Chống thất thu thuế thương mại điện tử

09:41 SA 19/11/2024

(HPĐT)- Thương mại điện tử ở nước ta đang phát triển, tăng trưởng với tốc độ chóng mặt, không còn khoảng cách địa lý, thời gian, làm thay đổi thói quen mua sắm, tiêu dùng của người dân. Do đó, ngành Thuế cần tăng cường nhiều giải pháp để quản lý chặt chẽ, hiệu quả cao, chống thất thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử.

 

Cán bộ, công chức Cục Thuế thành phố thực hiện nghiệp vụ, quản lý thuế lĩnh vực thương mại điện tử. Ảnh: DUY THÍNH

 

Thanh tra, kiểm tra chuyên đề 


Tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội đang diễn ra, câu chuyện về sàn thương mại điện tử Temu hoạt động ở Việt Nam làm "nóng" cả trong và ngoài nghị trường. Với “cơn lốc” hàng hóa đa dạng và giá cả rẻ đến bất ngờ, chỉ một thời gian ngắn, sàn thương mại điện tử Temu nổi lên như một hiện tượng. Từ đó, các đại biểu Quốc hội đặt ra nhiều vấn đề chung quanh việc cấp phép, quản lý hoạt động của các sàn thương mại điện tử xuyên quốc gia và việc chống thất thu thuế bởi theo số liệu thống kê của các bộ, ngành, 9 tháng năm 2024, doanh thu thương mại điện tử đạt khoảng 28 tỷ USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2023. 


Theo Luật Quản lý thuế, Thông tư số 80 của Bộ Tài chính có những quy định cụ thể về công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số. Các nhà quản lý sàn thương mại điện tử có trách nhiệm đăng ký, tự tính, tự khai, tự nộp thuế trực tiếp thông qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế. Và không phải đến khi sàn thương mại điện tử Temu “nổi lên” thì công tác quản lý, chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử mới được quan tâm. Trước đó, Tổng cục Thuế yêu cầu các vụ, cục thuế các địa phương tăng cường tuyên truyền, đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ trong quản lý, triển khai nhiều giải pháp theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính. 


Cục trưởng Cục Thuế thành phố Nguyễn Tiến Trường cho biết, thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Thuế, năm 2024, ngành Thuế thành phố tập trung tuyên truyền nhiều chính sách mới của pháp luật, nhiều nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế về quản lý thuế trong hoạt động thương mại điện tử. Đơn vị phối hợp với các sở, ngành liên quan và địa phương để đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu nhằm tăng cường quản lý, mở rộng cơ sở thu, chống thất thu thuế đối với lĩnh vực thương mại điện tử. Ngoài ra, Cục Thuế thành phố tiến hành thanh tra, kiểm tra theo chuyên đề chống thất thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, đạt kết quả nhất định. 
9 tháng năm 2024, Cục Thuế thành phố hoàn thành kiểm tra 236 người nộp thuế có hoạt động thương mại điện tử (gồm 31 doanh nghiệp và 205 cá nhân, hộ kinh doanh). Tổng số thuế truy thu đạt hơn 10,5 tỷ đồng (tăng thu 682 triệu đồng, giảm khấu trừ 559 triệu đồng từ doanh nghiệp và tăng thu hơn 9,8 tỷ đồng từ cá nhân, hộ kinh doanh).

 

Kết nối, chia sẻ dữ liệu 


Hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số có tính chất đặc thù, khác biệt so với hoạt động kinh doanh truyền thống, nhất là hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới đang phát triển mạnh mẽ. Để quản lý hiệu quả hoạt động sàn thương mại điện tử đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của nhiều cơ quan chức năng. Do đó, tháng 8-2024, Cục Thuế thành phố có văn bản báo cáo, tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản chỉ đạo đối với Cục Thuế thành phố, Sở Công Thương, Sở Thông tin và Truyền thông, Công an thành phố, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hải Phòng căn cứ chức năng nhiệm vụ chú trọng kết nối, chia sẻ dữ liệu để tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Qua đó, Cục Thuế thành phố có văn bản đề nghị Sở Công Thương phối hợp cung cấp thông tin liên quan đến trường hợp đăng ký sàn thương mại điện tử trên địa bàn thành phố theo quy định tại Nghị định 85/2021/NĐCP của Chính phủ; đề nghị Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hải Phòng phối hợp, chỉ đạo các ngân hàng thương mại thuộc Cục Thuế quản lý, hỗ trợ cung cấp thông tin giao dịch chuyển tiền từ tài khoản nước ngoài cho người thụ hưởng cư trú tại Việt Nam với nội dung thanh toán theo các từ khóa như: Booking.com, Agoda, Google... Những dữ liệu về hoạt động thương mại điện tử này là cơ sở quan trọng để ngành Thuế có đủ thông tin đầu vào phục vụ công tác quản lý thuế. 


Để tiếp tục quản lý thuế hiệu quả đối với hoạt động thương mại điện tử, bảo đảm huy động tích cực các nguồn lực cho ngân sách nhà nước, hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách những năm tới, ngành Thuế thành phố xác định tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền dưới nhiều hình thức, nâng cao ý thức chấp hành của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, hoạt động livestream bán hàng, kinh doanh trên nền tảng số. Ngoài ra, ngành Thuế thành phố tích cực khai thác cơ sở dữ liệu về thương mại điện tử đã được Tổng cục Thuế vận hành và phân quyền. Trên cơ sở đó, công chức ngành Thuế rà soát, đối chiếu nguồn cơ sở dữ liệu với tình hình khai thuế, nộp thuế của tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử để xác định trường hợp chưa khai thuế hoặc khai thuế chưa đầy đủ, từ đó thực hiện truy thu, xử phạt theo đúng quy định. 


Cục Thuế thành phố cũng tiếp tục thanh tra, kiểm tra chuyên đề đối với các tổ chức kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số; kiên quyết xử lý, truy thu với trường hợp vi phạm hoặc chuyển hồ sơ cho cơ quan Công an nếu xác định đây là hành vi trốn thuế. 
 

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập