Phát triển tổ chức Đảng trong doanh nghiệp FDI tại khu công nghiệp: Nỗ lực xây dựng, củng cố để khẳng định vai trò (kỳ 3)

11:19 SA 25/09/2023

 

Kỳ 3:

Vẫn nhiều khó khăn, trở ngại

 

(HPĐT)- Kết quả phát triển tổ chức Đảng, kết nạp đảng viên mới trong doanh nghiệp tại các KCN, KKT trên địa bàn thành phố từ đầu nhiệm kỳ đến nay, vượt ở mức cao so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Khu Kinh tế Hải Phòng đề ra. Dù vậy, thực tế công tác tuyên truyền, vận động thành lập tổ chức Đảng ở doanh nghiệp ngoài nhà nước vẫn là việc khó, đối với doanh nghiệp FDI ở các KCN lại càng khó khăn hơn. Tại một số KCN trên địa bàn thành phố thành lập được đảng bộ, nhưng đây là mô hình mới, còn nhiều vướng mắc, thiếu hướng dẫn cụ thể trong hoạt động để nâng cao hiệu quả hơn nữa.

 

 

Chi bộ Công ty TNHH YTG Vina (thuộc Đảng bộ Khu công nghiệp Đình Vũ Hải Phòng) sinh hoạt thường kỳ tháng 9-2023. Ảnh: Lê Hiệp 

 

Còn trở ngại trong phát triển tổ chức Đảng, đảng viên

Phó chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế Hải Phòng, Bí thư Chi bộ Công đoàn - Doanh nghiệp Nguyễn Hồng Quang nêu, khó khăn, trở ngại trước hết trong công tác phát triển tổ chức Đảng tại doanh nghiệp FDI là sự băn khoăn, chưa đồng thuận từ phía chủ doanh nghiệp. Song, đến nay, tài liệu phục vụ tuyên truyền, vận động các nhà đầu tư nước ngoài về chủ trương của Đảng về thành lập, phát triển tổ chức Đảng trong doanh nghiệp còn thiếu, chưa có hướng dẫn thống nhất, nhất là chưa có tài liệu dịch ra tiếng Anh và một số thứ tiếng nước ngoài khác, trong đó có những quốc gia có nhiều nhà đầu tư lớn tại Hải Phòng. Vì vậy, với những khác biệt về ngôn ngữ, nhận thức về thể chế chính trị, việc tuyên truyền, vận động chủ đầu tư, chủ doanh nghiệp mất nhiều thời gian, công sức.

 

Trong hơn 191 nghìn lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp ở 14 KCN trên địa bàn thành phố, có tỷ lệ lớn là lao động qua đào tạo, đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật có năng lực tốt, chuyên môn giỏi. Đây thực sự môi trường, nguồn phát triển đảng viên chất lượng cao. Tuy nhiên, thực tế, số lượng quần chúng ưu tú được giới thiệu, học các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng nhiều, nhưng số trường hợp tiếp tục phấn đấu, được kết nạp trở thành đảng viên còn khiêm tốn, chưa tương xứng. Bí thư Đảng ủy Đảng bộ KCN Đình Vũ Hải Phòng Trịnh Tuấn Hải phân tích, trung bình mỗi hồ sơ lý lịch xin kết nạp đảng viên phải qua xác minh, thẩm tra ở 5 nơi khác nhau. Hơn nữa, theo quy định, với quần chúng, hoặc vợ, chồng của quần chúng làm việc trong doanh nghiệp FDI, lý lịch phải có xác minh của cơ quan an ninh. Quy định này là cần thiết, chặt chẽ, song chưa cụ thể về cơ chế phối hợp cũng như thời hạn trả lời. Chính vì vậy, nhiều trường hợp quần chúng thời gian xác minh kéo dài nhiều tháng, gây tâm lý chờ đợi mệt mỏi, từ đó có trường hợp xin thôi quy trình kết nạp đảng; có trường hợp chưa xác minh xong lý lịch đã chuyển sang doanh nghiệp khác. Đồng chí Trịnh Tuấn Hải cho biết thêm, đảng bộ có đặc điểm khác biệt, đặc thù khi các chi bộ trực thuộc ở nhiều KCN, cách xa nhau. Sau hơn 1 năm Đảng ủy Khu Kinh tế Hải Phòng triển khai mô hình cộng tác viên, cho thấy hiệu quả rõ rệt trong hỗ trợ công tác nghiệp vụ đảng, nhất là một số nghiệp vụ xác minh lý lịch người xin vào đảng, giúp làm cầu nối giữa đảng viên, tổ chức cơ sở Đảng và cấp trên. Nhưng với số lượng người lao động, quần chúng tại các doanh nghiệp trong KCN rất lớn, số đảng viên kết nạp hằng năm tăng, trong khi số lượng cộng tác viên rất khiêm tốn, chưa đáp ứng nhu cầu.

 

Hướng dẫn thiếu, quy định chưa cụ thể

Hạn chế chung của Đảng bộ Khu Kinh tế Hải Phòng hiện nay là khó khăn trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của một số tổ chức Đảng. Nguyên nhân trước hết do hầu hết cán bộ cấp ủy trong doanh nghiệp FDI là kiêm nhiệm, thiếu kinh nghiệm, nghiệp vụ công tác Đảng. Đồng chí Hà Thị Hồng Nhung, Bí thư Chi bộ, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Horn Việt Nam chia sẻ rất thật, sau khi thành lập tổ chức Đảng, chị được chỉ định làm Bí thư chi bộ, nhưng vẫn lúng túng, bỡ ngỡ, thậm chí “chưa biết phải làm gì, bắt đầu từ đâu”, nên rất cần được tập huấn, bồi dưỡng theo hình thức “cầm tay chỉ việc”. Chị Nhung cho biết thêm, theo quy định của Luật Công đoàn, Chủ tịch, Phó chủ tịch công đoàn cơ sở không chuyên trách được sử dụng 24 giờ làm việc trong một tháng, đối với Ủy viên Ban Chấp hành, Tổ trưởng, Tổ phó tổ công đoàn được sử dụng 12 giờ làm việc trong 1 tháng để làm công tác công đoàn và được đơn vị sử dụng lao động trả lương. Song, với cán bộ cấp ủy Đảng cơ sở làm kiêm nhiệm, nhất là trong doanh nghiệp thì không có quy định nào. Vì vậy, việc cử cán bộ cấp ủy là người lao động trong doanh nghiệp đi học các lớp bồi dưỡng, tập huấn gặp rất nhiều khó khăn về điều kiện thời gian.

 

Dù đến nay, kết quả kết nạp đảng viên của Đảng bộ Khu Kinh tế Hải Phòng vượt chỉ tiêu Nghị quyết đại hội đề ra, nhưng nhiều tổ chức Đảng trong doanh nghiệp FDI có số lượng đảng viên còn ít, nhiều biến động, thậm chí cả ở cán bộ cấp ủy. Công tác phát triển đảng viên chưa đồng đều giữa các chi, đảng bộ. Việc tổ chức sinh hoạt đảng đều phải triển khai ngoài giờ làm việc, khó bố trí địa điểm, phần nào ảnh hưởng đến chất lượng. Việc xây dựng quy chế làm việc của cấp ủy, quy chế về mối quan hệ phối hợp giữa cấp ủy với lãnh đạo doanh nghiệp còn hạn chế. Chưa kể khi Bí thư cấp ủy không giữ cương vị cán bộ chủ chốt hoặc lãnh đạo tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp thì vị thế, vai trò của tổ chức Đảng chưa được thể hiện rõ nét. Đồng chí Nguyễn Văn Duy, Bí thư Chi bộ Công ty TNHH Toyota Boshoku Hải Phòng (Đảng bộ KCN Nhật Bản - Hải Phòng) cho rằng, trong doanh nghiệp FDI, vai trò của Chủ tịch Công đoàn rất quan trọng, nhiều trường hợp là cán bộ công đoàn chuyên trách, được doanh nghiệp chi trả lương rất cao. Song, có trường hợp đồng chí Bí thư chi bộ chỉ là ủy viên Ban Chấp hành công đoàn doanh nghiệp, nên việc thể hiện vai trò của tổ chức Đảng trong lãnh đạo, định hướng hoạt động của tổ chức đoàn thể gặp khó, nhiều hạn chế.

 

Bí thư Đảng ủy KCN Nhật Bản - Hải Phòng Vũ Quang Hưng phản ánh, Đảng bộ có 100% số chi bộ là tổ chức Đảng trong doanh nghiệp FDI. Dù đạt kết quả bước đầu trong hoạt động, nhưng Đảng bộ KCN là mô hình mới, nên còn gặp vướng mắc. Như việc bố trí cán bộ chuyên trách công tác Đảng tại các KCN là cần thiết và cấp bách, nhưng đến nay chưa có hướng dẫn và quy định cụ thể. Ngoài ra, hiện chưa có quy định, cơ chế sử dụng, luân chuyển cán bộ đảng viên từ các doanh nghiệp FDI vào các cơ quan Đảng, Nhà nước, nên chưa tạo động lực, khuyến khích đội ngũ quản lý, giám đốc doanh nghiệp có trình độ cao vào Đảng. Cũng với đặc thù nhiều chi bộ, ở nhiều doanh nghiệp, vị trí cách xa nhau, nên việc có trụ sở Đảng, văn phòng làm việc ngay tại KCN là rất cần thiết để tổ chức các hoạt động. Dù Đảng bộ KCN Nhật Bản - Hải Phòng là đảng bộ đầu tiên trong mô hình này có trụ sở Văn phòng Đảng ủy, nhưng hiện tại trụ sở vẫn là “mượn”, còn thiếu một số trang, thiết bị cần thiết. Kinh phí bảo đảm cho các hoạt động công tác Đảng cũng rất eo hẹp, thậm chí không đủ cho chi phí đi lại xác minh lý lịch đảng viên mới, nên có chi bộ còn “e ngại”, nhiều năm chưa phát triển thêm đảng viên. Mới đây, Đảng ủy KCN Nhật Bản - Hải Phòng có sáng kiến tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương của Đảng kết hợp với hoạt động ngoại khóa để tạo sự liên kết phối hợp giữa các chi bộ, không khí sôi nổi thi đua, động lực giúp các đảng viên tiếp tục phấn đấu. Song, kinh phí của Đảng ủy để tổ chức hoạt động chỉ đáp ứng được một phần, nguồn còn lại là vận động, “xã hội hóa”.

 

Nhiều khó khăn, vướng mắc, nhưng việc còn thiếu quy định, hướng dẫn cụ thể khiến hoạt động của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp FDI có phần hạn chế, chưa phát huy cao, thể hiện rõ nét vai trò của mình.

  

--------------------

 

Kỳ cuối: Chỉ đạo sát sao, hỗ trợ kịp thời