Hạn chế tình trạng xả thải trực tiếp ra sông: Dành nguồn lực đầu tư hạ tầng thoát nước thải

02:45 CH 25/10/2021

 

 

Kênh An Kim Hải, đoạn qua xã Đồng Thái (huyện An Dương) bị ô nhiễm do các nguồn thải xả trực tiếp. 

 

(HPĐT)- Hiện nay, tại nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố chưa có hệ thống thoát nước thải đồng bộ, việc tiêu thoát nước nói chung, nước thải nói riêng chủ yếu dựa vào hệ thống kênh, mương và đổ ra sông. Tình trạng này gây khó khăn cho doanh nghiệp, cơ quan quản lý trong việc kiểm soát xả thải.

Đổ nước thải ra sông

Gần đây, người dân sinh sống ven sông đào Hạ Lý đoạn từ đường 208 đến cầu An Dương thuộc địa bàn xã An Đồng (huyện An Dương) phải chịu cảnh mùi hôi nồng nặc bốc lên từ nước sông, nhiều nhất tại điểm xả thải ở vị trí thuộc Khu tập thể Công ty CP giấy Hapaco. Còn trên tuyến kênh Bắc Nam Hùng, gần như toàn bộ nước thải của các cơ sở sản xuất và sinh hoạt của người dân ở khu vực phường Hùng Vương (quận Hồng Bàng) đều đổ ra đây.

Thời gian qua, việc cải tạo hệ thống thoát nước của thành phố mới chỉ tập trung vào một số tuyến nhất định, tập trung ở hai tuyến kênh dẫn nước là Đông Bắc và Tây Nam phục vụ thoát nước mưa ở khu vực quận Ngô Quyền và Lê Chân. Những địa phương còn lại đều chưa có hệ thống thoát nước đồng bộ, gây khó khăn cho người dân và ảnh hưởng đến môi trường của thành phố. Tại quận Hồng Bàng, việc thoát nước vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào các cửa xả ra sông, chưa có hệ thống thoát nước quy mô, bài bản. Các quận Hải An, Dương Kinh, Kiến An chủ yếu vẫn là tiêu thoát nước dựa vào các ao hồ, mương máng và ra các sông... Do vậy, việc kiểm soát xả thải rất khó khăn, khó giữ an toàn cho các tuyến kênh mương.

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Trần Văn Phương, hiện thành phố có 134 cơ sở sản xuất đấu nối đường ống dẫn nước thải ra kênh Bắc Nam Hùng. Kênh Bắc Nam Hùng thuộc nguồn cung cấp nước thô sản xuất nước sinh hoạt. Từ năm 2013, Luật Tài nguyên nước có hiệu lực, nước thải sau xử lý của những cơ sở sản xuất xả thải ra kênh Bắc Nam Hùng phải đạt tiêu chuẩn kênh A mới được cấp giấy phép xả thải. Để xử lý nước thải đạt kênh A đòi hỏi hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn cao, chi phí lớn, trong khi phần lớn cơ sở sản xuất ở khu vực này là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nguồn lực hạn chế. Nhiều doanh nghiệp chỉ có thể đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn kênh B, không đáp ứng yêu cầu để được cấp giấy phép xả thải.

Ông Lê Viết Xô, Giám đốc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Việt Đức, phường Hùng Vương (quận Hồng Bàng) cho biết, hiện nay, phường Hùng Vương chưa có hệ thống thoát nước đồng bộ, doanh nghiệp khi xây dựng đường ống thoát nước không biết đấu nối vào đâu ngoài tuyến kênh Bắc Nam Hùng. Trong khi đó, thành phố có định hướng quy hoạch không để nước thải đổ trực tiếp ra sông. Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong hoàn thiện thủ tục cấp giấy phép xả thải vào nguồn nước.

Sớm ưu tiên nguồn lực thực hiện

Thời gian qua, thành phố có kế hoạch phòng, chống ô nhiễm, suy thoái và sự cố ô nhiễm môi trường, tuy nhiên, việc thực hiện các giải pháp còn chậm, chưa hiệu quả; nguồn kinh phí để thực hiện còn hạn chế. Điều này không chỉ gây khó khăn cho công tác quản lý môi trường, mà còn ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân và doanh nghiệp. Do đó, ưu tiên nguồn lực thực hiện sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống thoát nước, xử lý nước thải, bảo đảm an toàn cho những dòng sông nguồn nước sạch. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện theo kế hoạch của UBND thành phố và Quy hoạch tài nguyên nước đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 được HĐND thành phố thông qua.

Theo quy hoạch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ 6 nguồn nước là: sông Rế, Giá, Đa Độ, hệ thống sông Chanh Chử, hệ thống thủy lợi Tiên Lãng và kênh Hòn Ngọc. Đồng thời, điều chỉnh quy hoạch tưới tiêu kết hợp với thoát nước thải công nghiệp, sinh hoạt theo hướng không để nước thải xả trực tiếp vào nguồn nước kênh mương, sông. Tuy nhiên, hiện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn chưa hoàn thành việc này. Đặc biệt, việc đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu vực nông thôn với với định hướng điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với nông thôn mới còn chậm. Điều đáng nói là chỉ riêng dự án xây dựng tuyến cống chuyển nước thải từ kênh Bắc Nam Hùng ra sông Cấm, đoạn qua địa bàn phường Hùng Vương (quận Hồng Bàng) và xã Nam Sơn (huyện An Dương) được đề xuất từ năm 2019, nhưng chưa thực hiện do chưa bố trí được nguồn vốn.

Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Trần Văn Phương cho rằng,tình trạng đổ nước thải trực tiếp ra sông sẽ khó chấm dứt, nếu không dành nguồn kinh phí để đầu tư thực hiện quy hoạch thoát nước mưa, nước thải theo đúng phê duyệt được thành phố thông qua đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Cần sớm thực hiện quy hoạch này và bổ sung các trạm bơm, nhà máy xử lý nước thải, lập và triển khai các dự án cải tạo hệ thống thoát nước tại các quận, huyện… mới đáp ứng được việc điều tiết nước, vừa tránh ngập lụt khi có mưa lớn, vừa giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường./.