Giúp học sinh chọn nghề phù hợp

02:38 CH 13/03/2025

(HPĐT)- Còn khoảng 4 tháng nữa, học sinh THPT cả nước sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Bên cạnh nỗ lực của học sinh và các nhà trường, cần sự định hướng tốt của cha mẹ, thầy cô để mỗi học sinh lựa chọn được cho mình hướng đi đúng đắn, phù hợp năng lực của bản thân: học đại học hay học nghề.

 

 
Học sinh THPT trên địa bàn thành phố tìm hiểu phương thức tuyển sinh của các trường đại học. Ảnh: HOÀNG HUẾ

 

“Rào cản” từ cha mẹ

 Khoảng 4 năm gần đây, mỗi năm Hải Phòng có hơn 20 nghìn học sinh tốt nghiệp THPT, trong đó hơn một nửa số học sinh có nguyện vọng xét tuyển, học tập tại các trường đại học. Số còn lại tham gia thị trường lao động hoặc học nghề các hệ trung cấp, cao đẳng. Việc học đại học hay học nghề, gia nhập thị trường lao động ngay phụ thuộc vào năng lực học tập, điều kiện kinh tế, nhất là định hướng giáo dục nghề nghiệp của từng gia đình và các thầy cô giáo giúp các em xác định rõ những lợi ích và những hạn chế của mỗi lĩnh vực, bảo đảm phù hợp nhu cầu, mục tiêu nghề nghiệp, sở thích, đam mê của bản thân và gia đình... 

Hiện, hệ thống giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố có nhiều trường trung cấp, cao đẳng với đa dạng ngành nghề để học sinh lựa chọn. Từ các ngành đào tạo kỹ thuật, cơ khí đến dịch vụ, công nghệ thông tin… Thời gian học ngắn 1,5-2,5 năm/khóa học, tuyển sinh ở nhiều trình độ, tốt nghiệp THCS, tốt nghiệp THPT. Nhiều trường có chương trình liên kết với nước ngoài đào tạo trình độ quốc tế một số nghề như: Trường cao đẳng Du lịch Hải Phòng, cao đẳng Hàng hải 1, cao đẳng Giao thông - Vận tải Trung ương 2… Các doanh nghiệp chú trọng phối hợp nhà trường xây dựng chương trình, đào tạo, đánh giá sinh viên, hỗ trợ sinh viên thực tập và tuyển dụng sau tốt nghiệp. Do đó, cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp của học sinh, sinh viên học nghề khá rộng mở. 

Tuy nhiên, một trong những "rào cản" trong công tác hướng nghiệp cho học sinh hiện nay do định kiến của cha mẹ. Nhiều bậc cha mẹ bắt buộc con mình phải thi vào đại học theo ý thích của họ, mặc dù ngành nghề đó không đúng sở thích và nguyện vọng của con cái. Ý muốn chủ quan và kỳ vọng của cha mẹ khiến họ quên mất nghề đó có phù hợp mong muốn, sở thích, sức khoẻ, tâm lý của con hay không?... Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, có nhiều ngành nghề hấp dẫn với cha mẹ, nhưng gây nhàm chán cho con. Nếu cha mẹ nhận thấy ngành nào đó phù hợp con, hãy cung cấp thông tin và để con quyết định. Chị Nguyễn Thị Là, ở xã Bát Trang (huyện An Lão) có con học năm thứ 3 nghề điện tại Trường cao đẳng Giao thông - Vận tải Trung ương 2 (phường Hồng Thái, quận An Dương) cho biết, chị động viên con đi học nghề khi thấy con không hứng thú với việc học văn hóa, nhưng lại khá “khéo tay” khi làm việc liên quan đến kỹ thuật. Lúc cho con đi học nghề, chị Là cũng chịu nhiều áp lực khi những người quen thắc mắc sao không cho con học đại học?. “Tôi nghĩ chọn học nghề phù hợp năng lực con, không lâu nữa con sẽ ra trường và có thể xin vào làm thợ kỹ thuật tại khu công nghiệp gần nhà”, chị Là bày tỏ.

 

Sinh viên Trường cao đẳng Du lịch Hải Phòng thực hành nghề kỹ thuật chế biến món ăn. Ảnh: HƯƠNG TRANG

 

Tăng cường tuyên truyền, hướng nghiệp 

Để học sinh và cha mẹ có nhiều thông tin về học nghề, hệ thống trường nghề, các trường học cần phối hợp chặt chẽ. Ở góc độ nhà trường, các thầy, cô giáo chủ nhiệm các lớp cuối cấp cần dành thời gian trao đổi với cha mẹ học sinh về học lực, sở trường của học sinh để cha mẹ biết, cùng định hướng, hướng nghiệp cụ thể cho con. Các trường cao đẳng, trung cấp cần tăng cường “tiếp thị” các khối lớp cuối cấp tại các trường khu vực chung quanh hay những địa phương có thế mạnh về ngành nghề nhà trường đào tạo. Theo Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Du lịch Hải Phòng Mai Thị Huệ, vào dịp tháng 3, 4, 5 hằng năm, nhà trường đều cử cán bộ đến tuyên truyền tại nhiều trường học, đồng thời tổ chức một số chuyến xe đưa đón học sinh cuối cấp đến tham quan, trải nghiệm tại nhà trường để các em biết thêm thực tế, có thêm tham khảo và lựa chọn. 

HĐND thành phố vừa ban hành Nghị quyết số 03 “Quy định chính sách hỗ trợ, đào tạo một số nghề trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2024 - 2030”. Theo đó thành phố sẽ hỗ trợ đào tạo 9 nghề đang có nhu cầu nhiều. Học sinh tốt nghiệp THCS và tương đương trở lên học trình độ trung cấp, người có bằng tốt nghiệp THPT học trình độ trung cấp, cao đẳng tại các trường trung cấp, cao đẳng trên địa bàn thành phố được hỗ trợ 900.000 đồng/người/tháng. Đây là thuận lợi rất lớn cho học sinh, sinh viên theo học nghề, nhất là đối với những gia đình khó khăn. Theo Trưởng Phòng Giáo dục nghề nghiệp (Sở Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Thị Ngân, học nghề là con đường mất ít thời gian, sớm ra nhập thị trường lao động và phù hợp nhiều học sinh, nhiều gia đình trong tình hình thị trường lao động cần những người có tay nghề, giỏi nghề. Dù lựa chọn học nghề hay học đại học, quan trọng nhất là cha mẹ và học sinh phải nhìn nhận đúng năng lực của bản thân, khả năng kinh tế của gia đình, nhất là chủ động lĩnh hội tri thức, kỹ năng, năng lực để có việc làm thật. Do đó, mỗi thí sinh cần cân nhắc kỹ những ưu điểm, thách thức của học nghề và học đại học, từ đó lựa chọn hướng đi phù hợp nhất với bản thân. 

 

Theo Nghị quyết 03 của HĐND thành phố ban hành ngày 19-7-2024, có 9 nghề nằm trong được danh mục được thành phố hỗ trợ đào tạo gồm: Logistics, Điện tử công nghiệp, Điện công nghiệp; Hàn; Công nghệ ô tô; Công nghệ thông tin (ứng dụng phần mềm); Quản trị khách sạn; Điều dưỡng; Nuôi trồng thủy sản nước mặn, nước lợ.

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập