Nâng cao quy mô, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực: Thêm động lực để Hải Phòng “tăng tốc, vươn xa” (Kỳ cuối)
(HPĐT)- Nhằm “tạo đà” cho giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học “cất cánh”, HĐND thành phố vừa thông qua Nghị quyết số 03 quy định chính sách hỗ trợ đào tạo một số nghề trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2024-2030. Không dừng lại ở những lộ trình ngắn, trước mắt, thành phố còn xác định tầm nhìn chiến lược bảo đảm cung ứng bền vững nguồn nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh vực trọng điểm, với một số đề án phát triển các trường đại học. Đây là các giải pháp mang tính tổng quát, toàn diện, dài hơi, thể hiện quyết tâm, sự đầu tư lớn của thành phố nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời gian tới.
Kỳ cuối: Tầm nhìn dài hạn với giải pháp toàn diện
“Trợ lực” các trường mạnh mẽ
Chương trình hành động 76 của Ban Thường vụ Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 45- NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo của thành phố là 87-88%; tuyển sinh đào tạo 10 nghìn học sinh, sinh viên trình độ trung cấp, cao đẳng. Đến năm 2030, phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo của thành phố là 90%; tuyển sinh đào tạo 12 nghìn học sinh, sinh viên trình độ trung cấp, cao đẳng. Để hoàn thành, cần có hệ thống giáo dục nghề nghiệp tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Nhằm hiện thực hóa mục tiêu rất lớn này, công tác phân luồng phải đi trước một bước và phải làm thực chất, hiệu quả từ cơ sở thì trường nghề mới “hút” được người học. Một trong những yếu tố có tính chất quyết định đến hiệu quả phân luồng học sinh sau THCS là các cấp, các ngành cần tăng cường công tác tuyên truyền để chứng minh tính ưu việt của học nghề thông qua cơ hội việc làm, mức lương và sự phát triển trong tương lai, qua đó thay đổi tư duy, nhận thức của xã hội, người dân về học nghề. Đồng thời, các trường nghề thường xuyên “tự làm mới”, tự đổi mới để tạo sức hấp dẫn với người học. Tạo động lực thực hiện mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, HĐND thành phố vừa ban hành Nghị quyết số 03, ưu tiên dành nguồn lực hơn 539 tỷ đồng từ ngân sách thành phố để hỗ trợ hoạt động đào tạo nghề. Trong đó, gần 536,7 tỷ đồng dành hỗ trợ người học, 2,735 tỷ đồng hỗ trợ bồi dưỡng kỹ năng nghề, nghiệp vụ sư phạm đới với nhà giáo giáo dục nghề nghiệp. Với một số ngành học từ nhiều năm nay thiếu hụt “đầu vào”, sự ra đời của nghị quyết là giải pháp tháo gỡ rất tích cực. Với cơ chế khuyến khích hỗ trợ đặc thù, Nghị quyết 03 mới có thể tạo “cú hích lớn” với công tác tuyển sinh của các trường nghề. Hiệu trưởng Trường cao đẳng Kỹ thuật Hải Phòng Lã Đình Kế thông tin, qua 2 đợt tuyển sinh năm 2024, nhà trường tuyển được gần 300 học viên, sinh viên. Hoạt động tuyển sinh của trường bắt đầu khởi sắc, số lượng học viên tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Nhất là những năm học trước, ngành hàn của nhà trường không tuyển được học viên, nhưng sau khi có chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 03, hiện ngành học này bắt đầu có người theo học.
Theo quy định của Nghị quyết 03, nhà giáo giáo dục nghề nghiệp được hỗ trợ 10 triệu đồng/người khi tham gia khóa bồi dưỡng kỹ năng nghề; được hỗ trợ 3 triệu đồng/người khi tham gia khóa bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Giảng viên Hoàng Văn Nhỡ, Khoa Điện- điện tử Trường cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương 2 bày tỏ, với kinh nghiệm gần 17 năm tham gia giảng dạy, anh đã hoàn thiện các chứng chỉ kỹ năng nghề, nghiệp vụ sư phạm. Tuy nhiên, cũng như nhiều ngành nghề nói chung, ngành điện- điện tử đòi hỏi cập nhật thường xuyên, liên tục kiến thức, xu hướng phát triển hiện đại, để xây dựng chương trình đào tạo phù hợp... Do đó, chính sách hỗ trợ giảng viên tham gia các khóa bồi dưỡng kỹ năng nghề rất thiết thực, phù hợp. Song chính sách này mới dành cho nhà giáo giáo dục nghề nghiệp của các cơ sở đào tạo nghề trực thuộc UBND thành phố. Anh Nhỡ đề xuất thành phố nghiên cứu, mở rộng hỗ trợ với cả nhà giáo giáo dục nghề nghiệp của các trường thuộc bộ, ngành trung ương đóng trên địa bàn thành phố.
Đánh giá cao những chính sách đặc thù của thành phố vừa thực hiện dành cho giáo dục nghề nghiệp, PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hương, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) nhận xét, Hải Phòng là một trong số ít địa phương kịp thời ban hành nghị quyết riêng, chính sách đặc thù để hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp. Đây là tư duy mới, thể hiện sự quan tâm, tinh thần chủ động “đón đầu” xu hướng phát triển nhân lực thời gian tới, tạo tiền đề để hệ thống giáo dục nghề nghiệp nói riêng, công tác đào tạo nhân lực trên địa bàn Hải Phòng nói chung tiếp tục gặt hái nhiều kết quả tốt đẹp. Bên cạnh đó, lãnh đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đề xuất thành phố tăng cường tổ chức các hội thi, cuộc thi, tạo điều kiện để nhà giáo giáo dục nghề nghiệp phát huy sáng kiến kinh nghiệm, gắn bó hơn với hoạt động dạy nghề, đào tạo sát thực tiễn.
Đón đầu để đáp ứng xu thế phát triển
Đồng chí Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố khẳng định: Hải Phòng xác định đầu tư cho giáo dục, đào tạo là đầu tư cho tương lai, nhất là đón đầu nguồn nhân lực khi các khu công nghiệp, khu kinh tế mới chuẩn bị được xây dựng và đưa vào khai thác. Vì vậy, trong các chuyến xúc tiến đầu tư tại nhiều nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…, hay khi làm việc với đại diện các tập đoàn lớn về lĩnh vực giáo dục- đào tạo trong nước và quốc tế, lãnh đạo thành phố luôn bày tỏ mong muốn hợp tác đào tạo nguồn nhân lực. Thành phố sẵn sàng, ưu tiên dành mặt bằng và tạo thuận lợi tối đa với các cơ chế, chính sách về đất đai, thuế để xây dựng các cơ sở đào tạo, trung tâm nghiên cứu; tạo điều kiện để đội ngũ giảng viên, chuyên gia từ các trường đại học danh tiếng đến giảng dạy, nghiên cứu những lĩnh vực Hải Phòng rất cần như đổi mới sáng tạo, logistics, vật liệu mới, năng lượng mới, bán dẫn, tài chính…; trao đổi giảng viên, sinh viên, học sinh theo hình thức đào tạo ngắn hạn hoặc dài hạn. Ban Thường vụ Thành ủy vừa ban hành Nghị quyết 14 về “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là chính sách lớn, kim chỉ nam để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của thành phố. Trong tương lai gần, thành phố tiếp tục mở rộng các khu công nghiệp, khu kinh tế, kéo theo nhu cầu nhân lực rất lớn, nhất là nhân lực chất lượng cao.
Trong đó, Khu kinh tế ven biển phía Nam có diện tích khoảng 20 nghìn ha thuộc các huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, An Lão, Kiến Thụy, quận Đồ Sơn. Theo Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng Lê Trung Kiên, đây là khu kinh tế sinh thái thế hệ 3.0 đa ngành, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, cảng biển, logistics hiện đại và đô thị thông minh. Dự kiến, đến năm 2030, Khu kinh tế ven biển phía Nam sẽ trở thành động lực chủ đạo của nền kinh tế Hải Phòng, có vai trò đặc biệt quan trọng trong kết nối các khu kinh tế lân cận, tạo thành chuỗi khu kinh tế ven biển, làm động lực phát triển của cả vùng. Ngoài ra, Khu kinh tế ven biển phía Nam còn được kỳ vọng tạo việc làm cho hơn 300 nghìn lao động.
Đón đầu xu hướng phát triển ấy, các cơ sở, đơn vị giáo dục, đào tạo nghề nghiệp sẵn sàng chuẩn bị, đầu tư kỹ càng. Với vai trò là một trong những trường đại học trọng điểm quốc gia, Trường đại học Hàng hải Việt Nam xác định việc tham gia vào quá trình xây dựng, hình thành Khu kinh tế ven biển phía Nam là trách nhiệm, quyền lợi, cần tập trung thực hiện. Đặc biệt, trường có chương trình, kế hoạch cụ thể để góp phần đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu phát triển khu kinh tế sau này. PGS.TS Phạm Xuân Dương, Hiệu trưởng Trường đại học Hàng hải Việt Nam thông tin: Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực, nhà trường đặt ra mục tiêu nâng quy mô đào tạo lên 20.000-25.000 sinh viên vào năm 2030; 30.000-35.000 sinh viên vào năm 2045. Bên cạnh nguồn nhân lực tại chỗ, PGS.TS Phạm Xuân Dương đề xuất thành phố tăng cường các chính sách đặc thù, chế độ đãi ngộ, tôn vinh, trọng dụng thu hút đội ngũ, trí thức khoa học công nghệ, chuyên gia, nhà khoa học trong nước và nước ngoài làm việc tại Hải Phòng, nhất là chính sách tuyển dụng, chế độ tiền lương, tạo môi trường làm việc, ổn định đời sống, tập trung vào các nhà khoa học giỏi, có trình độ chuyên môn cao, có khả năng chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ quan trọng, có uy tín, có nhiều thành tựu khoa học trong các lĩnh vực chuyên sâu, như hỗ trợ ổn định nhà ở cho người có nhu cầu, xây dựng khung tiêu chuẩn thuê nhà ở trong quỹ nhà của thành phố với điều kiện, giá thuê ưu đãi hoặc miễn tiền thuê nhà…
Theo PGS.TS Bùi Xuân Hải, Hiệu trưởng Trường đại học Hải Phòng, nhà trường đang triển khai thực hiện Đề án “Đổi mới và phát triển Trường đại học Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Phấn đấu đến năm 2025, quy mô đào tạo các trình độ của trường đạt khoảng hơn 15 nghìn sinh viên, học viên các hệ đào tạo; đến năm 2030 đạt khoảng từ 18 đến 20 nghìn; đến năm 2045 đạt khoảng từ 26-29 nghìn sinh viên, học viên.
Cùng với 2 đề án riêng về xây dựng, phát triển Đại học Hải Phòng, Đại học Hàng hải Việt Nam đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới, Sở Nội vụ tích cực tham mưu, xây dựng Đề án thu hút, trọng dụng nhân tài mang đặc trưng Hải Phòng. Đề án hướng tới các nhóm trường hợp: học sinh, sinh viên có thành tích học tập, tốt nghiệp loại giỏi, những người có học vị, học hàm, cá nhân có các công trình nghiên cứu được công nhận và ứng dụng hiệu quả cao vào đời sống thực tiễn; cán bộ công chức những người có trình độ, năng lực vượt trội và kinh nghiệm thực tiễn đang làm việc ở các lĩnh vực, khu vực trên địa bàn thành phố, kể cả các tỉnh thành phố khác và ngoài nước… Đồng thời đề xuất các chính sách hỗ trợ kèm theo tôn vinh, khen thưởng, hỗ trợ về tiền lương, thu nhập, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm và tạo điều kiện phát triển trong môi trường làm việc phù hợp. Dự kiến, Đề án thu hút, trọng dụng nhân tài được trình HĐND thành phố tại kỳ họp cuối năm, góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút nhân tài xây dựng thành phố Cảng.
Sự quan tâm đầu tư, định hướng bài bản của thành phố qua các nghị quyết, đề án, cơ chế thể hiện tầm “nhìn xa, trông rộng” chiến lược, tâm thế sẵn sàng “đón đầu”, đáp ứng các nhà đầu tư đến với thành phố Cảng. Đây cũng là những điều kiện thuận lợi để giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học của thành phố đổi mới căn bản, toàn diện, ngày càng khởi sắc, đào tạo nguồn nhân lực không chỉ dồi dào mà còn có tay nghề cao, trình độ, năng lực giỏi, làm chủ được khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến của kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0, hướng đến mục tiêu xây dựng thành phố Cảng xanh, văn minh, hiện đại.