Thành phố Hải Phòng quan tâm phát triển bền vững và chất lượng sản phẩm hàng hóa
(HPĐT)- Ngày 8-4, Đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội do đồng chí Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Ủy ban, đại biểu Quốc hội làm Trưởng đoàn khảo sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa tại Hải Phòng. Cùng dự có đồng chí Lã Thanh Tân, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách thành phố.
Tại chương trình khảo sát, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị thành phố và các sở, ngành và một số doanh nghiệp liên quan làm rõ một số nội dung: Công tác quản lý nhà nước ở địa phương (cơ quan chịu trách nhiệm đầu mối về quản lý chất lượng hàng hóa, phân cấp nhiệm vụ kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa, việc ban hành quy chế phối hợp kiểm tra các sở, ngành); hoạt động kiểm tra và hậu kiểm (gồm áp dụng nguyên tắc quản lý trong quản lý chất lượng hàng hóa, vai trò của các sở, ngành, tần suất kiểm tra chất lượng hàng hóa tại thành phố, sự phối hợp trong kiểm tra của các bộ, ngành Trung ương); vai trò, cơ chế xử lý vi phạm và chia sẻ dữ liệu, minh bạch hóa trong công tác quản lý tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Qua khảo sát thực tế, Đoàn giám sát ghi nhận việc thực hiện quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa tại Hải Phòng có nhiều thuận lợi nhờ các yếu tố kinh tế, xã hội và cơ sở hạ tầng. Với lợi thế nổi bật của Hải Phòng là có hệ thống cảng biển hiện đại nên tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa, từ đó, thúc đẩy các doanh nghiệp chú trọng quản lý chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Thành phố có mạng lưới giao thông phát triển, kết nối thuận tiện với các tỉnh lân cận và quốc tế qua đường bộ, đường sắt, đường thủy và hàng không nên hỗ trợ việc vận chuyển nguyên vật liệu, sản phẩm và triển khai các hoạt động kiểm soát chất lượng được triển khai nhanh chóng, hiệu quả cao. Thành phố cũng có nhiều chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu và khuyến khích doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm. Cụ thể năm 2025, Hải Phòng đặt mục tiêu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt khoảng 251 tỷ đồng, tăng 12,5% so với năm 2024 cho thấy sự quan tâm đến phát triển bền vững và chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Tuy nhiên, thực tế, thành phố Hải Phòng gặp một số khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực này, nhất là tình trạng chồng chéo giữa Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa với Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật An toàn thực phẩm; vướng mắc trong kiểm tra chất lượng hàng hóa; thực hiện thủ tục hành chính đối với thủ tục đăng ký tham gia sơ tuyển xét tặng giải thưởng Chất lượng quốc gia; thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ nâng cao năng suất chất lượng, sản phẩm, hàng hóa...
Đoàn khảo sát tiếp thu các kiến nghị, đề xuất của UBND thành phố và các sở, ngành, doanh nghiệp liên quan, nhất là khắc phục việc chồng chéo giữa các luật; rà soát, sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn cụ thể để thuận tiện trong triển khai các nhiệm vụ về Giải thưởng chất lượng; truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, thay đổi phương thức triển khai hỗ trợ doanh nghiệp. Về những góp ý liên quan đến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Đoàn khảo sát tiếp thu, tổng hợp vào báo cáo chung để gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo cơ quan thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo điều chỉnh, bổ sung trước khi trình Quốc hội trong kỳ họp tới.