Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc tại Hải Phòng: Vườn ươm những “hạt giống đỏ”

09:51 SA 10/04/2025

(HPĐT)- Cách đây 71 năm, Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc ra đời, trở thành mô hình giáo dục thành công đặc biệt, để lại nhiều bài học quý giá về tầm nhìn chiến lược "trồng người", tất cả vì học sinh thân yêu, nhất là việc xác định và kiên định mục tiêu giáo dục, đào tạo thế hệ cách mạng cho đời sau...

 

Đoàn cựu học sinh miền Nam thăm biểu tượng hạt giống đỏ tại Hải Phòng.

 

Khi đất nước tạm chia làm hai miền, nhằm chuẩn bị đội ngũ cán bộ cho việc xây dựng miền Nam khi nước nhà hoàn toàn thống nhất, sau hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, với tầm nhìn chiến lược, vô cùng sáng suốt, Trung ương Đảng và Bác Hồ quyết định đưa một bộ phận con em đồng bào và chiến sĩ miền Nam ra nuôi dạy tập trung ở miền Bắc. 


Ngay khi quân Pháp rút khỏi Hải Phòng, phần lớn số học sinh miền Nam tập kết ra Bắc ở các tỉnh được chuyển về thành phố. Trên miền Bắc có 3 cụm trường: Hải Phòng, Hà Đông, Thái Nguyên với 17.500 học sinh, riêng Hải Phòng có 14 trường với khoảng 10.000 em. Đến năm 1965, miền Bắc có khoảng 30.000 học sinh, riêng Hải Phòng có khoảng 15.000 em. Vì thế, Hải Phòng được coi là cái nôi lớn nhất nuôi dưỡng, giáo dục “Hạt giống đỏ” – học sinh miền Nam trưởng thành. Nhận thức rõ nhiệm vụ cách mạng và tình cảm với miền Nam ruột thịt, Đảng bộ, Ủy ban quân chính và nhân dân Hải Phòng quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất để học sinh miền Nam sinh sống, học tập, rèn luyện. 


Thành phố dành những ngôi nhà khang trang, đẹp nhất để làm trường học như: Tu viện của Nhà thờ (Trường số 6, nay là Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hải Phòng); Trường số 13 nay là Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng; Trường số 17, nay là Trường THCS Hồng Bàng; Trường số 9, số 12, số 18 sau là trụ sở Quận ủy, UBND quận Ngô Quyền và Phòng Giáo dục Ngô Quyền (nhà cũ); Trường số 8, số 24 ở khu lâu đài Mac-ty (đầu cầu Quay); khu cầu Rào có các trường số 19, 21, nay là khu giảng đường Trường đại học Hàng hải Việt Nam; Trường số 11 Kiến An (nay là Sở Nông nghiệp Hải Phòng); Trường số 4 là cả một khu rộng trước cổng chính Cảng Hải Phòng đến đường Điện Biên Phủ (nay là trụ sở Công ty Bảo hiểm)... Trường được cấp các trang thiết bị dạy học và phương tiện nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho học sinh đầy đủ, chu đáo. Các đồng chí lãnh đạo thành phố, ban, ngành, đoàn thể, Sở Giáo dục thường xuyên thăm trường, chỉ đạo, động viên, chăm lo cho các cháu. Đội ngũ giáo viên, công nhân viên, gần 100 thầy cô được tuyển chọn rất kỹ trong các trường sư phạm hoặc đang giảng dạy tại các trường phổ thông được đưa vào công tác, trực tiếp nuôi dạy, chăm sóc.


 Đồng bào Hải Phòng cũng xem học sinh miền Nam như chính con em ruột thịt, nhường cơm, sẻ áo, đùm bọc, chắt chiu, nuôi dạy với khẩu hiệu: "Tất cả vì miền Nam ruột thịt". Học sinh miền Nam coi nhà trường là mái ấm, thầy cô và những người phục vụ như cha mẹ, người thân trong gia đình. Họ sống trong tình cảm chân thành, yêu thương, đùm bọc của thầy - trò và nhân dân Hải Phòng, coi việc học, rèn luyện là nhiệm vụ, trách nhiệm trước đồng bào của mình đang chiến đấu, hy sinh ở quê hương để họ được học tập, rèn luyện. 

Dù tồn tại trong khoảng thời gian không dài (1954- 1975), nhưng hệ thống trường miền Nam góp phần quan trọng trong việc đào tạo những "hạt giống đỏ" trở thành lực lượng nòng cốt, góp phần quan trọng vào việc xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng miền Nam. Nhiều người trong số họ trở thành cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, tướng lĩnh, nhà khoa học, văn nghệ sĩ nổi tiếng…, cống hiến to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước... 
Hằng năm, nhiều đoàn học sinh miền Nam quay lại Hải Phòng thăm lại chốn xưa nhằm ôn lại tình cảm thầy trò, bạn học từng gắn bó, chia ngọt sẻ bùi và bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hải Phòng trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước đùm bọc, nuôi dạy họ trưởng thành. 
 

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập