Dự án phòng, chống sạt lở núi Thiên Văn (quận Kiến An): Sớm triển khai để bảo đảm an toàn
Tại khu vực tổ dân phố Nam Sơn 3 (phường Văn Đẩu), tình trạng sạt lở núi Thiên Văn ngày càng diễn biến phức tạp.
(HPĐT)- Tình trạng sạt lở, sụp lún đất tiếp diễn với chiều hướng phức tạp, khó lường tại khu vực núi Thiên Văn (quận Kiến An), đòi hỏi các ngành chức năng sớm khắc phục các điểm sạt lở, triển khai các giải pháp lâu dài nhằm bảo đảm an toàn, với người dân.
Mỗi mùa mưa bão, gia đình ông Hoàng Văn Xô (tổ dân phố Nam Sơn 3, phường Văn Đẩu, Kiến An) lại sống trong nỗi lo sợ thường trực bởi nếu mưa xuống, kết hợp với địa hình sườn đồi dốc dựng đứng, nước kèm theo đất đá lại đổ tràn vào nhà. Ông Xô cho biết, mong muốn lớn nhất của gia đình và bà con sống tại đây là được chính quyền địa phương tạo điều kiện di dời khỏi khu vực nguy hiểm này. Không chỉ khi mưa lớn, mà bình thường cũng có tình trạng đất đá “bất thình lình” lăn từ trên cao xuống, đe dọa trực tiếp tới đến tính mạng và tài sản của hộ dân khu vực chân núi.
Nguyện vọng của ông Xô cũng là mong muốn của hàng trăm hộ dân sống chung quanh khu vực núi Thiên Văn. Theo khảo sát của UBND quận Kiến An, hiện nay, khu vực này có tổng số 177 hộ dân, 647 nhân khẩu trong vùng nguy hiểm, có nguy cơ cao về sạt lở đất đá, thuộc địa bàn tổ dân phố số 13 (phường Trần Thành Ngọ) và tổ dân phố Nam Sơn 3 (phường Văn Đẩu), kéo dài từ đường Trần Nhân Tông đến đường Nguyễn Xiển. Liên tiếp trong gần 10 năm qua, tình trạng sạt lở núi Thiên Văn ở các khu vực này ngày càng diễn biến phức tạp. Đơn cử vào các năm 2015, 2016, khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường, ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới di chuyển phức tạp, gây mưa lớn trên diện rộng, cùng với sự xói mòn, rửa trôi dẫn đến độ ẩm của đất núi tăng, làm thay đổi cấu trúc, giảm sự liên kết. Trong 2 năm qua xuất hiện nhiều vết rạn nứt bất thường, tại các nhà dân chung quanh và xảy ra nhiều hiện tượng đá rơi xuống khu vực nhà dân dưới chân núi thuộc tổ dân phố Nam Sơn 3 (phường Văn Đẩu). Trong các năm 2018-2020, trên địa bàn xảy ra hơn 10 vụ sạt lở, đặc biệt là hiện tượng sạt trượt đất, đá xảy ra liên tục. Tuy chưa có thiệt hại về người, song nguy hiểm luôn cận kề.
Phó chủ tịch UBND phường Trần Thành Ngọ Vũ Vân Long cho biết, để bảo đảm an toàn cho người dân tại khu vực này, UBND phường tuyên truyền để người dân ký cam kết ứng phó, di dời khi có mưa bão. Mỗi đợt mưa lớn, địa phương cử đoàn công tác đến từng hộ dân để vận động và có phương án di dân tạm thời đến các địa điểm như: trụ sở UBND phường và Trường mầm non Trần Thành Ngọ.
Với thực trạng như trên, việc đầu tư triển khai dự án phòng, chống sạt lở núi Thiên Văn là hết sức cần thiết. Theo UBND quận, từ năm 2017, quận tổ chức lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án giai đoạn 1 trình UBND thành phố. Tuy nhiên tại thời điểm đó, quy mô đề xuất còn hạn chế, chưa bao quát toàn bộ các khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp. Do vậy, ngay sau khi có ý kiến chỉ lãnh đạo của lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố tại cuộc làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ quận tháng 7 vừa qua, UBND quận Kiến An tổ chức nghiên cứu, khảo sát lại toàn bộ khu vực có nguy cơ sạt lở. Đồng thời rà soát kỹ các hộ dân tại khu vực nguy hiểm để đề xuất giải pháp tổng thể với khu vực này.
Theo đó, UBND quận Kiến An đề nghị thành phố cho phép đầu tư dự án phòng, chống sạt lở núi Thiên Văn với tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách thành phố và quận. Căn cứ vào thứ tự ưu tiên các hộ dân phải di dời, UBND quận Kiến An dự kiến phân kỳ đầu tư thành nhiều giai đoạn. Trong đó, về đề xuất tổng thể dự án, quận dự kiến tháo dỡ toàn bộ công trình nhà ở, vật kiến trúc của các hộ dân cư trên khu nhà Bằng (12 hộ dân và nhà nghỉ Sơn Anh) và các hộ dân cư trong phạm vi 10-60 m tính từ chân núi (khu vực có nguy cơ ảnh hưởng cao khi núi bị sạt lở, từ số nhà 50 đường Nguyễn Xiển tới ngõ 1174 đường Trần Nhân Tông), liên quan đến 177 hộ dân. Về phần xây dựng, sẽ triển khai xây dựng tường chắn, gia cố tường chắn bằng hệ tường sườn vát từ đỉnh tường tới chân tường dày 40 cm. Quận cũng khảo sát, di chuyển toàn bộ đá “mồ côi” từ khu vực sạt lở đường Cổng Rồng tới sau Công ty Điện lực Kiến An và sử dụng biện pháp khoan neo từ Công ty Điện lực Kiến An đến khu nhà của HTX Thương binh Tiến Đạt. Ngoài ra, xây dựng hệ thống thoát nước chân tường, đường dạo, hàng cây chắn đá, công viên… Cùng với đó, quận có phương án thu hồi 6,2 ha đất trồng lúa tại phường Nam Sơn và phường Văn Đẩu để xây dựng khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng dự án.
Hiện nay, giải pháp tình thế của chính quyền địa phương là tiến hành cắm biển cảnh báo khu vực sạt lở đất đá; thường xuyên kiểm tra để cảnh báo khu vực xuất hiện dấu hiệu sạt lở và đánh giá nguyên nhân. Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân khu vực chân núi Thiên Văn, về lâu dài, UBND quận Kiến An đề nghị thành phố quan tâm đồng ý cho phép nhanh chóng đầu tư dự án./.