Công tác xã hội hóa trùng tu, tôn tạo di tích gấp 4 lần kinh phí được công trợ
(HPĐT)- Chiều 24-12, Đoàn giám sát chuyên đề của Ban Văn hóa-Xã hội (HĐND thành phố) làm việc với Sở Văn hóa và Thể thao về thực hiện các nghị quyết của HĐND thành phố về trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa cấp thành phố, cấp quốc gia.
Theo báo cáo của Sở Văn hóa và Thể thao, trên địa bàn thành phố hiện có 943 di tích. Thực hiện Nghị quyết số 22/2018 của HĐND thành phố về công trợ kinh phí trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa cấp thành phố (giai đoạn 2018-2025), kể từ tháng 1-2018 đến ngày 30-11-2024, trên địa bàn có 129 di tích xếp hạng cấp thành phố được công trợ tổng kinh phí là 38,7 tỷ đồng, huy động xã hội hóa gần 167 tỷ đồng (gấp 4 lần kinh phí được công trợ). Thực hiện Nghị quyết số 82/2022 của HĐND thành phố về việc công trợ kinh phí tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia trên địa bàn thành phố giai đoạn 2023-2027, từ tháng 6-2023 đến tháng 11-2024 có 12 hồ sơ tu bổ, tôn tạo di tích được lập, đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định, trình UBND thành phố phê duyệt, trong đó, 12 di tích được bố trí kinh phí công trợ là 11,875 tỷ đồng, huy động kinh phí xã hội hóa gần 38 tỷ đồng.
Qua nghe báo cáo của Sở Văn hóa và Thể thao và một số địa phương, Đoàn giám sát chuyên đề ghi nhận, thực hiện các nghị quyết của HĐND thành phố, trên cơ sở nguồn kinh phí được thành phố công trợ, cùng với huy động nguồn lực xã hội hóa, nhiều di tích lịch sử văn hóa được trùng tu, tôn tạo, khắc phục sự xuống cấp. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác trùng tu, tôn tạo di tích cũng gặp một số khó khăn, hạn chế, Đoàn giám sát tiếp thu các đề xuất, kiến nghị của Sở Văn hóa và Thể thao, các địa phương, đơn vị để tổng hợp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ. Đoàn giám sát đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao, các địa phương tiếp thu toàn bộ ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát; thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về di tích; chú trọng vận động nguồn kinh phí đối ứng trùng tu, tôn tạo di tích, nhất là ở các địa phương khó khăn cũng như giữ gìn “giá trị gốc” của di tích; phát huy giá trị của di tích sau tu bổ; tiếp nhận hiện vật bài trí…/.