Biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể

Trình diễn “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt” tại quảng trường Nhà hát thành phố Hải Phòng. Ảnh: THANH SƠN
(HPĐT)- Ngày 16-4-2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 39/2024/NĐCP quy định biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Các biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể
Các biện pháp nhằm bảo đảm sức sống của di sản văn hóa phi vật thể, bao gồm việc kiểm kê, nhận diện, tư liệu hóa, nghiên cứu, gìn giữ, phát huy, thực hành, truyền dạy, giáo dục trong hoặc ngoài nhà trường cũng như việc phục hồi các khía cạnh khác nhau của di sản. Nguyên tắc áp dụng Theo Nghị định, các biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể phải bảo đảm các nguyên tắc:
- Bảo đảm quyền và nguyên tắc thực hành di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng chủ thể;
- Bảo đảm các di sản văn hóa phi vật thể được thực hành hướng con người, cộng đồng tới các giá trị văn hóa tốt đẹp; gìn giữ bản sắc; hướng tới sự phát triển xã hội toàn diện; bảo đảm an toàn cộng đồng và xã hội; bảo vệ môi trường;
- Bảo đảm tôn trọng sự đa dạng văn hóa, vai trò của cộng đồng chủ thể và tính đặc thù dân tộc, vùng miền. Di sản văn hóa phi vật thể của các cộng đồng khác nhau đều được tôn trọng như nhau;
- Bảo đảm tôn trọng quyền của các cộng đồng chủ thể trong việc quyết định những yếu tố cần được bảo vệ và phát huy của di sản văn hóa phi vật thể và hình thức, mức độ cần được bảo vệ, phát huy;
- Ưu tiên bảo vệ các di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ bị mai một, thất truyền, di sản của cộng đồng các dân tộc sinh sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, nhóm dân tộc có khó khăn, đặc thù, di sản có giá trị toàn cộng đồng, xã hội;
- Ưu tiên quyền quyết định của cộng đồng chủ thể vì sự tồn tại, thực hành lâu dài, liên tục của di sản, phù hợp với ý nghĩa và chức năng của di sản, phù hợp với pháp luật về di sản văn hóa của Việt Nam và văn kiện quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền
Di sản văn hóa phi vật thể được xác định là có nguy cơ mai một, thất truyền khi có một hoặc một số các tiêu chí sau đây:
- Sự suy giảm nghiêm trọng về số lượng và chất lượng nghệ nhân, người thực hành và thế hệ kế cận trong cộng đồng chủ thể;
- Sự suy giảm và biến đổi nghiêm trọng những các biểu đạt văn hóa, các bài bản, công cụ, hiện vật và đồ tạo tác liên quan;
- Sự biến đổi, thu hẹp thậm chí biến mất các không gian thực hành di sản văn hóa phi vật thể;
- Sự thay đổi điều kiện thực hành và hình thức thực hành di sản do biến đổi khí hậu, thiên tai, đô thị hóa, hiện đại hóa và toàn cầu hóa dẫn đến biến đổi ý nghĩa và chức năng xã hội của di sản văn hóa phi vật thể.
Di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO, Danh mục quốc gia, di sản có nguy cơ mai một cần ưu tiên các hoạt động truyền dạy tại cộng đồng cho thế hệ kế cận.
Chính quyền địa phương các cấp cần thực hiện các hoạt động giáo dục di sản văn hóa phi vật thể chính thức và phi chính thức cho thế hệ trẻ, đặc biệt đối với các di sản được ghi danh trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của UNESCO.