Tiếp tục giữ vững lợi thế thu hút FDI
(HPĐT)- 11 tháng năm 2024, Hải Phòng ước thu hút được 3,5 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), bằng 140% so với kế hoạch năm. Đáng mừng hơn nữa, dự kiến, Hải Phòng có thể đạt được 4,5 tỷ USD vốn FDI khi kết thúc năm 2024, bằng 180% kế hoạch năm. Đây là tin vui, khẳng định hiệu quả trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo cơ chế hành chính đặc thù cho nhà đầu tư của các sở, ban, ngành; đồng thời là áp lực, đòi hỏi sự quyết tâm và không ngừng đổi mới của thành phố để đạt được những kết quả cao hơn trong năm 2025 và những năm tiếp theo.

“Trái ngọt” từ sự đổi mới
Theo số liệu của Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng, Hải Phòng hiện đang đứng trong tốp 6 địa phương thu hút FDI lớn nhất cả nước với 1.000 dự án FDI đến từ 40 quốc gia, vùng lãnh thổ; số vốn FDI lũy kế đạt 32,2 tỷ USD. Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) trên địa bàn thành phố hiện nay lên đến trên 70%. Suất đầu tư bình quân trên 1 ha của thành phố Hải Phòng đạt khoảng 13 triệu USD/ha, gấp hơn 3 lần suất đầu tư 4 triệu USD/ha bình quân của cả nước. Tính từ tháng 1 năm 2021 đến nay, thu hút FDI của Hải Phòng đạt 14,5 tỷ USD (vượt chỉ tiêu kế hoạch thu hút đầu tư nhiệm kỳ 2021-2025 là 12,5-15 tỷ USD), bằng 74% giai đoạn 1993 - 2020 (19,6 tỷ USD), bình quân thu hút được 3,6 tỷ USD/năm. Hải Phòng đã và đang trở thành cứ điểm của nhiều nhà đầu tư lớn, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo các chuyên gia, Hải Phòng đang ghi điểm rất cao với nhà đầu tư nước ngoài về vị trí địa lý chiến lược là cửa ngõ giao thương của khu vực phía Bắc, là điểm hội tụ của đủ 5 loại hình vận tải đa phương thức. Phát huy lợi thế vốn có, Hải Phòng luôn gắn liền phát triển sản xuất công nghiệp với cảng biển, xây dựng các khu công nghiệp và hạ tầng logistics lấy hệ thống cảng biển làm trọng tâm. Bên cạnh đó, Hải Phòng còn nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đổi mới trong hoạt động xúc tiến đầu tư, rút ngắn thủ tục hành chính, cấp phép đầu tư, cũng như tích cực hỗ trợ, đối thoại, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp… từ đó nâng cao lợi thế so sánh của thành phố và tạo sức hút mạnh mẽ đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Hải Phòng cũng kiên trì với chiến lược sàng lọc, thu hút nhà đầu tư thật sự chất lượng như LG, Pegatron, USI, Bridgestone, SK... Kinh nghiệm cho thấy, khi đã đón đầu được các nhà đầu tư lớn này, thành phố sẽ có đà tiếp tục thu hút được nhiều doanh nghiệp phụ trợ, dịch vụ đến đầu tư tại chính khu công nghiệp của dự án “lõi” hoặc các khu công nghiệp lân cận. Và cũng chính những “ông lớn” này sau khi nhận thấy được môi trường đầu tư hấp dẫn của Hải Phòng cũng liên tục rót vốn để mở rộng hoạt động kinh doanh sản xuất. Đơn cử, Tập đoàn LG (Công ty TNHH LG Display Việt Nam - Hải Phòng) tại Khu công nghiệp Tràng Duệ vừa tăng tổng vốn đầu tư từ 4,65 tỷ USD lên 5,65 tỷ USD (tăng 1 tỷ USD), đưa mức đầu tư của tập đoàn này tại Hải Phòng lên tới hơn 8 tỷ USD.
Ông Choi In Kwan, đại diện Tập đoàn LG cho biết: Hải Phòng là thành phố lý tưởng cho doanh nghiệp, bởi có hệ thống cơ sở hạ tầng tốt như cảng biển, sân bay quốc tế và là nơi có nhiều nhân lực xuất sắc. Quan trọng hơn, lãnh đạo thành phố luôn dành sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp FDI. Doanh nghiệp cũng rất ấn tượng khi các đồng chí lãnh đạo thành phố trực tiếp xuống hiện trường và có chỉ đạo kịp thời để khắc phục nhanh chóng thiệt hại sau cơn bão số 3 vừa qua… Với nền tảng đó, Tập đoàn LG sẽ tiếp tục mở rộng quy mô đầu tư tại Hải Phòng cũng như Việt Nam trong tương lai.
Nỗ lực dẫn đầu cuộc đua thu hút FDI
Việc nhiều doanh nghiệp FDI đến tìm hiểu và rót vốn vào Hải Phòng cho thấy sức hút ngày càng lớn của thành phố. Mặc dù vậy, trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư ngày càng gay gắt và không có khoảng cách giữa các quốc gia, vùng, miền, cách thức xúc tiến đầu tư cũng không thể theo lối mòn. Vì vậy, bên cạnh đổi mới, chủ động trong hoạt động xúc tiến đầu tư, Hải Phòng luôn chuẩn bị điều kiện để doanh nghiệp có thể đầu tư được ngay. Trong đó, trọng tâm của thành phố là đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng hiện đại tại các khu công nghiệp, khu kinh tế. Theo đà phát triển, Hải Phòng sẽ tập trung đầu tư, mở rộng KKT Đình Vũ - Cát Hải và triển khai xây dựng thêm 15 KCN mới với tổng diện tích hơn 6.200 ha. Thời gian tới, thành phố sẽ có thêm một số KCN tầm cỡ đi vào hoạt động như KCN Tràng Duệ 3 với diện tích hơn 687 ha; KCN Nam Tràng Cát (200,3 ha); KCN Thủy Nguyên (319,6 ha); KCN Giang Biên 2 (350 ha)… Thành phố đang khẩn trương thành lập KKT ven biển phía Nam nhằm khai thác hiệu quả tuyến đường cao tốc ven biển, cảng Nam Đồ Sơn và khu vực sân bay Tiên Lãng, kết nối với các địa phương lân cận. Từ đây, Hải Phòng và các địa phương sẽ tạo thành chuỗi khu kinh tế ven biển, động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng đồng bằng sông Hồng.
Mới đây, UBND thành phố Hải Phòng tổ chức hội nghị trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 12 dự án đầu tư trong KKT, KCN trên địa bàn thành phố với tổng số vốn lên tới 1,8 tỷ USD. Đặc biệt, hội nghị có sự chứng kiến của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm cùng đoàn công tác Trung ương, thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với công tác thu hút vốn FDI của đất nước nói chung và sự quan tâm tới thành phố Hải Phòng nói riêng.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố khẳng định: Thành phố Hải Phòng sẽ tiếp tục tập trung cao độ cho công tác thu hút vốn FDI, trong đó chú trọng thu hút các dự án công nghệ cao, nhất là dự án về bán dẫn và chíp điện tử; lựa chọn nhà đầu tư lớn có uy tín trên thế giới. Đồng thời, thành phố tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất, thủ tục nhanh nhất cho các nhà đầu tư, theo phương châm “sự thành công của doanh nghiệp là sự thành công của thành phố”; tăng cường khả năng liên kết giữa các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp Việt Nam, để doanh nghiệp nội có thể tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu.