Đình Kinh Điền: Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng
Kinh Điền đang được cải tạo khang trang hơn
Theo lịch sử Đảng bộ xã Tân Viên, đình Kinh Điền thờ Thành Hoàng Ngũ Đạo Công linh ứng và Chiêu Thai thánh mẫu Trần Thị Chinh. Tương truyền, bà Trần Thị Chinh là một trong những tướng sĩ nổi danh của Hai Bà Trưng, đến vùng đất Kinh Điền chiêu binh, lập ấp. Bà sinh được người con trai đặt tên là Ngũ Đạo Công, khôi ngô, tuấn tú, tư chất thông minh. Ngũ Đạo Công cùng mẹ giúp dân làng dẹp giặc, bảo vệ non sông, phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Tưởng nhớ công lao to lớn của hai mẹ con bà, dân làng Kinh Điền và quanh vùng lập đền thờ. Trong đó, đình Kinh Điền là nơi thờ tự chính.
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đình Kinh Điền là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng. Tại đây từng diễn ra nhiều hoạt động tuyên truyền, giác ngộ lý tưởng cách mạng cho thanh niên; huy động và tập hợp lực lượng, góp phần củng cố và phát triển phong trào cách mạng của huyện An Lão.
Theo cụ Phạm Văn Sa, Trưởng Ban Khánh tiết đình Kinh Điền, trải qua thăng trầm của lịch sử, chiến tranh, đình làng cũ xuống cấp nghiêm trọng. Năm 1993, đình Kinh Điền được khôi phục trên nền đất cũ, với nét kiến trúc của đình, chùa cổ Phật giáo và mang đậm dấu ấn không gian làng quê Việt với cây đa, giếng nước, sân đình. Khuôn viên đình rộng hơn 3.000 m2. Từ cổng đình đi vào là 2 cây đa cổ thụ, tán rộng, rợp mát. Đình chính xây dựng ở trung tâm khuôn viên, theo bố cục chữ đinh truyền thống, gồm 3 gian: gian chính giữa là toà bái đường và hai gian hậu cung. Toàn bộ phần khung đình được dựng bằng gỗ lim. Mái đình lợp ngói mũi, bốn góc uốn cong, bờ nóc đắp đôi rồng chầu nguyệt. Trong đình, hoành phi, câu đối được chạm khắc tinh xảo, sơn son thếp vàng. Đình lưu giữ một số di vật quý hiếm như: hai pho tượng đồng cổ, một bộ chấp kích, bia đá có niên đại hàng trăm năm tuổi, long đình, bát biểu, nhang án, bài vị, 8 sắc phong và bức đại tự “Nhất ngôi vạn cổ” từ thời Nguyễn. Mới đây, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của thành phố, Ban quản lý đình Kinh Điền huy động nguồn công đức từ nhân dân địa phương và con em xa quê, tiếp tục cải tạo, sửa chữa đình khang trang, rộng rãi hơn.
Hằng năm, vào tháng hai âm lịch, người dân làng Kinh Điền nô nức tổ chức hội đình. Lễ hội được tổ chức gồm phần lễ và phần hội, trong đó, phần lễ gồm các nghi thức tế lễ, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, đời sống ấm no. Phần hội được tổ chức với các trò chơi dân gian truyền thống như: bắt vịt, đi cầu thùng, cờ tướng; giao lưu văn nghệ, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, gắn kết tình làng nghĩa xóm.