Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững


Theo Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, thành phố hiện có 18 KCN, 2 KKT được thành lập, trong đó, 11 KCN và 1 KKT đi vào hoạt động; 16 KCN được quy hoạch, dự kiến tiếp tục được thành lập trong thời gian tới nhằm đáp ứng nhu cầu thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển thành phố.
Tổ hợp KCN DEEP C và KCN Nam Cầu Kiền của Hải Phòng là 2 trong số 5 đơn vị đi đầu cả nước tham gia chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái, đến nay, đạt được nhiều kết quả tích cực. Tổng giám đốc Tổ hợp KCN DEEP C Bruno Jaspert cho biết, sau 5 năm kiên trì thực hiện mô hình KCN sinh thái, mỗi năm, đơn vị tiết kiệm được 5,7 triệu kWh điện, 90.000 m3 nước và giảm phát thải 10.000 tấn CO2. Hiện, 100% nước thải tại KCN DEEP C được thu gom và xử lý tập trung, đạt tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải trước khi thải ra môi trường. Nước thải qua xử lý đang được nghiên cứu để đưa vào tái sử dụng cho các mục đích rửa đường, tưới cây và là nước làm mát tại các nhà máy của các nhà đầu tư thứ cấp trong KCN. DEEP C cũng đang mở rộng dự án phát triển năng lượng tái tạo nhằm thay thế 50% năng lượng có nguồn gốc từ nguyên liệu hóa thạch bằng năng lượng tái tạo vào năm 2040, phấn đấu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 thông qua các biện pháp giảm biến đổi khí hậu, theo mục tiêu giảm phát thải carbon của DEEP C.


Ngoài Tổ hợp KCN DEEP C và KCN Nam Cầu Kiền, các KCN còn lại của Hải Phòng cũng nhanh chóng triển khai các bước cần thiết để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh. Theo lãnh đạo Công ty CP KCN Sài Gòn-Hải Phòng, công ty đã và đang thực hiện công tác đánh giá hiện trạng KCN hiện hữu và đưa ra định hướng phát triển trong thời gian tới, nhằm đạt mục tiêu xanh hóa KCN.

Đồng thời, công ty định hướng chọn lọc kỹ lưỡng tính chất, chất lượng dự án đầu tư vào KCN, dù có những giai đoạn thu hút đầu tư hết sức khó khăn, nhưng không vì lợi nhuận mà đánh đổi môi trường. Hiện, KCN Tràng Duệ thu hút được hơn 100 dự án, trong đó, gần 80% số dự án trong lĩnh vực điện tử với công nghệ tiên tiến, ít gây ảnh hưởng đến môi trường. Các nhà máy trong khu cũng áp dụng công nghệ hiện đại, tiết kiệm nhiên liệu, đồng thời từng bước chuyển đổi sử dụng năng lượng tái tạo thay năng lượng truyền thống. Đối với dự án KCN Tràng Duệ 3 sắp được xây dựng, công ty định hướng thu hút các cụm liên kết ngành công nghiệp sạch, công nghiệp phụ trợ và doanh nghiệp có định hướng phát triển bền vững, lựa chọn các dự án đầu tư theo hướng có vốn lớn, công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao và thân thiện với môi trường.

Theo TS Bùi Thanh Tùng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Hải Phòng, việc chuyển đổi xanh của các KCN đang đối mặt với nhiều thách thức khi phần lớn KCN đang hoạt động là các KCN tổng hợp, truyền thống, cơ bản đã có tỷ lệ lấp đầy cao, không còn quỹ đất để cải tạo nâng tỷ lệ cây xanh lên theo quy chuẩn mới về khu công nghiệp xanh (25%). Cùng với đó, dây chuyền công nghệ được các doanh nghiệp thứ cấp đầu tư cần được cải tạo, nâng cấp, thậm chí thay mới để đáp ứng các tiêu chuẩn mới về công nghiệp xanh, kéo theo chi phí đầu tư và là thách thức cho doanh nghiệp.

Đối với các KCN mới, đầu tư mô hình KCN xanh, KCN sinh thái sẽ đòi hỏi chi phí cao hơn khoảng 30% so với các KCN bình thường. Đây là bài toán khó đối với các nhà đầu tư hạ tầng KCN cũng như các nhà đầu tư thứ cấp. Hành lang pháp luật và các cơ chế, chính sách ưu đãi hoặc hỗ trợ tín dụng của nhà nước cho loại hình KCN xanh cũng chưa đầy đủ và đồng bộ (ví dụ còn thiếu các chính sách về tín dụng xanh, bảo hiểm xanh…). Bên cạnh đó, Việt Nam đang đi chậm hơn trong thực hiện chuyển đổi xanh so với một số quốc gia Đông Nam Á như: Thái Lan, Phillipines và Indonesia…

Mặc dù còn nhiều trở ngại, nhưng trên thực tế quá trình chuyển đổi xanh tại các KCN cũng có nhiều cơ hội. Hiện, Việt Nam đã và đang nghiên cứu ban hành nhiều hành lang pháp lý tạo điều kiện để triển khai mô hình KCN xanh. Cùng với đó là sự cam kết để giữ chân các nhà đầu tư chiến lược, nhất là các nhà đầu tư lớn định hướng xuất khẩu; là điều kiện và lợi thế để thu hút các dự án đầu tư mới, đặc biệt là những dự án công nghệ cao, quy mô lớn và đón dòng vốn xanh.

Thành phố cũng sẽ tiếp tục đổi mới trong công tác thu hút đầu tư, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, có quy trình quản trị hiện đại, tạo ra giá trị gia tăng cao, nhất là thân thiện với môi trường; kiên quyết từ chối các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và sử dụng công nghệ lạc hậu; chú trọng phát triển KCN chuyên ngành sản xuất chất bán dẫn, chip, năng lượng tái tạo… Hải Phòng cũng sẽ khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư thứ cấp thực hiện mô hình doanh nghiệp công nghệ xanh và chuyển đổi xanh; xây dựng các tiêu chí, lựa chọn các doanh nghiệp đầu tư thứ cấp tham gia mô hình “cộng sinh công nghiệp” theo phương thức kinh tế tuần hoàn.
Với tinh thần quyết tâm, quyết liệt và các giải pháp đề xuất rất cụ thể, trách nhiệm đó, chắc chắn ngay trong thời gian tới, Hải Phòng sẽ có sự chuyển biến đồng bộ, hiệu quả trong phát triển các KCN, KKT xanh.
