Khắc phục tình trạng đất nông nghiệp bỏ hoang: Khuyến khích tích tụ ruộng đất để sản xuất trở lại
Nông dân xã Mỹ Đức (huyện An Lão) tích tụ ruộng bỏ hoang, đưa vào canh tác trở lại.
(HPĐT)- Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Hải Phòng, từ đầu năm 2023 đến nay, diện tích ruộng bỏ hoang ở các huyện tiếp tục tăng thêm 476 ha, đưa tổng số diện tích ruộng bỏ hoang trong 5 năm gần đây (2018- 2023) lên khoảng 4.331 ha. Các cấp chính quyền tập trung nhiều giải pháp khắc phục tình trạng này, trong đó ưu tiên tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân có điều kiện thu gom ruộng bỏ hoang, tích tụ ruộng đất để sản xuất hàng hóa quy mô lớn.
Ruộng bỏ hoang nhiều khó chỉ đạo sản xuất
Xã An Tiến (huyện An Lão) là địa phương ven đô, theo khảo sát, diện tích ruộng bỏ hoang trên địa bàn xã có thời điểm lên đến hơn 140 ha. Nhiều xã khác trên địa bàn huyện An Lão cũng có diện tích ruộng bỏ hoang liên tục tăng. Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, diện tích ruộng bỏ hoang tính đến cuối tháng 8-2023 là hơn 423 ha. Theo tổng hợp số liệu của các quận, huyện, diện tích ruộng bỏ hoang tại nhiều địa phương khác cũng đang có xu hướng tăng. Cụ thể, Thủy Nguyên 1.024,46 ha, Kiến Thụy 869 ha, An Dương 756,93 ha...
Tình trạng này khiến các địa phương lo lắng, lúng túng trong việc chỉ đạo sản xuất nông nghiệp. Phó chủ tịch UBND xã Bắc Sơn (huyện An Dương) Đinh Văn Hưng cho biết, nông dân bỏ ruộng hoang nhiều không chỉ gây lãng phí đất đai mà còn làm công tác chỉ đạo, tổ chức sản xuất nông nghiệp ở địa phương bị ảnh hưởng. Một số hộ dân dù vẫn bám ruộng nhưng không tha thiết sản xuất. Tại một số địa phương đang xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, việc nông dân bỏ ruộng hoang nhiều khiến địa phương cũng khó hoàn thành tiêu chí sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn.
Theo ông Bùi Cảnh Đức, Trưởng Phòng Trồng trọt (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hải Phòng), ở các xã có tình trạng ruộng bỏ hoang nhiều, hiệu quả sản xuất nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng. Một số diện tích đất còn sản xuất được nông dân chỉ làm cầm chừng, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác hạn chế. Một số nơi diện tích ruộng bỏ hoang nhiều khiến các hộ thu gom, tích tụ ruộng đất gặp khó khăn trong việc tổ chức sản xuất trở lại. Anh Vũ Văn Cường, ở xã Quốc Tuấn (huyện An Dương) hiện thu gom 70 ha diện tích ruộng bỏ hoang ở các huyện An Lão và Tiên Lãng phản ánh, anh mất khá nhiều chi phí để cải tạo đất. Kinh phí để sản xuất ở vùng tích tụ ruộng thậm chí phải vay ngoài với lãi suất cao, khiến một số vụ gần đây không có lãi.
Tạo điều kiện thuận lợi để tích tụ ruộng đất
Trước thực trạng ruộng bỏ hoang ngày càng tăng, giải pháp thiết thực và hiệu quả nhất mà các địa phương áp dụng hiện nay là tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức có điều kiện ở địa phương hoặc các vùng lân cận thuê đất hoặc liên kết sản xuất với nông dân. Kết quả, thời gian gần đây, tại các huyện có gần 900 ha diện tích ruộng bỏ hoang được các hộ thu gom để sản xuất trở lại.
Ở xã An Hồng (huyện An Dương), chính quyền địa phương tích cực vận động xã hội hóa để có nguồn kinh phí, hỗ trợ đối với hộ tích tụ ruộng bỏ hoang. Hộ tích tụ ruộng bỏ hoang được hỗ trợ giống, kinh phí ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Một số địa phương huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tham gia khắc phục diện tích ruộng bỏ hoang. Theo Bí thư Huyện ủy An Lão Nguyễn Cao Lân, Huyện ủy nhiều lần tổ chức họp nghe ý kiến các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đề xuất giải pháp thiết thực, cụ thể để khắc phục diện tích ruộng bỏ hoang, đồng thời kiên quyết xử lý trường hợp hộ dân bỏ ruộng hoang nhiều năm; tạo điều kiện cho một số hộ thu gom ruộng bỏ hoang để sản xuất trở lại. Từ chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, tại một số địa phương có những mô hình, cách làm hiệu quả để “xanh hóa” trở lại những thửa ruộng bỏ hoang như, thành lập Câu lạc bộ đại điền cấp thành phố, gồm 38 thành viên là các hộ tích tụ ruộng đất ở các huyện. Các thành viên câu lạc bộ học hỏi kinh nghiệm, giúp đỡ nhau trong sản xuất, liên tục thu gom diện tích ruộng bỏ hoang ở các địa phương để sản xuất.
Qua kiểm tra thực tế, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng Nguyễn Ngọc Tuất đánh giá, mô hình tích tụ ruộng đất, thu gom ruộng bỏ hoang của nông dân để sản xuất trở lại đạt hiệu quả rõ rệt. Do đó, thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp các sở, ngành chức năng và địa phương để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, giúp các các cá nhân, tổ chức thu gom diện tích ruộng bỏ hoang đưa lại vào sản xuất dễ dàng tiếp cận cơ chế chính sách hỗ trợ của thành phố, trong đó có việc tiếp cận nguồn vốn để sản xuất. Cùng với đó, Sở giao nhiệm vụ cho một số đơn vị trực thuộc hỗ trợ các hộ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác, liên kết sản xuất với doanh nghiệp để bảo đảm đầu ra ổn định.../.