Ngày làm việc thứ 16, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 15: Kịp thời giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri
Quang cảnh kỳ họp.
(HPĐT)- Ngày 20-11- ngày làm việc đầu tiên của đợt 2 kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 15, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 15; thảo luận “Dự thảo nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu” và tờ trình của Chính phủ về việc “giảm thuế giá trị gia tăng”.
Đề nghị bãi bỏ giấy chuyển viện, đẩy mạnh tiến trình thông tuyến bệnh viện
Theo Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, tại báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 15, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các vị đại biểu Quốc hội, có 2.765 kiến nghị được tổng hợp, chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Đến nay, 2.751 kiến nghị được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 99,5%. Trong đó, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội trả lời 69/69 kiến nghị. Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương giải quyết và trả lời 2.591/2.605 kiến nghị. Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao giải quyết, trả lời 61/61 kiến nghị.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) phát biểu tại hội trường. Ảnh: TTXVN
Phát biểu tại phiên thảo luận ở Quốc hội, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cho biết, nhiều cử tri phản ánh khi đi khám bệnh phải xin giấy chuyển viện rất phiền toái. Giấy chuyển viện trở thành barie (hàng rào) với người bệnh trong khi công nghệ thông tin phát triển. Đại biểu kiến nghị sớm bãi bỏ giấy chuyển viện và đẩy mạnh tiến trình thông tuyến bệnh viện khi 93% dân số Việt Nam tham gia BHYT. Còn đại biểu Nguyễn Công Hoàng (Đoàn Thái Nguyên) đề xuất giải pháp công khai danh mục kỹ thuật bệnh viện tuyến huyện thực hiện được, để những kỹ thuật nằm ngoài khả năng điều trị, người bệnh đương nhiên được lên tuyến trên mà không cần giấy chuyển viện.
Trả lời các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, giấy chuyển viện nhằm bảo đảm hệ thống y tế bền vững, tránh quá tải một tuyến. Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 quy định có 4 cấp chuyên môn kỹ thuật trong hệ thống bệnh viện, Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 còn 3 cấp bệnh viện. Việc phân cấp này nhằm xác định mức khám, chữa bệnh căn cứ điều kiện, khả năng đáp ứng, tình trạng người bệnh. Từ năm 2014, người bệnh phải chuyển tuyến theo tuần tự từ dưới lên trên. Tuy nhiên đến năm 2016, các bệnh viện tuyến huyện được thông tuyến và năm 2021 thông tuyến BHYT nội trú bệnh viện tuyến tỉnh toàn quốc. Như vậy, vấn đề tạo thuận lợi cho người dân khi chuyển tuyến cơ bản được giải quyết. Theo Bộ trưởng, vấn đề còn lại là người dân có được chuyển thẳng từ bệnh viện tuyến huyện, tỉnh, lên bệnh viện tuyến Trung ương hay không? Bộ Y tế đang nghiên cứu dùng giấy chuyển tuyến điện tử và hồ sơ khám, chữa bệnh điện tử để giảm thủ tục.
Lo nhà đầu tư nước ngoài kiện nếu áp thuế tối thiểu toàn cầu
Chiều 20-11, tại Nhà Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Quốc hội thảo luận “Dự thảo nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu”.
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (Đoàn Tây Ninh) đặt vấn đề về khả năng khiếu kiện của các nhà đầu tư nước ngoài khi Việt Nam áp thuế tối thiểu toàn cầu. Bởi theo Luật Đầu tư, trường hợp quy định mới đưa ra ưu đãi thấp hơn những ưu đãi trước nhà đầu tư được hưởng, họ được tiếp tục áp dụng ưu đãi cũ cao hơn trong thời gian còn lại của dự án. Trong khi đó, thuế suất tối thiểu toàn cầu sẽ áp dụng là 15% với các doanh nghiệp đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu euro (khoảng 800 triệu USD) trở lên trong hai năm của 4 năm liền kề nhất. Tức là các ưu đãi cho nhà đầu tư sẽ giảm hơn trước và họ có thể khiếu kiện để tiếp tục được hưởng ưu đãi và nộp thuế tối thiểu toàn cầu tại nước mẹ. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, bổ sung quy định chi tiết hơn để giảm thiểu khả năng khiếu kiện của nhà đầu tư nước ngoài và xác định nguyên tắc xử lý trong trường hợp phát sinh kiện tụng.
Cũng cho rằng khả năng nhà đầu tư khởi kiện là hoàn toàn có thể, nhưng theo đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Hà Nội), các công ty đa quốc gia cũng gặp khó khăn trong chứng minh thiệt hại do chính sách thuế gây ra. Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu của OECD khá chặt chẽ, đưa ra hình thức ngăn chặn và làm giảm động lực khi nhà đầu tư có ý định khởi kiện với các nước họ đầu tư. Đại biểu đề nghị Quốc hội sớm thông qua dự thảo nghị quyết này để giữ quyền thu thuế của quốc gia, nhưng cũng chuẩn bị sẵn lập luận cần thiết khi các nhà đầu tư chịu sắc thuế này khiếu kiện.
Giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, việc Việt Nam áp thuế tối thiểu toàn cầu đem lại lợi ích cho đất nước. Trước những lo ngại việc nhà đầu tư có thể khởi kiện, ông Phớc cho hay, khi Quốc hội ban hành nghị quyết này các cơ quan Chính phủ sẽ làm việc với các doanh nghiệp thuộc đối tượng chịu thuế để chuẩn bị tinh thần, tránh khiếu kiện. Bởi, nếu không đóng thuế ở Việt Nam, họ cũng phải đóng ở nước ngoài, phức tạp hơn nhiều. Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cho biết các bộ, ngành liên quan đang xây dựng các văn bản hướng dẫn, bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư.
Giảm thuế giá trị gia tăng để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân
Qua nghiên cứu hồ sơ tờ trình của Chính phủ về việc “giảm thuế giá trị gia tăng” và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) bày tỏ tán thành với sự cần thiết ban hành chính sách giảm thuế giá trị gia tăng để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, góp phần giảm giá hàng hóa dịch vụ, kích cầu tiêu dùng để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm cho người lao động. Đại biểu đề nghị cần có đánh giá lại tình hình thực tế hiện nay để có quy định về phạm vi áp dụng của dự thảo nghị quyết cho phù hợp. Cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Đoàn Cà Mau) đề nghị cần cân nhắc áp dụng chung một mức thuế giảm giá trị gia tăng cho tất cả hàng hóa dịch vụ có mối quan hệ khắng khít với nhau. Việc phân biệt trường hợp giảm giá trị gia tăng làm ảnh hưởng các quan hệ kinh tế, tạo ra sức bất bình đẳng trong thị trường.
Giải trình ý kiến đại biểu về đề xuất tại sao giảm thuế giá trị gia tăng đối với một số trường hợp, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, đề xuất này nhằm giảm áp lực ngân sách nhà nước. Việc giảm thuế giá trị gia tăng chỉ là một trong nhiều biện pháp và chỉ có tác dụng trong ngắn hạn, không có tác dụng trong dài hạn, do vậy vẫn cần triển khai các giải pháp lâu dài nhằm tăng trưởng GDP. Việc đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng chỉ áp dụng trong ngắn hạn, bởi thuế tác động đến việc nâng cao năng lực tài chính công, muốn vậy phải tăng thuế suất… Do vậy, trong ngắn hạn giảm thuế để tạo điều kiện doanh nghiệp vượt qua khó khăn, sau đó sẽ tăng thuế suất - đây là xu thế tất yếu; song song với đó sẽ áp dụng các biện pháp kích cầu khác để thúc đẩy tăng trưởng GDP.
* Hôm nay, 21-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023.