Ngăn ngừa tình trạng trầm cảm ở tuổi vị thành niên: Lắng nghe con nói
Trường THCS Chu Văn An (quận Ngô Quyền) tổ chức hoạt động “Giờ ra chơi trải nghiệm khoa học, sáng tạo” để tăng khả năng tương tác, giao tiếp cho học sinh.
(HPĐT)- Vụ việc nữ sinh lớp 6, Trường THCS Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An) tự tử để lại thư tuyệt mệnh, giãi bày về áp lực cuộc sống khiến dư luận xã hội bàng hoàng, xót xa. Tại Hải Phòng, dù chưa có thống kê đầy đủ về số trẻ vị thành niên mắc chứng trầm cảm, song vụ việc nêu trên là hồi chuông báo động, đòi hỏi nhà trường, gia đình nâng cao vai trò tham gia giám sát, định hướng trẻ.
Tổn thương âm thầm, hậu quả khó lường
Tối 29-3 vừa qua, Bệnh viện Đại học Y Hải Phòng tiếp nhận, sơ cứu trường hợp em L.X.Đ, 15 tuổi, học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong (quận Ngô Quyền) trong tình trạng hoảng loạn, sợ hãi, tổn thương nhẹ, chảy máu ở cánh tay. Theo thông tin từ các bạn cùng lớp, sau khi nhận được kết quả thi thử vào lớp 10 không như mong muốn, em Đ. khóc lóc, oán trách bản thân và dùng dao lam tự cứa vào tay. Áp lực trường, lớp, học tập căng thẳng, tình bạn khác giới, mâu thuẫn bạn bè, bất đồng quan điểm sống với cha mẹ... là nguyên nhân thường gặp, gây nên chứng rối loạn tâm lý, trầm cảm ở tuổi vị thành niên. Bác sĩ Trịnh Thị Thanh Viễn, cán bộ phụ trách công tác chăm sóc sức khỏe, sinh sản vị thành niên, Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố phân tích, nhóm tuổi từ 12 - 17 đối diện nguy cơ lo âu trầm cảm cao nhất, do liên quan đến biến đổi về cảm xúc, suy nghĩ, năng lực nhận thức hành vi cá nhân. Ban đầu, tổn thương tâm lý diễn ra âm thầm, từ bị stress, lo âu, trẻ sống thu mình lại, ngại giao tiếp hoặc hay cáu gắt, chống đối lại mọi thứ, muốn làm theo ý mình. Nghiêm trọng hơn, trẻ có thể nảy sinh suy nghĩ tiêu cực như tự làm hại, trừng phạt bản thân (cứa tay, chân), tự tử.
Hiện, trên địa bàn thành phố có hơn 205 nghìn trẻ vị thành niên, phần lớn các em đang theo học tại các trường THCS, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên. Theo quy định tại Thông tư 31/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mỗi trường cần có phòng tư vấn tâm lý học đường. Tuy nhiên, do vướng mắc về cơ chế, chính sách, kinh phí và nhân lực, nội dung trên khó triển khai trong thực tiễn. Trưởng Phòng Can thiệp và Hỗ trợ (Trung tâm Công tác xã hội thành phố và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hải Phòng) Phạm Thị Minh Thường cho rằng, phần lớn cán bộ thực hiện công tác tham vấn, tư vấn trong nhà trường hiện là giáo viên chủ nhiệm, giáo viên dạy bộ môn Giáo dục công nhân kiêm nhiệm công tác giám sát, hỗ trợ quản lý học sinh. Tuy có năng lực sư phạm vững vàng, song các thầy, cô giáo chưa được đào tạo chuyên sâu, bài bản về công tác xã hội, nên trong một tình huống cụ thể, chưa thuyết phục phù hợp, tháo gỡ kịp thời, hiệu quả can thiệp, hỗ trợ chưa cao. Do đó, các nhà trường cần tăng kết nối đội ngũ cộng tác viên, nhân viên trong lĩnh vực công tác xã hội để tổ chức các hoạt động tư vấn học đường, giải đáp kiến thức tâm lý chuyên sâu cho học sinh hiệu quả hơn.
Hỗ trợ kịp thời, đúng cách
Theo TS Nguyễn Quỳnh Phương, Trưởng Khoa Tâm lý giáo dục (Trường đại học Hải Phòng), công nghệ phát triển nên các em dễ dàng tìm kiếm những đoạn phim, video xấu, độc trên mạng xã hội có tác động không tốt đến tâm lý khiến trẻ có suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực về cuộc sống, muốn tự giải thoát bản thân. Do đó, không ai khác, chính bố mẹ phải là người gần gũi yêu thương, chia sẻ và định hướng cho các con về tình yêu cuộc sống, về những điều tốt đẹp thông qua những hành động cụ thể, không giáo điều, sáo rỗng. Về phía nhà trường cần tăng cường hoạt động giáo dục kỹ năng sống phù hợp độ tuổi, giới tính; giáo viên chủ nhiệm tăng cường tương tác với trẻ ngoài giờ lên lớp, tích cực trao đổi, trò chuyện, nắm được tâm tư, tình cảm và sự phát triển tâm lý của học trò để có lời khuyên phù hợp, đúng thời điểm. Một số nhà trường có mô hình hoạt động sinh động và hiệu quả trong việc hỗ trợ trẻ vị thành niên vượt qua giai đoạn “khủng hoảng tâm lý” như Trường THCS Lương Khánh Thiện (huyện An Lão). Tại đây có mô hình Tổ tư vấn tâm lý học đường (gồm Ban giám hiệu, giáo viên phụ trách công tác Đoàn - Đội) duy trì 3 năm nay.
Để tạo lưới an sinh vững chắc trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em nói chung, trẻ vị thành niên nói riêng, thời gian tới Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục đề xuất Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) tích cực phối hợp Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và truyền thông), Cục an ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an) kiểm soát, gỡ bỏ những thông tin xấu, độc với trẻ em, xuất hiện trên mạng xã hội. Thêm vào đó, Sở giao Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hải Phòng tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, truyền thông cộng đồng để nâng cao kỹ năng đồng hành, sẻ chia, gắn bó của các bậc cha mẹ với trẻ, giảm những vụ việc đau lòng liên quan đến chứng trầm cảm ở tuổi vị thành niên, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Huyền thông tin./.