Doanh nghiệp cảng biển Hải Phòng: Tiếp tục tăng trưởng cao

04:25 CH 25/11/2024

(HPĐT)- Năm 2024, hoạt động khai thác cảng biển trên địa bàn thành phố gặp không ít khó khăn do tình trạng tắc nghẽn cảng biển ở châu Á, cuộc khủng hoảng Biển Đỏ và ảnh hưởng do bão số 3. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp cảng có nhiều giải pháp thu hút tàu/hàng, duy trì nhịp độ sản xuất, không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa và đến thời điểm này tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng cao.

 

Nhiều doanh nghiệp khai thác cảng sớm hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh năm 2024. Trong ảnh: Cảng container quốc tế Tân Cảng - Hải Phòng. Ảnh: LÊ DŨNG

 

Nhiều doanh nghiệp “về đích” sớm 


Năm 2024, Công ty TNHH Cảng container quốc tế Tân Cảng Hải Phòng (TC-HICT) đề ra mục tiêu sản lượng hàng hóa thông qua hơn 1,2 triệu TEU. Đến hết tháng 10-2024, TCHITC đạt sản lượng hơn 1,365 triệu TEU, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2023, hoàn thành sớm kế hoạch năm. Dự kiến, trong tháng 11, 12, sản lượng hàng hóa qua TC-HICT được giữ ở mức hơn 110 nghìn TEU. Hết năm 2024, sản lượng xếp dỡ của đơn vị chắc chắn sẽ đạt con số 1,5 triệu TEU (vượt xa công suất thiết kế 1,1 triệu TEU/năm). Trung tá Đoàn Hải Tuấn, Chủ tịch TC-HICT cho biết, năm 2024, cảng liên tiếp phá vỡ các kỷ lục về sản lượng khai thác và xếp dỡ trong tháng. Cụ thể, trong tháng 1 đạt 148.720 TEU; tháng 5 đạt 149.772 TEU và tháng 7 đạt 154.524 TEU. Với sự tăng trưởng cao, chỉ sau hơn 8 tháng, TC-HICT đạt 1 triệu TEU container thông qua và cũng là năm đạt được con số này nhanh nhất. 


Là doanh nghiệp khai thác cảng chủ lực, hàng đầu miền Bắc, năm 2024, Cảng Hải Phòng phấn đấu sản lượng hàng hóa thông qua đạt 39 triệu tấn, doanh thu hợp nhất 2.800 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất hơn 1.000 tỷ đồng. Theo đại diện lãnh đạo Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng, tính đến 15- 11, đơn vị đạt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế và là năm đầu đạt con số 1.000 tỷ đồng (năm 2023 là 898,1 tỷ đồng). Chỉ tiêu sản lượng cả năm chắc chắn hoàn thành. 


Sau khi luồng hàng hải Hải Phòng đoạn từ vũng quay tàu bến cảng container quốc tế Hải Phòng đến cảng Nam Đình Vũ với chiều dài 10,5 km được nạo vét đạt độ sâu âm 8,5 m, cảng Nam Đình Vũ đủ năng lực tiếp nhận tàu trọng tải lên đến 48.000 DWT với mớn nước lên đến âm 11 m hàng hải. Phó tổng giám đốc Cảng Nam Đình Vũ Đoàn Trung Nguyên cho biết, 10 tháng năm 2024, sản lượng hàng hóa thông qua cảng Nam Đình Vũ đạt 1.053.609 TEU (chỉ tiêu năm 2024 là 1,2 triệu TEU). Tuy chưa “về đích” chỉ tiêu sản lượng hàng hóa nhưng Nam Đình Vũ hoàn toàn tự tin đến hết năm 2024, sẽ vượt kế hoạch đề ra và đạt công suất thiết kế của cảng. Điều này đến từ việc đón tàu/hàng, khai thác cầu bến rất hiệu quả. Trong tháng 9, 10 và nửa đầu tháng 11, hệ số sử dụng cầu bến tại cảng luôn đạt trên 90%.

 

Đặt mục tiêu trở thành cảng trung chuyển lớn 


Có nhiều yếu tố góp phần vào sự tăng trưởng ấn tượng của cảng biển Hải Phòng trong năm 2024. Trước hết, vị trí địa lý thuận lợi giúp các cảng thu hút được nhiều tuyến vận tải quốc tế. Bên cạnh đó, sự đầu tư mạnh mẽ kết cấu hạ tầng cũng là yếu tố quan trọng. Các doanh nghiệp cảng không ngừng đầu tư nâng cấp, mở rộng cảng, giúp cải thiện năng lực tiếp nhận và xử lý hàng hóa. Hệ thống kho bãi, trang thiết bị bốc dỡ hàng hóa hiện đại giúp nâng cao hiệu quả hoạt động, rút ngắn thời gian giao hàng và giảm chi phí vận chuyển. Yếu tố khác là sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp chọn Việt Nam làm điểm đến sản xuất và xuất khẩu, nhất là sau đại dịch COVID-19. Điều này kéo theo nhu cầu vận chuyển hàng hóa qua cảng tăng cao. Trong khi, các doanh nghiệp cảng mạnh dạn tự bỏ kinh phí để nạo vét, hạ độ sâu luồng hàng hải Hải Phòng đón tàu lớn. 


Năm 2025, cảng biển Hải Phòng chính thức bước vào kỷ nguyên vươn ra biển lớn, hoạt động nhộn nhịp khi các bến số 3, 4, 5, 6 tại Lạch Huyện đưa vào khai thác ngay trong quý 1. Để nhanh chóng khai thác bến mới, đầu tháng 11, 3 thiết bị cẩu STS hiện đại nhất và lớn nhất Việt Nam chính thức cập bến cảng Hateco. Đây là chuyến đầu trong lô hàng gồm 5 cẩu STS và 14 cẩu RTG. Cẩu STS của Hateco có tầm với làm hàng đến 24 hàng container (tương đương với cỡ tàu container lớn nhất thế giới hiện nay). Đến giữa tháng 11, lô 8 thiết bị cần cẩu giàn bánh lốp (RTG) đầu tiên cập bến container số 3, 4 của Cảng Hải Phòng tại Lạch Huyện đã tiến hành lắp đặt. Từ Lạch Huyện các tàu lớn nhất thế giới, các tuyến dịch vụ đi trực tiếp Hoa Kỳ, châu Âu, Bắc Mỹ vào làm hàng mà không cần trung chuyển tại các cảng ở Singapore, Trung Quốc, Malaysia... Với các cảng thượng lưu kênh Hà Nam, sau khi luồng được nạo vét đạt độ sâu đồng bộ âm 8,5 m, chắc chắn lưu lượng tàu/hàng cập cảng tăng mạnh. 


Để thực hiện mục tiêu đưa cảng biển Hải Phòng trở thành cảng trung chuyển lớn nhất cả nước, có tầm cỡ khu vực châu Á và thế giới theo mục tiêu Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị đề ra, thành phố tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng kết nối vùng, kết nối các trục giao thông lớn của quốc gia, thúc đẩy hệ thống hạ tầng logistics. Trong đó, trước mắt trong năm 2024 và 2025 sẽ khởi công dự án đường vành đai 2 đoạn tuyến Tân Vũ - Hưng Đạo - đường Bùi Viện với tổng mức đầu tư 7.439 tỷ đồng; tuyến đường sau cảng từ bến 3 đến bến 6, Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện với kinh phí 720 tỷ đồng; cầu Tân Vũ- Lạch Huyện 2 sẽ dự kiến khởi công vào năm 2026 với mức đầu tư khoảng 8.400 tỷ đồng... 

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập