Nâng cao quy mô, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực: Thêm động lực để Hải Phòng “tăng tốc, vươn xa” (Kỳ 2)
(HPĐT)- Ghi nhận thực tế trong thời gian qua, giáo dục nghề nghiệp của thành phố có độ “chững” nhất định, các trường loay hoay với “bài toán” tuyển sinh, thu hút người học, trong khi một bộ phận người dân lại chưa “mặn mà” với học nghề. Đây là những “điểm nghẽn”, “nút thắt” cần được khơi thông, tháo gỡ để giáo dục nghề nghiệp thành phố “cất cánh”. Do đó, thành phố chủ trương thực hiện một số giải pháp như sắp xếp, tinh gọn; đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất đối với hệ thống trường nghề; xây dựng, triển khai các nghị quyết đặc thù..., đem lại “sức sống mới” cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Kỳ 2: Chủ động tháo gỡ những “nút thắt”
Còn nhiều khó khăn, vướng mắc
Giai đoạn 2020-2023, toàn thành phố có hơn 124 nghìn học sinh tốt nghiệp THCS, hơn 82.200 học sinh tốt nghiệp THPT. Trong đó, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục theo học trình độ sơ cấp, trung cấp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên quận, huyện chỉ đạt khoảng 11% (thấp hơn mục tiêu đến năm 2020 tại Kế hoạch số 126 của UBND thành phố về triển khai thực hiện Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025 trên địa bàn thành phố Hải Phòng là 40%); tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT theo học hệ cao đẳng tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chiếm khoảng 18% (mục tiêu đến năm 2020 theo Kế hoạch số 126 là 45%).
Trao đổi về vấn đề này, Trưởng Phòng Tuyển sinh Trường cao đẳng Công nghệ Viettronics Nguyễn Xuân Vinh cho biết, công tác phân luồng giáo dục trên địa bàn thành phố chưa đạt những chỉ tiêu cơ bản theo Quyết định số 522/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” đề ra, nên nguồn tuyển sinh của các trường nghề khá hạn chế. Thêm vào đó, trên địa bàn quận Hải An và lân cận có nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đào tạo các ngành nghề tương đối giống nhau Trường cao đẳng Hàng Hải 1, Trường cao đẳng Bách nghệ, Trường cao đẳng Công nghệ, kinh tế và thủy sản…, nên cuộc “cạnh tranh” tuyển sinh giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khá căng thẳng.
Mặt khác, tuyển sinh cao đẳng, trung cấp nghề chưa được đưa vào hệ thống tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo nên sau khi các trường đại học công bố điểm chuẩn xét tuyển, các trường nghề mới bắt đầu tuyển sinh, ảnh hưởng đến chất lượng “đầu vào” của cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Theo Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Du lịch Hải Phòng Mai Thị Huệ, năm 2023, quy mô tuyển sinh của nhà trường là hơn 1.300 sinh viên, nhưng một số ngành như quản trị lễ tân, quản trị nhà hàng… kết quả tuyển sinh chưa đạt 50% quy mô đào tạo. Nguyên nhân do một số cơ sở đào tạo lân cận có những ngành, nghề với đặc điểm tương tự. Ở phía người học, dù nhà trường tuyên truyền, giới thiệu chi tiết, cụ thể về việc lựa chọn nghề nghiệp cần đúng năng lực, sở trường, nhưng không ít sinh viên lựa chọn ngành nghề vì “nghe sang hơn”, cha mẹ định hướng các con lựa chọn công việc “quen tai hơn”, phổ biến hơn.
Thêm vào đó, với nếp nghĩ trọng bằng cấp, nhiều gia đình, học sinh không “mặn mà” với học nghề. Em Lê Bảo Nhi, học sinh lớp 12A10, Trường THPT Trần Nguyên Hãn bày tỏ: Vì đăng ký các nguyện vọng học đại học không giới hạn cùng với sự đa dạng trong phương thức xét tuyển, nên thí sinh có nhiều cơ hội đỗ đại học. Sau khi tốt nghiệp THPT, em cũng sẽ lựa chọn con đường học đại học hoặc tìm cách đi du học, chưa nghĩ đến việc đăng ký học nghề.
Chủ động đổi mới, chuyển mình
Trước đây, số lượng sinh viên theo học hệ cao đẳng của Trường cao đẳng Du lịch Hải Phòng thường chưa vượt quá 200 người/năm, dù 100% số sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp. Vừa qua, nhà trường mở thêm 3 chuyên ngành mới: Logistics, kinh doanh thương mại và truyền thông đa phương tiện, với mục tiêu thu hút khoảng 150 học sinh theo học ngành mới. Đây là những ngành được dự báo Hải Phòng cần nhiều nhân lực trong thời gian tới. Do đó việc “đón đầu” trong khâu đào tạo có thể góp phần đáp ứng lượng nhân lực có chuyên môn phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động. Còn Trường cao đẳng Kỹ thuật Hải Phòng hoàn thiện nâng cấp phần mềm quản lý đào tạo, xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng (35 quy trình), cập nhật thông tin trên phần mềm dữ liệu của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp... Những giải pháp trên góp phần làm học nghề hấp dẫn hơn trong mắt người dân. Bên cạnh đó, một số trường chọn cách “nuôi dưỡng” học viên hệ trung cấp (9+) liên thông cao đẳng để thu hút người học. Hiệu trưởng Trường cao đẳng, kinh tế và thuỷ sản Trịnh Quốc Tấn thông tin: Hiện nhà trường có khoảng 1.200 học sinh, sinh viên đăng ký học, vượt 45% so với chỉ tiêu năm học 2024- 2025 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao. Nhận thấy chính sách hỗ trợ học nghề phù hợp với học sinh miền núi phía Bắc, nhà trường đẩy mạnh tuyển sinh ở khu vực này, nên số học sinh, sinh viên là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 70% số học viên nhà trường. Ngoài ra, một số trường nghề của Hải Phòng tích cực phối hợp các đơn vị giáo dục nghề nghiệp ở tỉnh ngoài để tuyển sinh.
Với mục tiêu tuyển sinh, đào tạo khoảng 1.300 học sinh, sinh viên năm học 2024-2025, Trường trung cấp Kỹ thuật nghiệp vụ Hải Phòng đẩy mạnh liên kết đào tạo, đào tạo lại với doanh nghiệp. Đồng chí Trịnh Quốc Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Năm học tới, trường triển khai chương trình hợp tác đào tạo 2+2 với Trường cao đẳng Jeonju Vision Hàn Quốc, mở các lớp tiếng Hàn miễn phí dành cho học sinh nhà trường và hợp tác đào tạo người lao động khi được tuyển dụng, làm việc tại nhiều doanh nghiệp như Công ty TNHH LG Display, Tổng công ty xây dựng Bạch Đằng, Công ty TNHH công nghiệp nặng Doosan Vina…”.
Theo Trưởng Phòng Giáo dục nghề nghiệp Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Ngân, trước đây, 90% các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tập trung ở quận Kiến An (12 cơ sở), quận Hồng Bàng (9 cơ sở), quận Hải An (7 cơ sở), gây nên sự chồng chéo trong đào tạo, tuyển sinh. Nhưng ở các huyện như: An Lão, Cát Hải, Tiên Lãng, Kiến Thụy, mỗi địa phương chỉ vỏn vẹn có 1 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Với mục tiêu tập trung nguồn lực đầu tư đối với 2 trường đào tạo trọng tâm trong lĩnh vực công nghiệp và kỹ thuật, mở rộng phạm vi thu hút học viên, thành phố đồng ý chủ trương sắp xếp, sáp nhập 5 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (3 trường cao đẳng, 2 trường trung cấp), hình thành 2 Trường cao đẳng Kỹ thuật Hải Phòng và Trường cao đẳng Kinh tế Hải Phòng.
Việc sắp xếp, tinh gọn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là căn cứ quan trọng cơ bản để mở các khoa, ngành đào tạo mới, đầu tư trang thiết bị, bổ sung đội ngũ giảng viên, xây dựng giáo trình đào tạo phù hợp…, góp phần bảo đảm, nâng cao “sức sống” của các trường, hướng đến thực hiện cơ chế tự chủ trong thời gian tới. Đồng chí Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch UBND thành phố cho biết, tháng 5-2024, Dự án đầu tư xây dựng Trường cao đẳng Kỹ thuật Hải Phòng giai đoạn 1 tại xã Mỹ Đức (huyện An Lão) đã cơ bản hoàn thành, với tổng mức đầu tư gần 400 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố. Trường được xây dựng trên diện tích 7,4 ha, các hạng mục, công trình đồng bộ, đáp ứng tiêu chuẩn của trường cao đẳng nghề chất lượng cao, quy mô tuyển sinh, đào tạo khoảng 2 nghìn học sinh, sinh viên, học viên/năm. Đồng thời, UBND thành phố nghiên cứu, đề xuất Ban Thường vụ Thành ủy, HĐND thành phố ban hành cơ chế, chính sách đặc thù để nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực với lộ trình trình trung hạn, dài hạn, tạo động lực bứt phá đối với hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Kỳ cuối: Tầm nhìn dài hạn với giải pháp toàn diện