Bóng đá trẻ Hải Phòng: Những mảnh ghép dở dang

04:53 CH 05/01/2019

Các cầu thủ Trung tâm Bóng đá Hải Phòng tập luyện tại Trung tâm.

 

Cầu thủ thiệt

Nhiều năm qua, Trung tâm Bóng đá thuộc Sở VHTT thường xuyên chuyển giao các cầu thủ thuộc lứa U17 cho CLB bóng đá chuyên nghiệp Hải Phòng. Thế nhưng, năm nay, việc tổ chức lễ bàn giao không thành khi Công ty cổ phần Thể thao Hải Phòng – chủ quản CLB Hải Phòng không nhận. Trong câu chuyện này chỉ có các cầu thủ trẻ thiệt bởi nhìn vào thực tế cả bên chuyển giao và bên tiếp nhận đều có lý do riêng. Tỏ ra khá buồn bã, cầu thủ Lê Quang Phong, sinh năm 2001 cho biết: “Cháu chỉ mong ước được tiếp tục luyện tập, thi đấu ở đội U19 và U21 để hoàn thiện bản thân, có thể thi đấu cho đội bóng quê hương.

Ước mơ gắn bó với bóng đá Hải Phòng của cầu thủ trẻ Lê Quang Phong trở nên khó khăn và xa vời. Bởi Trung tâm Bóng đá chỉ được giao đào tạo đến lứa tuổi U17 và họ không còn cách nào khác ngoài việc chuyển giao lên tuyến trên hoặc trả các cháu về gia đình để tự liên hệ với các trung tâm khác. Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Bóng đá Nguyễn Thị Lý cho biết: “Chúng tôi chỉ được giao đào tạo đến tuyến U17 nên rất khó khăn về kinh phí. Nếu giữ các cháu ở lại, trung tâm không có tuyến U19 và U21 để các cháu tiếp tục luyện tập, phát triển chuyên môn. Đây chính là khó khăn trong công tác đào tạo và vấn đề này chỉ giải quyết được khi có các tuyến trẻ U19 và U21”.

Phó giám đốc Trung tâm Bóng đá Hải Phòng Phạm Mạnh Long nhận định: “Các cháu đều được lựa chọn từ nhỏ, lứa U17 này thi đấu nhiều mùa giải ở các giải đấu cấp quốc gia. Chúng tôi lập danh sách, thống kê các số liệu chuyên môn, chuyển giao lên tuyến trên để tiếp tục tạo môi trường luyện tập, thi đấu tiếp. Các cháu rất nỗ lực vượt qua được những bài tập, bài kiểm tra hằng năm và đều có triển vọng phát triển. Tuy nhiên, lứa tuổi U17 là lứa chuyển giao, bước đệm và các cháu rất cần môi trường tiếp tục phát triển bộc lộ tài năng như U19 và U21 để trau dồi chuyên môn, đạo đức mới có thể phát triển được”.

Trong khi đó, CLB bóng đá chuyên nghiệp Hải Phòng thực tế không có các tuyến trẻ theo quy định nhiều năm nay. Nếu tiếp nhận các các cầu thủ U17, CLB cũng không thể bố trí luyện tập, thi đấu cho các cầu thủ này. Bởi họ còn quá trẻ, trình độ chuyên môn còn khoảng cách rất lớn so với các cầu thủ đội 1.

Cần cơ chế thống nhất

Ước mơ được khoác áo đội bóng quê hương thi đấu của các cầu thủ trẻ Trung tâm Bóng đá Hải Phòng trở nên gian nan hơn bao giờ hết. Không được tiếp tục luyện tập, công sức bỏ ra nhiều năm qua của thầy, trò trung tâm bóng đá trở về con số không. Các cầu thủ trẻ chưa biết đi đâu về đâu sau nhiều năm gắn bó từ những tuyến trẻ như U11, U13 hay U15, U17.

Cuộc chuyển giao bất thành chỉ ra vấn đề của đào tạo bóng đá trẻ Hải Phòng nhiều năm qua vẫn chưa được khắc phục. Đó là tính hệ thống. Những mảnh ghép dang dở, nhỡ nhàng giữa Trung tâm Bóng đá và CLB chuyên nghiệp thể hiện sự thiếu liên kết, phối hợp để phục vụ mục tiêu phát triển bóng đá thành phố. Công ty cổ phần Thể thao Hải Phòng và Trung tâm Bóng đá thuộc Sở VHTT đều sử dụng tiền hỗ trợ từ ngân sách thành phố với cùng mục tiêu vì sự phát triển của bóng đá Hải Phòng. Tuy nhiên, sự thiếu hụt các tuyến trẻ cũng như cách làm thiếu tính đồng bộ, thiếu quy chế phối hợp, hỗ trợ giữa các bên khiến bóng đá Hải Phòng thiếu nền tảng vững từ đào tạo trẻ. Vì vậy, CLB bóng đá Hải Phòng phải tung tiền vào thị trường chuyển nhượng để đáp ứng yêu cầu chuyên môn và dẫn tới đội bóng đất Cảng không có cầu thủ nào trưởng thành từ bóng đá Hải Phòng.

Bóng đá trẻ là nền tảng cho sự phát triển và bài học từ các CLB chuyên nghiệp như HAGL, Hà Nội, SLNA, Thanh Hóa là mình chứng rõ nét nhất. Đã đến lúc bóng đá Hải Phòng cần phải xây dựng lại hệ thống để có thể phát huy nội lực bằng cái tâm, cái tầm của những người làm bóng đá,  qua đó nuôi dưỡng những ước mơ cống hiến cho bóng đá thành phố.