Thảo luận về dự án Luật Cạnh tranh và Luật Thể dục, thể thao

10:41 CH 15/11/2017

(HPĐT) - Ngày 15-11, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Lâm nghiệp; thảo luận ở hội trường về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao.

Luật Lâm nghiệp có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019

Với 431/447 đại biểu tán thành, chiếm 87,78% tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội thông qua Luật Lâm nghiệp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với các nữ đại biểu Quốc hội bên lề phiên họp. Ảnh: TTXVN

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Lâm nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, phần lớn các vị đại biểu Quốc hội đều nhất trí với tên gọi của dự án Luật là Luật Lâm nghiệp thay cho Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) như đề xuất của Chính phủ. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho đổi tên Luật là Luật Lâm nghiệp.

Luật Lâm nghiệp quy định về quy hoạch lâm nghiệp; quản lý rừng; bảo vệ rừng; sử dụng rừng; chế biến thương mại, lâm sản; quyền và nghĩa vụ cùa chủ rừng; định giá rừng, đầu tư, tài chính trong lâm nghiệp; khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế về lâm nghiệp; quản lý nhà nước về lâm nghiệp và kiểm lâm. Luật Lâm nghiệp có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019. Luật Bảo vệ và phát triển rừng số 29/2004/QH11 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Làm rõ các hành vi hạn chế cạnh tranh

Thảo luận về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi), đa số các đại biểu Quốc hội nhất trí với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Cạnh tranh theo Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, một số ý kiến cũng đề nghị Ban soạn thảo cần đánh giá cụ thể hơn về các hành vi hạn chế cạnh tranh thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, gây tác động hoặc có khả năng gây tác động, hạn chế cạnh tranh đáng kể trên thị trường Việt Nam để có cơ sở cho việc chuẩn bị về tổ chức và con người để thực thi nhiệm vụ này.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương (Gia Lai); đại biểu Phạm Văn Tuân (Thái Bình) cho rằng, việc quy định không chỉ giới hạn hành vi hạn chế cạnh tranh được xác lập thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam mà còn điều chỉnh cả hành vi hạn chế cạnh tranh được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam để đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn. Tuy nhiên, Ban soạn thảo cần làm rõ tính khả thi của quy định trong trường hợp các quốc gia, khu vực chưa có điều ước quốc tế với Việt Nam thì việc thực thi quy định về cạnh tranh sẽ gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, dự thảo luật cũng cần bổ sung quy định cụ thể và chi tiết hơn về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết và thi hành quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh xảy ra bên ngoài lãnh thổ Việt Nam có gì đặc thù khác so với việc xử lý vụ việc cạnh tranh xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam để có căn cứ áp dụng.

Giải trình, làm rõ thêm và tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định sẽ tiếp tục nghiên cứu để bảo đảm hoàn thiện hệ thống pháp luật về cạnh tranh, trong đó Luật Cạnh tranh sẽ là nền tảng.

Cần thiết sửa đổi Luật Thể dục thể thao

Các đại biểu Quốc hội đều thể hiện sự nhất trí cao với sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Luật Thể dục, thể thao năm 2006; bổ sung những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn; đồng thời thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực thể thao, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy thể dục, thể thao phát triển trong thời gian tới.

Các đại biểu góp nhiều ý kiến về giáo dục thể chất trong nhà trường,về thể thao thành tích cao, chính sách đối với vận động viên thành tích cao sau khi giải nghệ, sự ưu đãi đối với các nữ vận động viên thành tích cao… Đại biểu Quốc hội cũng tập trung thảo luận về những nội dung liên quan đến phạm vi sửa đổi, bổ sung dự án Luật; phát triển thể dục, thể thao quần chúng; thi đấu thể thao quần chúng; quyền và nghĩa vụ của vận động viên thể thao thành tích cao; phát triển thể thao chuyên nghiệp và câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp; cơ sở thể thao; đất đai dành cho thể dục, thể thao; tổ chức xã hội- nghề nghiệp về thể thao; quan điểm xã hội hóa và các chính sách ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực thể dục, thể thao...