Ba trăm ngày đấu tranh sôi sục, quyết liệt giải phóng hoàn toàn thành phố (Kỳ 8)

10:11 SA 10/04/2025

Theo quy định của hiệp định đình chiến, trước khi rút lui ở đâu, quân Pháp phải làm xong thủ tục bàn giao các vị trí quân sự, các công sở và cơ quan, xí nghiệp nơi đó cho các đội hành chính và trật tự của ta vào trước một tuần. Nhưng bọn thực dân Pháp, với sự đạo diễn của Mỹ, ngoan cố và xảo quyệt, chúng không muốn bàn giao lại cho chúng ta một thành phố nguyên vẹn. Vì vậy cơ sở của ta không những phục vụ cho cuộc đấu tranh giữ người, giữ của mà còn phải bí mật kiểm kê tài sản, công trình để chuẩn bị điều kiện cho các đội hành chính của ta nhận bàn giao của địch một cách đầy đủ, chính xác. Khu ủy Tả Ngạn và Ban chỉ đạo khu 300 ngày đã mở lớp bồi dưỡng cho trên 300 cán bộ, gồm những cán bộ, chiến sĩ được tôi luyện trong chiến đấu, có kinh nghiệm vào trước để nhận bàn giao của địch. Ngoài ra còn bồi dưỡng trên 100 cán bộ quản lý kinh tế để sau khi thành phố được giải phóng, số cán bộ này trực tiếp về cơ sở điều hành mọi hoạt động kinh tế, xã hội. 

 

Bộ đội ta tiếp quản Hải Phòng ngày 13-5-1955. Ảnh tư liệu

 

Từ ngày 1 đến ngày 3-4- 1955, Thành ủy Hải Phòng lúc này được tăng cường mạnh mẽ do đồng chí Đỗ Mười, Ủy viên Trung ương Đảng, trực tiếp làm bí thư, đã họp hội nghị lần thứ nhất. Sau khi phân tích tình hình, hội nghị đã đề ra nhiệm vụ và phương châm công tác tiếp quản là: “Lãnh đạo quân dân Hải Phòng đoàn kết đấu tranh chống mọi âm mưu của địch để tiếp quản Hải Phòng an toàn và không gián đoạn, giữ gìn thành phố, thiết lập trật tự cách mạng, ổn định sinh hoạt của nhân dân, khôi phục và giữ vững sản xuất, xây dựng mọi công tác cho thành phố và hải cảng, góp phần vào việc củng cố miền Bắc, củng cố hòa bình và thực hiện thống nhất nước nhà”. Hội nghị Thành ủy còn đề ra một số việc cần chú trọng để đối phó với những tráo trở của địch; tiếp thu và quản lý thành phố, trấn áp bọn phá hoại, giữ vững trật tự an ninh; mau chóng ổn định tư tưởng, ổn định công ăn, việc làm và đời sống nhân dân... 

Theo thứ tự thời gian, đội hành chính và trật tự của ta vào trước, đã được sự giúp đỡ của công nhân, viên chức và nhân dân, đấu tranh buộc địch phải nghiêm chỉnh làm đúng mọi thủ tục bàn giao các vị trí, các khu vực cho ta. Ở nhiều nơi bọn địch phải ngạc nhiên vì không hiểu làm sao các đội hành chính của ta lại nắm chắc tình hình như vậy. Ngày 28-4, ta tiếp quản khoảnh 4: gồm Kim Thành, Kinh Môn và một phần huyện An Dương. Ngày 10- 5, một trung đoàn thuộc Đại đoàn 320 cùng với Tiểu đoàn 204 Kiến An vào tiếp quản thị xã Kiến An. Ngày 12-5, ta tiếp quản khoảnh 6: An Dương. Mọi công việc tiếp quản hoàn thành tốt. Cán bộ, chiến sĩ ta chấp hành nghiêm túc chính sách đối với vùng mới giải phóng và mười điều kỷ luật tiếp quản.

 

 (Còn nữa) 

Trích “Hải Phòng, lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược” (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - 1986).
 

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập