Cầu Quay - chứng tích lịch sử
(HPĐT)- Khoảng 10 năm trở lại đây, Hải Phòng có bước đột phá về phát triển hạ tầng giao thông, nhất là xây dựng cầu. Nhiều cây cầu với kiểu dáng thiết kế nối liền những bờ vui. Chẳng thế mà Hải Phòng được thân thương gọi tên: Thành phố của những cây cầu. Trong số ấy, cầu Tam Bạc (hay còn gọi cầu Quay) với hơn 123 năm tuổi giữ cho mình giá trị độc đáo và công năng không thể thay thế.
Độc đáo cầu Quay xe lửa
Trong cuốn sách “Hải Phòng- những chặng đường lịch sử” có ghi rõ, sau khi thực dân Pháp chiếm đánh Bắc Kỳ năm 1873-1874 và xây dựng Cảng Hải Phòng 1874, để thuận tiện việc vận chuyển hàng hóa từ Pháp sang Việt Nam, từ Việt Nam đi Trung Quốc và ngược lại, nhà cầm quyền Pháp cho xây dựng tuyến đường sắt Hải Phòng- Hà Nội- Lào Cai. Một loạt cầu thép được xây trên tuyến xe lửa này, trong đó có cầu Quay Hải Phòng. Cây cầu bắc qua sông Tam Bạc, được khởi công năm 1901, hoàn thành năm 1902. Cầu được xây bằng dầm thép, có 2 nhịp và 3 khoang thông thuyền, phục vụ cho cả đường bộ và đường sắt. Cầu có tên gọi là cầu Xe hỏa. Tuy nhiên, để không gây trở ngại cho các tàu thuyền qua lại trên sông, các kỹ sư người Pháp thiết kế nhịp giữa cầu có thể quay ngang 90 độ. Đây được coi là nguồn gốc tên gọi cầu Quay.
Những năm đầu, cầu được điều khiển thủ công bởi 5-6 công nhân người Việt. Họ sử dụng hệ thống ròng rọc để quay cả một nhịp cầu dài khoảng 50 m, nặng trăm tấn. Sau một thời gian, việc vận hành được thực hiện bằng động cơ điện. Khi quân thực dân Pháp nổ súng ở Hải Phòng năm 1946, quân dân ta lột đường ray, bóc tà vẹt mặt cầu để chặn địch. Sau khi quân và dân ta tiếp quản thành phố, cầu được sửa chữa lại và đến năm 1951, được đổi tên là Hoa Lư. Nhưng sau 3 năm, cầu Hoa Lư đổi tên thành cầu Tam Bạc và từ đó đến nay, người dân thành phố Cảng quen gọi cầu với 2 tên: cầu Quay hoặc Tam Bạc. Trong thời kỳ chiến tranh phá hoại, đế quốc Mỹ nhiều lần sử dụng không quân đánh phá Hải Phòng trong có cầu Tam Bạc khiến cầu bị hư hỏng nặng. Sau khi đình chiến, cầu lại được khẩn trương sửa chữa để kịp thời phục vụ yêu cầu chi viện chiến trường miền Nam. Sau nhiều lần sửa chữa, cầu được làm cố định, tính năng quay của cầu chỉ còn là hoài niệm nhưng cái tên cầu Quay còn mãi trong lòng người dân thành phố và được sử dụng đến hôm nay.
Thêm “phiên bản” mới
Trước yêu cầu giai đoạn phát triển mới gắn với chỉnh trang mỹ quan đô thị, năm 2011, thành phố quyết định đầu tư xây dựng cầu đường bộ Tam Bạc song song với cầu cũ. Cầu có chiều dài 197 m, chiều rộng 12 m, kết cấu 5 nhịp dầm bê tông cốt thép dự ứng lực, vận tốc thiết kế đạt 50 km/giờ. Tĩnh không thông thuyền của cầu rộng 40 m, cao 4,75 m với tổng mức đầu tư là 367,3 tỷ đồng. Cầu được khánh thành, thông xe cuối tháng 4- 2013. Cây cầu mới giúp “san tải” và dành cho phương tiện đường bộ lưu thông, trở thành cửa ngõ hướng vào khu vực nội đô. Cây cầu không chỉ giúp việc đi lại thuận tiện mà còn tạo không gian mới, hiện đại…, trong khi cầu Quay cũ giữ chức năng cầu dành cho đường sắt và người đi bộ. Mang trên mình dáng vẻ cổ kính, dấu ấn của thời gian, cầu Quay cũ trở thành địa điểm trải nghiệm, check-in thú vị của nhiều bạn trẻ và những người ưa sự hoài cổ.
Cặp “song sinh” cầu Quay tồn tại, bổ trợ lẫn nhau và giữ những nét độc đáo riêng có, giá trị mang tính văn hóa, lịch sử. Dù có hàng trăm cây cầu được xây mới nhưng cầu Quay có những giá trị riêng, trở thành điểm nhấn, là chứng nhân thể hiện sức sống mãnh liệt của người dân thành phố Cảng không chịu khuất phục trước mưa bom, bão đạn của kẻ thù và sự phát triển mạnh mẽ, cùng khát vọng vươn lên trở thành thành phố đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; động lực phát triển của vùng Bắc bộ và của cả nước; kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi trong nước và quốc tế...