Thổ Chu, mùa Xuân đến sớm
Đoàn công tác dâng hương tại đền Thổ Chu
Ký ức đau thương
Đặt chân lên cầu Cảng, trong hành trình đầy ắp những hoạt động, việc đầu tiên đoàn công tác thực hiện là tới đền Thổ Chu thắp nén tâm nhang tưởng niệm những người đã khuất. Người dân ở khu vực này cho biết, đó là thông lệ bởi bất kỳ ai đến với đảo đều vào đền Thổ Chu trước bởi quá khứ đau thương trên hòn đảo này.
Trước năm 1975, Thổ Chu có đông dân sinh sống, người dân nuôi trồng đồi mồi nên thu nhập khá, nhiều ngôi nhà đẹp mọc lên. Hòn đảo thanh bình không chịu ảnh hưởng của hai cuộc chiến chống Pháp và Mỹ. Thế nhưng lại có lịch sử đau thương và mất mát.
Cách đây 44 năm, sau 10 ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, bọn phản độn Pôn Pốt – Iêng-xa-ri đưa quân đánh chiếm đảo Thổ Chu. Tại đây, chúng sát hại hơn 500 đồng bào vô tội của ta, gây ra những đau thương mất mát lớn với nhân dân, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho gia đình các nạn nhân, cho quê hương, đất nước. Để tiến công giải phóng đảo Thổ Chu, hàng chục cán bộ chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam anh dũng ngã xuống…
Cụm từ “Thổ Chu đau thương” được người chăm đền là chị Nguyễn Thị Bế kể lại cho chúng tôi nghe, một số ít người dân thoát khỏi tay bọn Khme đỏ đã rời đảo và không dám trở lại bởi biến cố kinh hoàng ấy.
Năm 1993, những công dân đầu tiên đến đảo sinh sống, cứ đào móng xây nhà là bắt gặp xương cốt người dân bị Khme đỏ sát hại nên tập trung hài cốt lại một chỗ và năm 2011. Ngôi đền được xây dựng để tưởng nhớ hương hồn những chiến sĩ đã hy sinh vì chủ quyền biển đảo Tổ quốc và đồng bào vô tội bị sát hại, để du khách thập phương tới đảo tưởng niệm ghi công.
Những gì chị Bế kể tôi nghe, có lẽ ai mau nước mắt sẽ khó thoát khỏi rơi lệ. Trong phút mặc niệm, khói hương trầm bay xa, mọi người lặng lẽ tưởng nhớ, không thể nói thành lời, cảm giác của sự đau thương, mất mát để đảo giữ được sự bình yên như hôm nay là quá lớn.
Nhiều công trình mời đang được xây dựng trên đảo Thổ Chu
Thổ Chu ngày mới
Đảo Thổ Chu giờ đã hồi sinh, đang xây dựng nông thôn mới, khu phố văn minh như chính khẩu hiệu trên các tuyến đường của đảo. Bàn tay và khối óc quân, dân trên đảo đang giúp Thổ Chu vượt qua biến cố đau thương trở thành hòn đảo xinh đẹp và là cửa ngõ quan trọng của tuyến hàng hải quốc tế.
Bãi dong hoang sơ, cát trắng, nắng vàng
Theo giới thiệu của Vùng 5 Hải quân, xã Thổ Châu gồn 8 hòn đảo, trong đó Thổ Chu là lớn nhất, có đông dân sinh sống. Thổ Chu là hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc, diện tích khoảng 14km2, điểm cao nhất so với mực nước biển là 164m, cách Phú Quốc 100km về phía Tây Bắc, cách đất liền hơn 220km. Thổ Chu có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội và xây dựng thế trận quốc phòng an ninh. Năm 1993, tỉnh Kiên Gang đưa 17 hộ dân đầu tiên ra đảo. Đến nay xã có gần 500 hộ dân với hơn 1.800 nhân khẩu. Người dân trên đảo sinh sống chủ yếu bằng nghề nuôi trồng, khai thác thủy sản và dịch vụ du lịch.
Chị Nguyễn Thị Bế là con gái của gia đình một người dân trong số 17 hộ đến Thổ Chu lập nghiệp theo chính sách di dân của Chính phủ, được hỗ trợ kinh phí để sinh sống, làm ăn. Chị cho biết, ban đầu mỗi hộ được cấp 10m đất bề ngang mặt biển và 20 triệu đồng làm vốn đóng tàu đi biển. Tiền này chỉ đóng tàu nhỏ, phải hùn vào mua tàu to mới đánh bắt xa bờ hay chạy vào đất liền buôn bán lương thực, thực phẩm… cung cấp cho đảo. Thời kỳ đầu cuộc sống khó khăn, dân thưa thớt nhưng nay Thổ Chu đông không khác trong đất liền. Người Thổ Chu dùng điện thoại thông minh, điện sử dụng 24/24h, mạng viễn thông 4G, quán café, nhà hàng, chợ, trường tiểu học 2 cấp, trạm xá quân dân y, không như thời kỳ đầu tới đảo, ốm đau chỉ biết cầu trời khấn phật.
Hiện, cứ 5 ngày có một chuyến tàu khách mang tên Thổ Chu 9 đến đảo và có rất đông phượt thủ có mặt trải nghiệm. Đây là chuyến tàu duy nhất nối Thổ Chu với đất liền. Người dân ở đây kể khá lâm ly, ngày tới đảo con tàu này nặng trịch, kêu phành phạch rời cầu Cảng bãi Ngự. Con tàu có thể tuổi đời đã cao cho dù vẻ ngoài có phần mỹ miều. Thế nhưng dân đảo tự hào mỗi khi đỗ bãi Ngự. bến Ngự là do trên đường chạy trốn sự truy đuổi của nghĩa quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã chạy ra Phú Quốc và sau đó tới đảo Thổ Chu lánh lạn nên bãi biển này đặt tên là bãi Ngự, vua ngự trên biển.
Các em học sinh đạp xe tới trường
Cùng với cấp ủy chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể của xã Thổ Châu, các đơn vị đứng chân trên đảo như Trạn rada 610, Tiểu đoàn 551 (Vùng 5 Hải quân), Trạm Hải Đăng (Bộ Giao thông Vận tải), Đài Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên – Môi trường), Trung đoàn 152 (Quân khu 9), đồn Biên phòng Thổ Châu thuộc Biên phòng tỉnh Kiên Giang, Trạm cảnh sát biển thuộc Vùng Cảnh sát biển 4, thiên nhiên tuyệ đẹp, bãi tắm Dong, Mun “biển xanh, cát trắng, nắng vàng” giúp Thổ Châu băng mình trên con đường trở thành xã đảo nông thôn mới. Một Thổ Châu đang phát triển kinh tế biển, củng cố quốc phòng – an ninh, bảo đảm chủ quyền, biển đảo, bảo vệ vững chắc trên biên giới vùng biển Tây nam Tổ quốc.
Cửa hàng đầy ắp lương thực, rau xanh đáp ứng nhu cầu của người dân huyện đảo
Đến hẹn lại lên, đảo tiền tiêu Thổ Chu đón Tết sớm. Khi đoàn công tác Vùng 5, lãnh đạo 9 tỉnh, thành phố phía Nam cùng giới truyền thông lên đảo là Tết đến, Xuân về. Ngày 30-12-2019 là ngày vui vẻ chộn rộn hơn những ngày thường. Những mâm cỗ Tết có bánh chưng xanh thết khách cùng lời ca cất lên trao cho nhau là lời chúc mừng năm mới của người hậu phương với đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Một mùa Xuân mới, mùa Xuân của hạnh phúc, tình yêu đang ùa về với quân và dân huyện đảo tiền tiêu phía Tây Nam của Tổ quốc./.