Ngành Giáo dục – Đào tạo đẩy mạnh số hóa: Minh bạch trong quản lý, khai thác dữ liệu
Triển khai học bạ điện tử giúp Ban giám hiệu Trường tiểu học Đằng Giang (quận Ngô Quyền) dễ dàng tra cứu quá trình học tập của học sinh.
(HPĐT)- Việc ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo (GD-ĐT), trong đó có số hóa sổ điểm, học bạ... giúp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên giảm bớt thời gian, công sức, góp phần nâng cao hiệu quả công việc, bảo đảm tính minh bạch, hạn chế những tiêu cực xảy ra…
Những kết quả bước đầu
Từ năm học 2020-2021, ngành GD-ĐT thành phố triển khai thực hiện tích hợp sổ điểm điện tử, học bạ điện tử trên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành, với hơn 500.000 học sinh các bậc học. Kết quả sau gần 2 năm thực hiện cho thấy, ứng dụng số hóa sổ điểm và học bạ đem lại những hiệu quả rõ rệt.
Theo cô Phạm Thị Hằng, giáo viên Trường tiểu học Đằng Giang (quận Ngô Quyền), để nhập điểm, chỉnh sửa thông tin trên học bạ điện tử, giáo viên cần có xác nhận của ban giám hiệu để quản trị viên mở phần mềm, sau khi hoàn thành, hệ thống tự động đóng và chuyển sang chế độ xem. Mọi chỉnh sửa đều được lưu lại chi tiết nên hạn chế tiêu cực như: sửa chữa “làm đẹp” sổ điểm. Ngoài ra, phần mềm sổ điểm điện tử giúp giáo viên giảm áp lực ghi chép, tính thủ công; phê học bạ điện tử được thực hiện nhanh chóng, thuận lợi, giáo viên có thể chủ động thực hiện dành nhiều thời gian đầu tư, nghiên cứu sâu về chuyên môn…
Trước đây, việc sử dụng sổ điểm và học bạ giấy khiến nhiều nhà trường gặp khó khăn trong quản lý, theo dõi, đôn đốc cập nhật điểm số và nhận xét học sinh kịp thời. Nay, thực hiện số hoá sổ điểm và học bạ điện tử tạo sự thuận lợi trong quản lý, quản trị. Theo nhà giáo Cao Văn Hiếu, Hiệu trưởng Trường THCS Lâm Động (huyện Thuỷ Nguyên), ứng dụng sổ điểm và học bạ điện tử giúp công tác quản lý trở nên thuận lợi hơn. Khi cần kiểm tra kết quả học tập và thông tin của học sinh, chỉ cần vài thao tác đơn giản trên máy tính, thầy Hiếu đã nắm được đầy đủ số liệu thay vì kiểm tra trực tiếp trên sổ sách hoặc chờ đợi các đơn vị, giáo viên gửi lên như trước. Sử dụng sổ điểm điện tử, học bạ điện tử còn giúp lãnh đạo nhà trường kiểm tra việc thực hiện nền nếp chuyên môn, nhất là việc chấm và trả bài của giáo viên; lưu toàn bộ quá trình học tập của học sinh, không sợ bị hỏng như học bạ giấy. Ngoài ra, cha mẹ của học sinh dễ dàng nắm được tình hình học tập, quản lý việc đi học, đọc nhận xét, đánh giá của giáo viên để phát huy hoặc điều chỉnh việc học tập của con. Theo thầy Hiếu, triển khai học bạ, sổ điểm điện tử sẽ càng phát huy tác dụng nếu phần mềm bảo đảm tính ổn định, không bị trục trặc; đồng thời cần có cơ sở pháp lý để thực hiện sổ điểm điện tử, học bạ điện tử thay thế cho sổ pháp quy truyền thống, tránh tình trạng nhập số liệu vào phần mềm, cuối năm in ra giấy, phải quản lý song song cả 2 phiên bản...
Để thực hiện số hóa trong công tác quản lý, vai trò của người đứng đầu nhà trường rất quan trọng, quyết định sự đột phá, chủ động của đơn vị. Nếu việc số hóa này được triển khai triệt để, ngoài giảm bớt việc đối với giáo viên, còn giúp lãnh đạo trường quản lý dễ dàng, nhanh chóng. Tính liên thông của sổ điểm và học bạ điện tử có thể giúp các học sinh chuyển trường dễ dàng mà không cần nhiều thủ tục, giấy tờ liên quan như sử dụng bản giấy. Tuy nhiên, khó khăn, vướng mắc hiện nay trong quá trình số hóa điểm, học bạ điện tử, quy định kỹ thuật về dữ liệu của cơ sở dữ liệu do Bộ GD-ĐT xây dựng, quản lý không đề cập đến các giao thức kết nối liên thông dữ liệu và vấn đề xác thực hồ sơ điện tử. Bộ GD-ĐT chưa ban hành thông tư quy định/hướng dẫn sử dụng chữ ký số đối với các hồ sơ điện tử của ngành. Cơ sở dữ liệu hiện tại của ngành GD-ĐT thành phố chưa cho phép ký số...
Cần quyết tâm cao, triển khai mạnh mẽ
Tại cuộc họp của UBND thành phố nghe báo cáo về việc triển khai số hóa sổ điểm và học bạ nhằm đổi mới phương thức quản lý giáo dục, cung cấp dịch vụ công trực tuyến ngành Giáo dục và vấn đề pháp lý triển khai chữ ký số trong học bạ điện tử, Phó giám đốc GD-ĐT thành phố Phạm Quốc Hiệu cho biết: Thực tế cho thấy, sử dụng sổ điểm điện tử thay học bạ giấy không chỉ giúp công khai, minh bạch thông tin trong nội bộ các cơ sở giáo dục, trong phạm vi quản lý ngành, đẩy lùi các tiêu cực, mà còn giảm gánh nặng về hồ sơ, sổ sách đối với giáo viên. Do vậy, ngành GD-ĐT xác định việc triển khai sổ điểm, học bạ điện tử nằm trong lộ trình thực hiện chuyển đổi số là khâu đột phá cần tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới.
Cũng theo Phó giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Quốc Hiệu, Sở GD-ĐT thành phố đang kiến nghị Bộ GD-ĐT sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn việc sử dụng chữ ký số đối với dữ liệu của ngành, xây dựng giao thức kết nối và chia sẻ hồ sơ điện tử và đề xuất Bộ đồng ý cho Hải Phòng triển khai chữ ký số từ năm 2022 để phê duyệt, xác thực các loại hồ sơ điện tử thuộc cấp quản lý theo quy định…
Về vấn đề này, Phó chủ tịch UBND thành phố Hoàng Minh Cường yêu cầu trên cơ sở hệ thống dữ liệu được triển khai, ngành GD-ĐT thành phố cần khẩn trương nắm bắt thời cơ, quyết tâm cao thực hiện mục tiêu chuyển đổi số trong năm 2022. Trước mắt, Sở GD-ĐT cần thành lập Ban chỉ đạo về chuyển đổi số, rà soát, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu, hạ tầng công nghệ thông tin theo hướng đồng bộ, chuẩn hóa, đẩy mạnh liên thông dữ liệu ngành, tiếp tục triển khai số hoá sổ điểm và học bạ... Đồng chí nhấn mạnh, triển khai chữ ký số sớm trong giáo dục là thách thức nhưng cũng là cơ hội để Hải Phòng trở thành một trong những địa phương đi đầu cả nước trong chuyển đổi số. Do vậy, Sở GDĐT cần sớm xây dựng kế hoạch, cơ sở pháp lý để báo cáo, đề xuất Bộ GDĐT đồng ý ngành GD-ĐT Hải Phòng thực hiện thí điểm chữ ký số trong hồ sơ điện tử; đẩy mạnh tập huấn, tăng cường truyền thông nhằm tạo chuyển biến tích cực trong tư duy, nhận thức, tạo sự thống nhất và quyết tâm cao trong cán bộ, giáo viên. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục trong tình hình hiện nay.../.