Tổ chức tư vấn hướng nghiệp tại các trường THCS, THPT: Linh hoạt “tạo nguồn” tuyển sinh
(HPĐT)- Với mục tiêu tuyển mới 54.200 người tham gia học nghề năm 2025, trong đó, 4.200 người học trình độ cao đẳng, 5.800 học sinh trung cấp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố đa dạng, linh hoạt thực hiện công tác tư vấn, hướng nghiệp các trường THCS, THPT. Không dừng lại ở đó, các trường sẵn sàng xây dựng kế hoạch, các phương án hỗ trợ người học tiếp cận các chính sách đặc thù, ưu đãi.
Nhiều cách làm sáng tạo
Chuẩn bị cho mùa tuyển sinh năm nay, Trường cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương 2 phối hợp Tổ chức Tầm nhìn thế giới, Công ty TNHH LG Electronics thực hiện chương trình định hướng nghề đối với gần 100 thanh, thiếu niên đang học tập tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên quận An Dương. Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Du lịch Hải Phòng Mai Thị Huệ cho biết: Nhà trường vừa hoàn thành công tác tư vấn hướng nghiệp đối với học sinh tại một số trường thuộc phạm vi các quận: An Dương, Hồng Bàng, Kiến An gồm các trường: THCS Hồng Thái, THCS An Hồng, THCS An Hòa... Tại các địa phương khác, nhà trường cũng hoàn thành kết nối, đặt lịch phối hợp tư vấn hướng nghiệp tại một số trường THPT vào cuối tháng 3, đầu tháng 4. Sau đó, nhà trường tiếp tục tổ chức trải nghiệm nghề nghiệp dành cho học viên ngay tại các trung tâm thực hành nghề của nhà trường, hội thảo định hướng nghề dành cho các bậc cha mẹ. Nhà trường dự kiến tổ chức thực hiện thủ tục nhập học sớm cho sinh viên trong tháng 7-2025.
Ngoài ra, một số trường cao đẳng của Hải Phòng tích cực phối hợp với các trường nội trú, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên tỉnh ngoài để tổ chức hoạt động tư vấn, hướng nghiệp. Hiệu trưởng Trường cao đẳng Thuỷ sản và Công nghệ thực phẩm Trịnh Quốc Tấn thông tin: "Năm học 2025- 2026, nhà trường dự kiến tuyển sinh hơn 1 nghìn người. Hiện, 70% số học sinh, sinh viên của nhà trường là đồng bào dân tộc thiểu số, nên năm nay, nhà trường tiếp tục thực hiện các giải pháp kết nối tư vấn, tuyển sinh ở các tỉnh miền núi phía Bắc: Yên Bái, Lạng Sơn, Lào Cai, Tuyên Quang… Hiện, khái niệm học 9+ không còn quá mới mẻ, xa lạ, thế hệ học sinh đã tốt nghiệp từ chương trình này, có việc làm ngay, thu nhập ổn định chính là đội ngũ tư vấn viên chính xác nhất để nhà trường cam kết, khẳng định về tính hiệu quả của mô hình này.
Theo Phó trưởng Phòng Giáo dục thường xuyên, Giáo dục nghề nghiệp và đại học (Sở Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Thị Ngân, bên cạnh những yếu tố chủ quan như: theo học hệ 9+ không cần thi tuyển đầu vào, được học chương trình THPT rút gọn (gồm 7 môn để thi tốt nghiệp), thời gian chủ yếu tập trung thực hành nghề nghiệp…, một trong những thuận lợi khách quan cho công tác tuyển sinh năm nay được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tận dụng triệt để: Nghị quyết 03 của HĐND thành phố quy định chính sách hỗ trợ đào tạo một số nghề trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2024- 2030 tiếp tục có hiệu lực thi hành; sinh viên theo học năm thứ 3 chương trình cao đẳng hướng dẫn du lịch, kỹ thuật chế biến món ăn được giảm 70% học phí… Cùng với đó, nhiều trường THCS, THPT bắt đầu thực hiện tốt hơn công tác phân luồng giáo dục, tạo nguồn “dồi dào” phục vụ công tác đào tạo nghề.
Chuẩn bị lộ trình bài bản, cụ thể
Để tạo sức hút lâu bền, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố thực hiện nhiều giải pháp “tự làm mới”, chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng nhằm tạo những thay đổi, sức hút từ “nội lực”. Hiệu trưởng Trường cao đẳng Kinh tế Hải Phòng Lưu Thanh Tân thông tin, nhà trường tăng cường hợp tác cùng các doanh nghiệp (Công ty TNHH Electronics Việt Nam Hải Phòng) để đầu tư thiết bị hiện đại, bám sát công nghệ tiên tiến đang áp dụng trong các dây chuyền sản xuất thực tế, giúp sinh viên có điều kiện sớm bắt nhịp, làm quen môi trường làm việc và cam kết bảo đảm có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Trường cao đẳng Kỹ thuật Hải Phòng khẩn trương rà soát, củng cố lại các chương trình đào tạo, chọn lọc giáo viên trước khi tuyển sinh, để sẵn sàng tổ chức đào tạo tại địa điểm mới, khang trang, rộng gần 7,4 ha tại xã Mỹ Đức (huyện An Lão). Một số trường tích cực khảo sát, mở rộng các ngành nghề đào tạo để thu hút người học. Theo Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Y tế Hải Phòng Hoàng Văn Hùng, nhà trường xây dựng kế hoạch tổ chức tư vấn tuyển sinh tại hơn 20 trường THPT trên địa bàn thành phố trong tháng 4 năm nay. Trước đó, nhà trường tập trung thực hiện công tác cải tạo cơ sở phòng học, phòng thực hành tại trường, xin cấp phép mở thêm 2 ngành đào tạo mới (kỹ thuật xét nghiệm y học, phục hồi chức năng). Dự kiến đây là những ngành học sẽ thu hút nhiều sinh viên đăng ký vì thiếu hụt nhân lực. Đồng thời, nhà trường vừa được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp (tổng điểm 90/100). Trường cao đẳng Thủy sản và Công nghệ thực phẩm cũng tăng cường tuyên truyền, giới thiệu đến học sinh, các bậc cha mẹ về 6 ngành đào tạo mới mở, có tiềm năng phát triển thời gian tới (logistics, hàn, nghiệp vụ lễ tân, quản trị nhà hàng, dịch vụ ăn uống, xây dựng dân dụng và công nghiệp).
Theo thống kê từ Trung tâm Dịch vụ việc làm và Điều dưỡng người có công Hải Phòng, nhiều vị trí việc làm yêu cầu có chứng chỉ, kỹ năng nghề, không ít doanh nghiệp “khát” lao động qua đào tạo nên dành mức đãi ngộ hấp dẫn… Theo Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đinh Minh Tuấn, để đáp ứng “đúng, trúng” yêu cầu của thị trường lao động, thời gian tới, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần xây dựng khung chương trình đào tạo phù hợp, bám sát thực tiễn; nâng cao vai trò tham gia của doanh nghiệp trong quá trình đào tạo, dạy nghề gắn với địa chỉ cụ thể. Nhất là, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần nghiên cứu áp dụng tối đa các cơ chế hỗ trợ chung và riêng đối với người tham gia học nghề (giảm học phí, hỗ trợ sử dụng ký túc xá, học ngoại ngữ…) để người học thấy được lợi ích trước mắt và lâu dài. Đây là xung lực tạo sức hút mới, đặt nền móng quyết định cho sự thành công của mùa tuyển sinh năm nay.