Đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp điện tử, vi mạch và bán dẫn: Đón đầu xu hướng phát triển mới
(HPĐT)- Giai đoạn 2024-2027, Hải Phòng sẽ phối hợp đào tạo 1.000- 1.200 kỹ sư, chuyên gia chuyên sâu về vi mạch; 3.000-5.000 lao động có kỹ năng cơ bản về vi mạch. Đây là bước khởi đầu quan trọng để đưa Hải Phòng trở thành một trong những trung tâm hàng đầu cả nước về đào tạo nhân lực chất lượng cao trong ngành điện tử, bán dẫn, tạo động lực tăng sức hút đầu tư.

Đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp
Ông Ko Tae Yon, Tổng giám đốc Heesung Electronics Việt Nam cho biết, hiện, trên địa bàn thành phố có hơn 140 doanh nghiệp công nghệ cao Hàn Quốc đang hoạt động. Các doanh nghiệp Hàn Quốc rất quan tâm đến nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn, điện, điện tử để đáp ứng nhu cầu của các công ty sản xuất về điện tử, vi mạch hàng đầu trên địa bàn thành phố và cả nước. Vì vậy, các doanh nghiệp mong muốn Hải Phòng có định hướng chiến lược, dài hơi trong công tác đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực; đồng thời mong muốn làm việc, trao đổi với các đơn vị liên quan để chia sẻ, kết nối nhu cầu tuyển dụng đối với nguồn nhân lực trong ngành công nghiệp cao như: điện tử, vi mạch bán dẫn…
Để đón đầu xu hướng phát triển mới, từ đầu năm 2024, Trường đại học Hải Phòng, Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh, Công ty CP Giáo dục quốc tế Sun Edu, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng và Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng ký kết triển khai chương trình đào tạo điện tử và vi mạch bán dẫn, các giải pháp chuyển đổi số giáo dục, đổi mới sáng tạo. Theo đó, ngay trong mùa tuyển sinh năm 2024, Trường đại học Hải Phòng tuyển sinh và đào tạo khóa đầu chương trình đào tạo trình độ đại học chuyên ngành Công nghệ điện tử, thiết kế vi mạch và bán dẫn chất lượng cao. PGS, TS. Lê Đắc Nhường, Trưởng Khoa Công nghệ thông tin (Trường đại học Hải Phòng) cho biết: Nhà trường phối hợp Công ty CP giáo dục quốc tế Sun Edu và Trung tâm Đào tạo Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh xây dựng 2 chương trình đào tạo thiết kế vi mạch chuyên sâu cấp độ 1 và xác minh chức năng thiết kế chuyên sâu cấp độ 1; đang hoàn thiện thủ tục thành lập Trung tâm Nghiên cứu đào tạo công nghệ thông tin, điện tử và bán dẫn (ESC Hải Phòng) thuộc Khoa Công nghệ thông tin; nâng cấp phòng máy, cơ sở vật chất chuẩn bị thực hiện đào tạo, cử giảng viên trẻ đăng ký học thạc sĩ vi mạch bán dẫn tại Đài Loan (Trung Quốc). Bên cạnh đó, nhà trường làm việc với Tập đoàn AnSys về hợp tác triển khai các khóa đào tạo phần mềm chuyên về kiểm thử hệ thống và thiết kế mạch điện…
Nhiều cơ hội việc làm cho người học
Công nghệ điện tử, thiết kế vi mạch và bán dẫn là chương trình đào tạo chất lượng cao, được xây dựng với định hướng ứng dụng, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp giúp người học có năng lực tự chủ, trách nhiệm và có khả năng tự học tập, nghiên cứu. Sinh viên sau khi ra trường có thể làm việc ở nhiều vị trí như: kỹ sư thiết kế và phát triển hệ thống điện tử thông minh, kỹ sư vận hành và bảo dưỡng các hệ thống sản xuất vi mạch hoặc có thể giảng dạy, nghiên cứu… Vì đây là chương trình đào tạo mới, lần đầu triển khai nên Trường đại học Hải Phòng chú trọng tăng cường thời lượng thực hành và thực tập, giúp sinh viên thành thạo các kỹ năng lắp đặt, vận hành và thiết kế hệ thống điện, điện tử, vi mạch. Sinh viên tốt nghiệp đạt chuẩn đầu ra tin học MOS và có nền tảng kiến thức tiếng Anh vững chắc, đáp ứng yêu cầu của môi trường làm việc quốc tế.
Thời gian tới, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nguồn nhân lực trong ngành công nghệ điện tử, thiết kế vi mạch và bán dẫn, Trường đại học Hải Phòng và các đơn vị phối hợp sẽ thiết lập và tăng cường hợp tác chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn triển khai các giải pháp chuyển đổi số giáo dục, đổi mới sáng tạo trên cơ sở thực tiễn và kinh nghiệm mà mỗi bên đã và đang triển khai, nhất trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, bán dẫn, điều khiển và tự động hóa, robot, IoT (internet vạn vật), công nghệ thông tin, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Trong đó, tập trung hợp tác triển khai các khóa đào tạo ngắn hạn, đào tạo bồi dưỡng theo lĩnh vực chuyên môn mà các bên có thế mạnh; phối hợp trao đổi chuyên môn, đào tạo lý thuyết gắn với thực hành thực tế thông qua các khóa đào tạo, học thực hành, chia sẻ với các chuyên gia, giảng viên có nhiều năm kinh nghiệm thực tế của SUN EDU cho các kỹ sư, sinh viên, học viên nhằm cung cấp cho các doanh nghiệp nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của Hải Phòng. "
Các bên sẽ hợp tác triển khai các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học, dự án đổi mới sáng tạo theo lĩnh vực chuyên môn. Trường đại học Hải Phòng sẽ được hỗ trợ xây dựng chương trình đào tạo chuyển đổi năng lực cho kỹ sư, sinh viên khối ngành kỹ thuật để đáp ứng vị trí việc làm trong ngành vi mạch bán dẫn, cung ứng nguồn nhân lực cho thành phố và đất nước" – PGS, TS. Bùi Xuân Hải, Hiệu trưởng Trường đại học Hải Phòng cho biết.