Hỗ trợ doanh nghiệp tạo giá trị mới

04:04 CH 19/02/2025

(HPĐT)- Theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 02 về “những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025”, cải cách môi trường kinh doanh vẫn là yêu cầu cấp thiết để củng cố niềm tin, tạo thêm động lực cho doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế. Vì vậy, thành phố tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, giải quyết khó khăn, khơi thông các điểm nghẽn tạo môi trường thuận lợi giúp doanh nghiệp tạo giá trị mới.

 

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Greenwork Việt Nam.

 

“Bệ đỡ” cho doanh nghiệp 

Đến nay, thành phố có hơn 23.000 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động, trong đó, một số DN nằm trong tốp 500 DN lớn nhất Việt Nam. Các DN có đóng góp lớn về thu nội địa của thành phố, đạt 49.668 tỷ đồng, chiếm 99,2% tổng số thu. Đáng chú ý, trong khối các DN, khối DN ngoài quốc doanh đóng góp 8.107 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ. Bên cạnh việc đóng góp lớn vào ngân sách thành phố, các DN còn tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng và hỗ trợ an sinh xã hội, như xây dựng nhà tình nghĩa, hỗ trợ các gia đình có công và các hộ nghèo… Tại hội nghị gặp mặt DN và khách quốc tế tiêu biểu dịp Xuân Ất Tỵ 2025, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Anh Quân khẳng định, mặc dù tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, nhưng kinh tế - xã hội thành phố vẫn tiếp tục ổn định và phát triển. Kết quả đạt được chính là sự đóng góp to lớn của cộng đồng DN, doanh nhân trên địa bàn thành phố. 

Một trong những yếu tố quan trọng để DN phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội thành phố là môi trường kinh doanh thuận lợi. Theo đại diện Tập đoàn Sao Đỏ, với sự hỗ trợ tích cực cũng như những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, mang lại thuận lợi cho DN, từ lãnh đạo thành phố, các sở, ban, ngành, Tập đoàn hoàn thành cơ sở hạ tầng KCN rộng gần 900 ha, thu hút hơn 60 nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia trên thế giới và nhiều dự án khác đang tiếp cận đầu tư, mở mang sản xuất, kinh doanh. 

Cũng theo kết quả đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương (DDCI) thành phố năm 2024, đánh giá chung về môi trường đầu tư, kinh doanh, phần lớn các DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh đều đồng ý cho rằng, môi trường được cải thiện hơn và chất lượng quản lý điều hành của các cơ quan cũng được nâng lên so với trước đây. Cụ thể, 97,52% số hộ kinh doanh và 95,47% số DN/hợp tác xã được khảo sát cho rằng, chất lượng quản lý về kinh tế của chính quyền địa phương hoặc sở, ban, ngành có cải thiện.

Tại Nghị quyết số 02 của Chính phủ, một trong những chỉ tiêu Chính phủ đề ra là tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tăng nhanh về số lượng DN mới thành lập; giảm tỷ lệ DN tạm ngừng hoạt động. Số DN gia nhập thị trường (thành lập mới và quay trở lại hoạt động) năm 2025 tăng ít nhất 10% so với năm 2024; số DN rút lui khỏi thị trường năm 2025 tăng dưới 10% so với năm 2024.

Tạo các điều kiện để doanh nghiệp phát triển 

Bên cạnh những DN phát triển tốt, còn không ít DN đang gặp khó khăn để khôi phục, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là các DN vừa và nhỏ. Thực tế này cũng phản ánh rõ qua kết quả đánh giá DDCI năm 2024 của thành phố và những kiến nghị, phản ánh của cộng đồng DN. Mặt khác, theo số liệu thống kê, số DN tạm dừng hoạt động đang có xu hướng tăng. Trong khi đó, năm 2025 được Chính phủ xác định là năm tăng tốc, bứt phá, trong đó cộng đồng DN là trung tâm của sự phát triển. Tại Nghị quyết số 02 về “những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025”, Chính phủ xác định, cải cách môi trường kinh doanh là yêu cầu cấp thiết để củng cố niềm tin, tạo động lực cho DN; góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ, thực chất và quyết liệt hơn nữa của các bộ, ngành, địa phương. 

Cụ thể hóa chỉ đạo của Chính phủ và từ yêu cầu phát triển của thành phố trong năm 2025 cũng như các năm tiếp theo, thành phố tiếp tục xác định cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Trong đó, tập trung giải pháp phát triển DN Hải Phòng; ban hành đề án hỗ trợ DN vừa và nhỏ kết nối với DN FDI; thành lập Hiệp hội doanh nghiệp Hải Phòng; tạo điều kiện để DN Hải Phòng tham gia các dự án, công trình của thành phố. UBND thành phố cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án đầu tư; tháo gỡ các điểm nghẽn, xây dựng giải pháp đột phá về thể chế, cơ chế chính sách ưu đãi để thu hút, chuyển giao, làm chủ công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến; cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng các dịch vụ phát triển kinh doanh; rà soát, giảm số lượng các hoạt động thanh tra DN… 

Về phía các DN mong muốn thành phố tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; công khai các quy hoạch; kịp thời xử lý triệt để các kiến nghị của DN, trong đó có các kiến nghị liên quan đến đất đai. 

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập