Bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải
(HPĐT)- Sau bão số 3, các doanh nghiệp khai thác cảng biển khắc phục nhanh chóng thiệt hại, duy trì ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa thông suốt, không làm gián đoạn hoạt động xuất nhập khẩu, khẳng định vị thế cảng biển Hải Phòng. Cùng với nỗ lực của doanh nghiệp, Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng kịp thời thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ, góp phần duy trì nhịp độ sản xuất để cùng nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch năm 2024. Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng BÙI NGUYÊN KHÔI trả lời phỏng vấn Báo Hải Phòng chung quanh nội dung này.
- Sau bão số 3, công tác khắc phục thiệt hại và khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh ở khu vực cảng biển Hải Phòng như thế nào, thưa đồng chí?
- Là khu vực chịu ảnh hưởng sớm, trực tiếp của bão số 3, nhưng nhờ thực hiện tốt công tác phòng, chống, khu vực cảng biển Hải Phòng không có thiệt hại về người và tàu, thuyền. Tuy nhiên, tuyến luồng hàng hải bị gián đoạn và một số doanh nghiệp khai thác cảng gặp sự cố về phương tiện. Cụ thể, bão số 3 khiến dây chống sét đường dây điện 110KV từ đảo Cát Hải sang đảo Cát Bà tuột, rơi chắn ngang luồng Lạch Huyện; cảng Mipec có 2 cẩu bị đổ; 1 cẩu đế tại cảng Greenport bị sụt chân, nghiêng. Ngoài ra, tại khu vực kho bãi của doanh nghiệp do tác động của gió mạnh khiến một số container rỗng bị đổ. Với sự chủ động, các cảng đều có phương án khắc phục ngay sự cố, bảo đảm hoạt động khai thác cảng trở lại sớm nhất. Đến 4 giờ 30 phút ngày 9-9, sau khi khắc phục xong sự dây chống sét đường dây 110KV, hoạt động hàng hải tại vùng nước cảng biển Hải Phòng trở lại, các tàu ra, vào làm hàng bình thường. Là cửa chính ra biển của cả miền Bắc nên việc cảng biển Hải Phòng khôi phục nhanh hoạt động sản xuất - kinh doanh góp phần bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa thông suốt, không làm gián đoạn hoạt động xuất - nhập khẩu, ùn tắc giao thông.
Đến ngày 11-9, toàn bộ các tuyến luồng hàng hải trong khu vực cảng biển Hải Phòng bao gồm: Lạch Huyện, Hà Nam, Bạch Đằng, sông Cấm, Nam Triệu, Vật Cách, Phà Rừng, với tổng chiều dài 92,4 km được khảo sát, khôi phục các đặc tính kỹ thuật của báo hiệu hàng hải đưa vào hoạt động ổn định. 47/47 bến cảng của 45 doanh nghiệp cảng biển, với tổng chiều dài hơn 13 km khắc phục nhanh thiệt hại do bão số 3 gây ra, trở lại nhịp độ bình thường. Các bến cảng, công trình đang xây dựng trong khu vực cảng biển Hải Phòng tiếp tục triển thi công để bảo đảm tiến độ.
Theo chỉ tiêu kế hoạch năm 2024, sản lượng hàng hóa thông qua khu vực cảng biển Hải Phòng phấn đấu đạt trên 100 triệu tấn; số lượng tàu, thuyền thông qua 18.000 lượt; thu phí cảng vụ đạt 161 tỷ đồng; lệ phí ra, vào cảng đạt 13,5 tỷ đồng; phí Bảo đảm hàng hải đạt 434 tỷ đồng và tai nạn hàng hải giảm trên cả 3 tiêu chí…
- Để duy trì nhịp độ tăng trưởng cũng như bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải, thời gian tới, Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng có giải pháp nào?
- Cùng mức tăng trưởng cao về kinh tế- xã hội thành phố, 9 tháng năm 2024, hoạt động cảng biển Hải Phòng duy trì đà tăng trưởng với sản lượng hàng hóa thông qua đạt 78,2 triệu tấn, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023. Số lượng tàu vào, rời khu vực cảng biển thành phố 12.316 lượt. Trật tự an toàn giao thông hàng hải tại khu vực tiếp tục được duy trì ổn định. Hiện, trung bình mỗi ngày khu vực cảng biển Hải Phòng có từ 60 đến 80 tàu vào làm hàng, chưa kể các phương tiện thủy nội địa hành hải qua luồng. Do đó, công tác lập kế hoạch điều động tàu được đơn vị xây dựng khoa học, hợp lý, hiệu quả và an toàn để tối ưu hóa thời gian, hạn chế thấp nhất tàu chờ đợi để vào cảng làm hàng, còn cảng chờ tàu.
Với vai trò chủ trì, Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng tích cực kết nối, phối hợp cơ quan quản lý nhà nước tại cảng biển đẩy mạnh rà soát, đề xuất cắt giảm, bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, điều hành và thực thi nghiệp vụ. Đơn vị áp dụng có hiệu quả cao thủ tục điện tử đối với tàu, thuyền thông qua cơ chế “một cửa” quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi với doanh nghiệp vận tải biển, đại lý hàng hải, giảm thời gian chờ đợi, chi phí đi lại và các chi phí về giấy tờ, thủ tục liên quan khác; tiếp tục quản lý, khai thác có hiệu quả cao hệ thống hành hải VTS luồng Hải Phòng; tổ chức trực 24 giờ/ngày, 7 ngày/tuần giám sát, điều tiết tàu, thuyền đến, rời, di chuyển trong vùng nước để bảo đảm an toàn, giảm thiểu tai nạn hàng hải khu vực cảng biển Hải Phòng.
Để bảo đảm an toàn tuyến, luồng hàng hải, Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng phối hợp Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc, Công ty TNHH MTV Hoa tiêu hàng hải khu vực 2 kiểm tra, xác định điều kiện hoạt động của hệ thống báo hiệu hàng hải; triển khai công tác nạo vét duy tu luồng hàng hải năm 2024 từ đó bảo đảm tàu ra, vào đúng công suất, an toàn hàng hải, duy trì luồng theo đúng chuẩn tắc thiết kế; kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các đơn vị thực hiện dự án: xây dựng bến container số 3, 4, 5, 6 thuộc Khu bến Lạch Huyện; xây dựng tuyến đê biển Nam Đình Vũ; xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp và khu phi thuế quan Xuân Cầu… thực hiện nghiêm phương án bảo đảm an toàn hàng hải được phê duyệt. Để hoàn thành thắng lợi chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2024 và những năm tới, Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng đề xuất Cục Hàng hải Việt Nam sớm báo cáo Bộ Giao thôngVận tải xem xét mở rộng kênh Hà Nam để tàu, thuyền hành trình 2 chiều, giảm áp lực lên các tuyến luồng hàng hải, nhất là tại các thời điểm nước thủy triều lớn. Quan tâm bố trí kinh phí nâng cấp, bổ sung một số trạm camera của hệ thống VTS trên các đoạn luồng có mật độ tàu, thuyền hoạt động cao… thúc đẩy sự phát triển, khẳng định vị thế, uy tín cảng biển Hải Phòng trên bản đồ hàng hải quốc tế.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!