Bảo tồn những di vật quý về nhà thơ Nguyễn Khuyến

05:50 CH 08/09/2023

 

 

 

Chân dung nhà thơ Nguyễn Khuyến mặc triều phục. 

 

(HPĐT)- Nguyễn Khuyến (1835 - 1909) là nhà thơ tiêu biểu trong dòng văn học yêu nước chống Pháp nửa cuối thế kỷ 18, nửa đầu thế kỷ 19. Trong chương trình Văn học trung đại Việt Nam, sách giáo khoa ở cả hai miền Nam – Bắc thời chiến tranh và trải qua nhiều thời kỳ cải cách khi nước nhà thống nhất, chùm thơ mùa thu nổi tiếng của ông được nhiều thế hệ học sinh học tập. Nhưng rất ít người biết đến tại Hải Phòng có một nơi thờ tự và lưu giữ nhiều hiện vật quý hiếm về nhà thơ.

 

Năm 2009, tại số nhà số 5 ngõ 18 phố Lạch Tray, Thầy thuốc Ưu tú Nguyễn Thị Thu Hiền, chắt nội đời thứ tư của nhà thơ Nguyễn Khuyến cho biết: Từ năm 1952 gia đình của bác sĩ và một số anh em con cháu khác đã chuyển đến vùng đất Cảng sinh sống, chỉ còn lại cha đẻ của bà lúc ấy là Phó chủ tịch huyện Bình Lục (sau này là Phó giám đốc Ty Tài chính Hải Phòng) ở lại quê tham gia kháng chiến chống Pháp. Chính vì vậy những hiện vật quý hiếm về nhà thơ được gia đình mang theo lưu giữ. Trong suốt những tháng năm chiến tranh với nhiều biến đổi của cuộc sống, một mặt bà Hiền nâng niu phần di vật mà cha mình lưu giữ, mặt khác bà dày công tìm kiếm những hiện vật liên quan đến cụ Nguyễn Khuyến đang lưu lạc, với mục tiêu “xây dựng một kho tư liệu sống để tự răn mình và để cháu con học tập noi theo tấm gương học tập và giữ gìn phẩm chất thanh cao của cụ”.

 

Trong căn nhà gỗ rộng rãi, thiết kế theo kiểu nhà cổ, những hiện vật quý giá được bày trang nghiêm trên tầng 2 nơi đặt phòng thờ nhà thơ Nguyễn Khuyến. Tấm ảnh gốc của cụ mặc triều phục được một tiến sĩ triều Nguyễn truyền thần trước khi cụ cáo quan vào năm 1882. Đây là hiện vật vô giá, bởi không chỉ cho thấy diện mạo thật sự của nhà thơ mà còn ghi lại hình ảnh đầy đủ về chân dung vị quan triều Nguyễn hơn thế kỷ xưa. Bên cạnh đó là bức ảnh cụ nâng chén rượu (chụp năm 1902 bằng máy ảnh của người Pháp) rất ấn tượng, mà gia tộc họ Nguyễn ở Bình Lục gọi là ảnh “Nguyễn Khuyến nâng chén”. Cùng với đó là pho tượng nhỏ ông phỗng đá, một di vật gắn liền với sinh hoạt ngày thường và là “nhân vật trữ tình” trong bài thơ trào phúng cùng tên nổi tiếng của nhà thơ. Cờ, biển, bia nguyên bản ở mộ cụ (xã Yên Lợi, huyện Ý Yên tỉnh Nam Định) do học trò của cụ dựng từ những năm đầu của thế kỷ 20 cũng được bà Hiền vận chuyển về đây. Sau khi nghỉ hưu, bà Nguyễn Thị Thu Hiền lặn lội vào cung đình Huế, với sự giúp đỡ của nhà Huế học Phan Thuận An, bà sao lưu tấm bia Tiến sĩ ghi danh Nguyễn Khuyến đỗ thủ khoa năm Tân Mùi, niên hiệu Tự Đức thứ 24 (1871). Bia được sao lưu tạc trên đá và treo trên giá gỗ lim tạo tác công phu với kích cỡ nguyên bản tấm bia tại Quốc Tử Giám (Huế). Những năm gần đây, bà Hiền tạc thêm bức tượng nhà thơ Nguyễn Khuyến, chất liệu gỗ mít thếp vàng do nghệ nhân Nguyễn Văn Tươm, làng Bảo Hà (huyện Vĩnh Bảo) thực hiện.

 

 

 

Cổng vào ngôi nhà trên phố Lạch Tray, nơi lưu giữ nhiều hiện vật quý về nhà thơ Nguyễn Khuyến. Ảnh: Bảo Khanh 

 

Trong số những di vật về nhà thơ Nguyễn Khuyến mà bà Hiền lưu giữ, có hiện vật lưu lạc sau gần 30 năm đó là bức ảnh gốc của cụ mặc triều phục. Bà Hiền kể, khi là học sinh Trường THPT Thái Phiên, cứ đến giờ giảng bài về cụ, bà lại cầm bức ảnh này đến lớp học để thầy giáo mượn làm giáo cụ trực quan. Sau đó bà vào đại học rồi đi công tác tại chiến trường B (1965), thì bức ảnh bị lưu lạc. Khi đọc cuốn “Đời và thơ”, thấy in tấm hình đó (1993), bà liên hệ với Viện Văn học Việt Nam xin lại. Mới đây, trong tháng 8- 2023, gia đình bà Hiền tiếp nhận thêm tấm ảnh của một người bạn chụp Nguyễn Khuyến nhận bằng sắc vua Tự Đức ban ngay trong Lễ công bố kết quả thi Đình… Những hiện vật này không có ở khu Từ đường Nguyễn Khuyến (xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) hiện nay.

 

Theo đánh giá của nhà biên kịch Tô Hoàng Vũ, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hải Phòng, đây là những hiện vật quý gắn với cuộc đời và sự nghiệp nhà thơ Nguyễn Khuyến - danh nhân văn hóa Việt Nam. Nếu xây dựng được nơi đây thành một địa chỉ văn hóa Hải Phòng sẽ là việc làm hữu ích. Tuy nhiên, không nhiều người biết sự có mặt của những di vật quý này tại tư gia của bác sĩ Hiền. Trước đây chỉ có một số nhà văn Trung ương, địa phương và đoàn cán bộ của Trường THPT Nguyễn Khuyến đến thắp hương tưởng niệm nắm được. Tất cả đều đánh giá cao công sức của gia đình trong việc lưu giữ những hiện vật quý về nhà thơ và mong muốn những hiện vật này sớm được giới thiệu với công chúng Hải Phòng.

 

Năm 2023, bà Nguyễn Thị Thu Hiền đã bước sang tuổi ngoài tám mươi, sức khỏe yếu nên phải theo các con về sống tại Hà Nội. Ngôi nhà 100 m2 tọa lạc trên mảnh đất 180 m2 thuộc sở hữu của bà với những di vật quý hiếm này đành nhờ cậy người đồng nghiệp cũ trông nom hương khói. Bà tâm sự: “Tôi mong muốn UBND thành phố, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hải Phòng, giúp đỡ gia đình bảo tồn và phát huy giá trị của khu thờ tự cụ tôi”./.