cửa phục vụ thư từ, điện thoại; ngành hỏa xa thông đường xe lửa Hải Phòng - Hà Nội, mỗi ngày hai chuyến vận chuyển 2 nghìn hành khách và 300 tấn hàng. Cảng Hải Phòng bị địch phá hoại nặng nề, chúng lấy mất sơ đồ chỉ dẫn luồng lạch, luồng vào cảng lâu ngày không nạo vét bị nông cạn và nhiều vật chướng ngại, hệ thống pháo tiêu không có người phụ trách. Máy móc phục vụ tại cảng quá cũ kỹ, cầu kè hư hỏng và hơn 300 công nhân cảng bị đuổi trước đó ba tháng. Nhưng không có phương tiện nạo vét, ta tích cực đo độ sâu, dò vật chướng ngại bằng phương pháp thủ công để tìm luồng lạch, nhanh chóng sửa chữa hệ thống đèn biểu và phao tiêu, tập hợp công nhân phục hồi các ngành hoạt động trong cảng. Ngày 20-5-1955 đáng ghi nhớ, tức là sau bảy ngày làm chủ hải cảng, người hoa tiêu Việt Nam đầu tiên của cảng Hải Phòng bình tĩnh, tự tin dẫn hai chiếc tàu mang quốc tịch Pháp vào bến an toàn tuyệt đối, khiến cho những viên thuyền trưởng người Pháp phải hết sức kinh ngạc. 

(Còn nữa) 

Trích “Hải Phòng, lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược” (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - 1986).
 

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập