Liên kết giáo dục đào tạo nghề nghiệp với nước ngoài: Nâng cao chất lượng, kỹ năng lao động
Giáo viên nước ngoài tham gia giảng dạy nghề chế biến món ăn tại Trường cao đẳng Du lịch Hải Phòng.
(HPĐT)- Tranh thủ thời điểm dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, ngay trong quý 2 năm nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố xúc tiến hợp tác, đẩy mạnh các hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài. Hình thức này tạo ra nhiều cơ hội lập nghiệp hơn đối với học viên và đem lại “sức sống mới” đối với nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố...
Đa dạng cơ hội việc làm
Việc liên kết đào tạo với nước ngoài giúp học viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có cơ hội làm việc ở nước ngoài, nâng cao thu nhập. Giữa tháng 5-2022 vừa qua, Trường cao đẳng Y tế Hải Phòng ký kết bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác trong phối hợp đào tạo, cung ứng nhân lực ngành điều dưỡng với Hội liên hiệp các trường chuyên môn tỉnh Kagawa, Học viện Anabuki (Nhật Bản). Hiệu trưởng Trường cao đẳng Y tế Hải Phòng Đào Văn Tùng cho biết: Mỗi năm, nhà trường cung ứng đào tạo 800 -1.000 học viên ngành điều dưỡng, nên việc kết nối, giới thiệu các chương trình đào tạo liên kết nước ngoài giúp học viên có điều kiện nâng cao kỹ năng nghề nghiệp ở nước ngoài, có thể đạt thu nhập 25-30 triệu đồng/tháng khi làm việc ở Nhật Bản. Không chỉ mã ngành điều dưỡng, nhà trường mong muốn Sở Ngoại vụ, Sở Lao độngThương binh và Xã hội tạo điều kiện để tiếp cận, hợp tác đào tạo với các nước đối với ngành dược...
Các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài được các trường tại Hải Phòng thực hiện quy củ, khá bài bản. Hiệu trưởng Trường cao đẳng Hàng hải 1 Lưu Việt Hùng thông tin: Thực hiện chương trình phối hợp giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Tập đoàn Avestos (Cộng hòa Liên bang Đức), dự kiến tháng 10-2022, nhà trường tổ chức kỳ thi tốt nghiệp đánh giá năng lực đối với sinh viên khóa 1 ngành điều khiển tàu biển trong chương trình liên kết đào tạo với Đức. Năng lực của học viên được đánh giá, giám sát bởi giáo viên nước ngoài ở các viện, trung tâm nghiên cứu hàng hải của châu Âu. Sau khi tốt nghiệp, học viên có đồng thời 2 bằng, ngoài chứng nhận tham gia chương trình đào tạo phổ thông, còn có bằng nghề bậc 4 theo khung quốc gia Đức, chứng chỉ tiếng Anh theo tiêu chuẩn châu Âu, có thể đáp ứng ngay yêu cầu về nhân lực chất lượng cao của nhà tuyển dụng trong ngành hàng hải.
Hiện, trên địa bàn thành phố có hơn 20 đơn vị đào tạo nghề (bao gồm cả trường công lập và tư thục) thực hiện ít nhất một liên kết đào tạo với nước ngoài, chủ yếu là các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, CHLB Đức... Trưởng Phòng Giáo dục nghề nghiệp (Sở Lao động- Thương binh và Xã hội) Nguyễn Thị Ngân đánh giá, không chỉ đem lại lợi thế cho người học, việc đẩy mạnh liên kết đào tạo tạo ra cơ hội lớn để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, thụ hưởng những giá trị về chuyển giao công nghệ, thiết bị dạy học hiện đại. Tuy nhiên, số lượng học viên đăng ký các chương trình liên kết này chưa nhiều, chưa tương xứng với tiềm năng đào tạo của các trường nên các đơn vị cần tăng cường quảng bá, giới thiệu.
Tạo sức bật đối với đào tạo nghề
Qua khảo sát, thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hải Phòng, tỷ lệ lao động tham gia ứng tuyển chưa đáp ứng yêu cầu sử dụng ngoại ngữ trong công việc còn cao. Do đó, để “lấp khoảng trống” này, việc củng cố kỹ năng ngoại ngữ song song với kỹ năng nghề nghiệp trở thành hướng đi phù hợp đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố. Không ít đơn vị tự “làm mới” để tăng sức cạnh tranh thu hút học viên.
Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Du lịch Hải Phòng Mai Thị Huệ thông tin: Năm học 2021-2022 là năm đầu nhà trường nhận chuyển giao, chủ động xây dựng giáo trình, chương trình đào tạo tiếng Anh theo 2 bậc học cơ bản và chuyên ngành, có sự hỗ trợ từ một số tổ chức phi chính phủ tự nguyện. Ở các lớp chuyên ngành, chất lượng cao của ngành du lịch lữ hành, quản trị khách sạn, chế biến món ăn..., giáo viên sử dụng ngoại ngữ trong 50%- 70% thời lượng giờ học. Với “tiêu chuẩn châu Âu, học phí Việt Nam”, học viên được chú trọng rèn luyện kỹ năng thuyết trình, giao tiếp bằng “ngôn ngữ thứ hai” trong thực hành quản lý nhà hàng, khách sạn, chế biến món ăn..., qua đó, nhà trường sẵn sàng nguồn nhân lực phục vụ du lịch phục hồi.
Trong chuyến khảo sát, làm việc tại Trường cao đẳng Giao thông Vận tải Trung ương 2 hồi đầu tháng 7-2022, ông Michel Klaus, Giám đốc điều hành Tập đoàn Avestos (Cộng hòa Liên bang Đức) đánh giá, các sinh viên theo học lớp công nghệ vỏ tàu thủy quốc tế, thuộc Khoa đóng tàu của nhà trưởng vừa trải qua kỳ đánh giá nghiêm túc, khách quan. Học viên đều đáp ứng các yêu cầu về kỹ năng lao động theo tiêu chuẩn quốc tế, qua đó cho thấy quá trình dạy và học bài bản, đáp ứng đúng chương trình chuyển giao. Để duy trì kết quả này, nhà trường cần tiếp tục có liên kết đa phương hỗ trợ sinh viên cập nhật thông tin, tìm hiểu về thị trường việc làm, hồ sơ ứng tuyển tại nước ngoài...
Theo Phó giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Phạm Thị Huyền, từ hiệu quả các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Sở giao Phòng Giáo dục nghề nghiệp tham mưu, xây dựng các chương trình phối hợp ký kết giữa nhiều đơn vị, tăng cường tổ chức học hỏi kinh nghiệm để nhân rộng các hình thức liên kết đào tạo, phấn đấu nâng tỷ lao động qua đào tạo của thành phố năm 2022 đạt 86%, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 62%, từng bước chuẩn hóa đội ngũ lao động có tác phong, kỹ năng nghề nghiệp chuẩn quốc tế./.