Xây dựng mạng lưới quản lý bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản

10:57 SA 30/11/2024

(HPĐT)- Hải Phòng là thành phố công nghiệp, cảng biển, có nhiều vùng trồng thuốc lào nên số người dân mắc bệnh tắc nghẽn đường thở như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và hen phế quản ước tính khoảng 60 nghìn đến 80 nghìn người. Số người mắc này khá cao trên tổng số dân của Hải Phòng tuy nhiên số người mắc bệnh được chẩn đoán xác định và tiếp cận điều trị đúng hướng dẫn của Bộ Y tế còn thấp. Điều đó đòi hỏi cần có mạng lưới quản lý bệnh COPD và hen phế quản.

Nhân viên y tế Bệnh viện Phổi Hải Phòng tập phục hồi chức năng cho người bệnh. 

 

Nhiều người bệnh nhập viện trong tình trạng nặng

Ông Trần Văn Lanh, 66 tuổi, ở thôn Xuân Làng, xã Bắc Hưng (huyện Tiên Lãng) trông già yếu hơn tuổi thật khá nhiều. Gia đình người bệnh cho biết, cuộc sống của ông thường gắn với giường bệnh bởi ra viện chưa đầy tháng, ông lên cơn cấp do mắc COPD giai đoạn muộn nên phải quay trở lại bệnh viện. “Cuộc sống gia đình tôi trước đây lam lũ, nghèo khó nên thiếu dinh dưỡng, chế độ chăm sóc không hợp lý, ông lại nghiện thuốc lào từ nhỏ nên mỗi lần lên cơn cấp, sức ông dần cạn kiệt, thở cũng khó khăn”, chị Trần Thị Thanh, con gái ông Lanh cho biết.

Theo ghi nhận của các bác sĩ ở 2 khoa khám bệnh và các khoa điều trị nội trú của Bệnh viện Phổi Hải Phòng, những người bệnh COPD nhập viện đều ở trong tình trạng nặng và giai đoạn muộn của bệnh. Tình trạng suy hô hấp cấp biểu hiện trên nền suy hô hấp mạn tính, người bệnh suy kiệt hay có kèm theo nhiều bệnh đồng mắc khác, chất lượng cuộc sống bị giảm sút nghiêm trọng, tỷ lệ tử vong cao, tỷ lệ mắc trong cộng đồng, tỷ lệ nhập viện vì các đợt cấp và mức độ nặng của bệnh trong các đợt nhập viện ngày càng gia tăng. Theo BSCK2.Vũ Ngọc Trường, Giám đốc Bệnh viện Phổi Hải Phòng, để quản lý và nâng cao hiệu quả điều trị bệnh COPD, bệnh viện triển khai nhiều hoạt động, như: tổ chức những đợt khám sàng lọc tại cộng đồng để sàng lọc bệnh lao và bệnh phổi ngoài lao, trong đó có bệnh COPD; tăng cường quản lý lồng ghép bệnh lao và COPD, hen phế quản. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền kiến thức về bệnh COPD, cách điều trị giai đoạn bệnh ổn định để phòng đợt cấp, kiểm soát đợt cấp của bệnh tốt để giảm nguy cơ bệnh tiến triển nặng, giảm tỷ lệ tử vong.

Xây dựng mạng lưới quản lý bệnh từ thành phố xuống cơ sở

Tuy nhiên trong thực tế, COPD và hen phế quản là những bệnh mạn tính có tỷ lệ mắc cao, kèm theo các bệnh đồng mắc nên điều trị khó khăn, tốn kém. Đây là thách thức lớn đối với hệ thống y tế và tạo gánh nặng xã hội. Trong khi đó, nhận thức của cộng đồng, của người bệnh về COPD, hen phế quản thấp; kiến thức về COPD của nhân viên y tế ở các cơ sở y tế chưa đồng bộ. Hệ thống y tế, BHYT, kinh phí, trang thiết bị, thuốc phục vụ cho chẩn đoán, điều trị và quản lý còn thiếu và chưa đồng bộ. Hải Phòng cũng chưa có mạng lưới đủ mạnh để quản lý COPD và hen phế quản.

 

Nhân viên y tế Bệnh viện Phổi Hải Phòng tập phục hồi chức năng cho người bệnh. 
 

Để nâng cao chất lượng điều trị khám, điều trị bệnh và phát hiện sớm bệnh, đồng chí Trần Quốc Trinh, Phó giám đốc Sở Y tế cho biết, Sở chỉ đạo hệ thống y tế thành phố cần tăng cường truyền thông về bệnh COPD, hen phế quản tới tới người dân trên địa bàn. Cùng với đó, xây dựng mạng lưới quản lý bệnh COPD và hen phế quản ngay tại các cơ sở y tế để tăng cường phát hiện sớm, quản lý COPD hiệu quả cao; lập sổ theo dõi chặt chẽ, cung cấp dụng cụ và thuốc để điều trị dự phòng, xử trí kịp thời trường hợp người bệnh lên cơn cấp. Trường hợp bệnh nặng, các cơ sở y tế làm thủ tục chuyển gửi người bệnh lên tuyến trên có chuyên khoa sâu để điều trị. Về phía các bệnh viện cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên chẩn đoán hình ảnh để kịp thời khám sàng lọc, phát hiện bệnh và điều trị hiệu quả cao các trường hợp mắc COPD. Bên cạnh đó, huy động các nguồn lực để mua sắm thuốc, trang thiết bị chẩn đoán, xác định bệnh./.

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập