Quản lý đường hè: Xử lý nghiêm hành vi lấp đường thoát nước

11:43 SA 09/06/2024

 

Lực lượng chức năng quận Lê Chân phá dỡ bậc lên xuống xây dựng trái phép trên đường Nguyễn Văn Linh.

 

(HPĐT)- Thời gian qua, trên địa bàn thành phố có nhiều tuyến đường bị người dân đổ bê tông xây đoạn cầu nối từ lòng đường lên vỉa hè với mục đích để cho xe lên xuống thuận tiện. Không chỉ là hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ, việc xây dựng này còn chặn hệ thống thoát nước mặt, gây tình trạng ngập lụt khi trời mưa và hư hỏng mặt đường, khiến các cơ quan chức năng phải tốn rất nhiều kinh phí để duy tu, sửa chữa…

Hỏng từ đường đến vỉa hè

 Giám đốc Công ty CP Công trình đô thị Hải Phòng Vũ Văn Bình cho biết, được Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) giao nhiệm vụ phối hợp quản lý đường hè với các cơ quan, đơn vị chức năng, trong quá trình tuần đường, cán bộ của công ty phát hiện rất nhiều tuyến đường bị người dân đổ bê tông xây đoạn nối từ lòng đường lên vỉa hè. Những tuyến đường bị vi phạm chủ yếu ở các tuyến trong và đường nhánh; nhưng một số tuyến đường lớn như Nguyễn Văn Linh cũng xảy ra tình trạng này. Việc xây dựng bậc lên xuống có nơi xây ngắt quãng thành 2 đoạn vừa bánh xe, có nơi ngang nhiên xây liền mạch cả đoạn cầu dài tới hơn 2 m so với chiều dài mặt đường. Đây là điểm lên xuống ở gần các nhà hàng, gara- salon ô tô. Chỉ một số ít nơi xây bậc lên xuống kiểu này có đặt ống thoát nước hoặc xẻ rãnh nhỏ khoảng 10 cm, còn lại là xây liền. Vì thế khi trời mưa to, nước không có đường thoát, bị lụt lội cục bộ, dẫn đến mặt đường nhanh xuống cấp.

Theo ông Vũ Thái Bình, Trưởng Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng và An toàn giao thông (Sở GTVT), các tuyến đường đều có hệ thống thoát nước, phần rãnh giáp với vỉa hè giúp cho nước trên mặt đường thoát nhanh hơn. Khi rãnh bị xây bịt lại, nước sẽ tràn ra lòng đường, gây khó khăn cho các phương tiện lưu thông. Không những thế, vì các bậc lên xuống được xây dựng ở mặt đường, nên việc dừng, đỗ xe ô tô (ở những đoạn không cấm) lại càng khó khăn hơn, khi phải đỗ cách phần bậc lên xuống, dẫn đến thu hẹp phần đường xe chạy. Ông Bình thông tin thêm, việc xây dựng này còn "tiếp tay" cho tình trạng xe ô tô “leo” lên vỉa hè và dừng đỗ tại đó, gây hư hỏng vỉa hè. Anh Nguyễn Thanh Phong, lái xe taxi cho biết, có những đoạn đường bị xây dựng bậc lên xuống chiếm hết một phần lòng đường, với những “tuyến cầu” xây san sát khiến việc đỗ xe không thể sát vào lề đường. Hơn nữa, nếu đỗ xe ở nơi có bậc lên xuống còn bị chủ nhà (hoặc bảo vệ) ra xua đuổi vì họ coi khu vực xây bậc lên xuống như phần đất của mình (!).

Anh Nguyễn Hạnh Hải, lái xe tải chuyên chở hàng qua khu vực đường Nguyễn Văn Linh phản ánh, nhiều lần lái xe qua tuyến đường này, thấy người đi xe máy phải né qua những chiếc cầu lên xuống cũng cảm thấy e ngại, bởi nếu người nào không chú ý quan sát sẽ dễ đâm vào khối bê tông này dẫn đến mất lái, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông rất cao. Đường Nguyễn Văn Linh là tuyến trọng điểm chở hàng hóa thông qua cảng biển Hải Phòng, có nhiều xe tải nặng qua lại, có làn đường ưu tiên cho xe máy, xe đạp, nhưng những cục bê tông trên mặt đường như vậy khiến tuyến đường này trở thành “điểm đen” về tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

Phối hợp xử lý nghiêm

 Để xảy ra tình trạng người dân (hoặc tổ chức) tự ý xây dựng bậc lên xuống, lấn chiếm phần đường xe chạy, ảnh hưởng đến hạ tầng giao thông có nguyên nhân từ sự thiếu kiên quyết trong xử lý của chính quyền địa phương. Theo Luật Giao thông đường bộ, chính quyền địa phương có trách nhiệm quản lý về giao thông, song để vi phạm thường xuyên, liên tục xảy ra là chưa sâu sát hoặc chưa nghiêm túc trong chỉ đạo. Giải pháp hiệu quả đưa xe từ lòng đường qua vỉa hè để vào nhà được nhiều hộ dân thực hiện theo cách hàn cầu di động bằng sắt, khi nào có xe qua mang cầu ra đặt, xe đi qua thu cầu về. Với cách làm này, mặt đường sẽ không bị đọng nước, dòng chảy không bị chặn. Nhưng vì... ngại, nhất là ở những nơi có xe lên xuống liên tục, nên các hộ không thực hiện giải pháp này, mà xây luôn cho… tiện. Ở góc độ về an ninh trật tự, cũng có chuyện nhiều nơi cầu sắt vừa đặt xong, khi quay vào lấy xe, ở bên ngoài cầu sắt “biến mất”, càng khiến nên người dân “tùy nghi vi phạm”.

Việc xây cầu lên xuống tại một số tuyến đường còn gây mất mỹ quan đô thị. Khi trời mưa, dòng nước mang theo rác thải đọng lại ở chân cầu lên xuống, lấp các đoạn ống thoát nước (nếu có). Thành phố, Sở GTVT có nhiều giải pháp để bảo vệ hạ tầng giao thông, trong đó chỉ đạo phối hợp với các đơn vị tổ chức phá dỡ các bậc lên xuống ảnh hưởng tới mặt đường. Tuy nhiên, việc phá dỡ này như “ném đá ao bèo”, vì có nơi sáng phá xong, tối lại xây. Do vậy, ngăn chặn tình trạng này không chỉ ngành GTVT mà cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương, trong đó chú trọng tổ chức tuyên truyền để tổ chức, cá nhân thực hiện đưa phương tiện lên xuống vỉa hè bằng các giải pháp khác, kiên quyết không để người dân tự ý xây dựng cầu lên xuống trái phép, ảnh hưởng đến hạ tầng giao thông, gây khó khăn cho người tham gia giao thông và mất mỹ quan đô thị. Các cấp chính quyền địa phương cần sâu sát và quyết liệt hơn để bảo đảm an toàn cho các phương tiện lưu thông. Trong quá trình thực hiện chiến dịch “đường thông, hè thoáng”, cần lưu ý đến việc xây dựng trái phép này để xử lý nghiêm.

 

 

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập