Triển khai chiến dịch truyền thông, tư vấn chuyên đề về chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình năm 2024: Rõ cách làm, hiệu quả thiết thực
Nhân viên Trung tâm Y tế huyện Tiên Lãng tư vấn biện pháp chăm sóc sức khỏe sinh sản-KHHGĐ cho người dân xã Quyết Tiến.
(HPĐT)- Triển khai Chiến dịch truyền thông, tư vấn chuyên đề về chăm sóc sức khỏe sinh sản- Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) (gọi tắt là chiến dịch) năm 2024, Chi cục Dân số-KHHGĐ thành phố (Sở Y tế) phối hợp các cấp, ngành linh hoạt, sáng tạo trong công tác truyền thông và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nhân lực, vật lực, phương tiện, đáp ứng an toàn, thuận tiện, kịp thời các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản- KHHGĐ và nâng cao chất lượng dân số.
Đa dạng hình thức truyền thông, đáp ứng dịch vụ dân số
Xã Thủy Sơn được UBND huyện Thủy Nguyên lựa chọn là xã trọng điểm triển khai chiến dịch của huyện bởi xã đông dân, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49 tuổi) cao. Trên địa bàn xã có bệnh viện đa khoa huyện và nhiều phòng khám sản khoa nên người dân được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản hiện đại. Chị Nguyễn Mai Anh, viên chức dân số của xã cho biết, để công tác tổ chức thực hiện chiến dịch đạt kết quả cao, Ban Chỉ đạo công tác dân số và phát triển xã tập trung xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, kế hoạch dự trù kinh phí, giao chỉ tiêu chiến dịch đến các thôn; chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc thiết yếu và nhân lực triển khai. Đồng thời, tiến hành rà soát, lập danh sách những trường hợp trong độ tuổi sinh đẻ chưa sử dụng biện pháp tránh thai hoặc đang áp dụng các biện pháp tránh thai hiệu quả thấp để tư vấn, vận động đăng ký nhu cầu thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ. “Chúng tôi cũng rà soát, lập danh sách trường hợp thuộc diện miễn phí, hỗ trợ và có nhu cầu sử dụng biện pháp tranh thai hiện đại; tổ chức tuyên truyền nhóm nhỏ, tuyên truyền trực tiếp đến từng hộ gia đình, vận động chị em thực hiện dịch vụ KHHGĐ trước, trong và sau chiến dịch...”, chị Mai Anh cho biết.
Cách làm hiệu quả tại xã Thủy Sơn được nhân rộng tại 36 xã, thị trấn trên địa bàn. Quá trình triển khai chiến dịch (từ 1-4 đến 15- 6), toàn huyện Thủy Nguyên bảo đảm 90% trở lên các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, vị thành niên, thanh niên trên địa bàn được cung cấp thông tin, được tư vấn các kỹ năng, kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản- KHHGĐ và các dịch vụ nâng cao chất lượng dân số. Toàn huyện hoàn thành 50% trở lên các chỉ tiêu kế hoạch năm về biện pháp tránh thai lâm sàng; 40% trở lên chỉ tiêu tiếp thị xã hội, xã hội hóa phương tiện tránh thai; hơn 50% nam, nữ thanh niên được tư vấn sự cần thiết của việc khám sức khỏe trước khi kết hôn và phòng tránh vô sinh; 95% trở lên các bà mẹ mang thai được tư vấn, cung cấp các kiến thức, lợi ích khi tham gia sàng lọc, tầm soát trước sinh và sơ sinh...
Không chỉ ở huyện Thủy Nguyên, tại các địa phương khác trên toàn thành phố, Ban Chỉ đạo Dân số và Phát triển các quận, huyện ban hành kế hoạch, hướng dẫn tổ chức triển khai các hoạt động của chiến dịch tới các xã, phường, thị trấn bảo đảm thời gian, mục tiêu đề ra. Phòng Y tế, Trung tâm Y tế các quận, huyện phối hợp các ban, ngành, đoàn thể tổ chức nhiều chương trình truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản, tư vấn đáp ứng dịch vụ KHHGĐ, thực hiện gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản chất lượng cao, nâng cao chất lượng dân số. Nhờ đó, tính từ 1-4 đến hết ngày 31-5, toàn thành phố có 9.156 người đặt dụng cụ tránh thai, đạt 103% kế hoạch; 285 người tiêm thuốc tránh thai, đạt 151% kế hoạch; 210 người cấy thuốc tránh thai, đạt 230% kế hoạch... và áp dụng nhiều biện pháp tránh thai phi lâm sàng khác.
Xác định rõ hoạt động trọng điểm
Phó chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ thành phố Vũ Thị Bích Hạnh nhấn mạnh, từ năm 2021, Hải Phòng được Bộ Y tế công bố là một trong 9 tỉnh, thành phố trên cả nước đạt mức sinh thay thế nên mục tiêu chiến dịch năm nay bao trùm hơn. Ngoài mục tiêu KHHGĐ, chiến dịch còn tập trung vào công tác truyền thông, cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản với các hoạt động, như: khám phụ khoa, tầm soát sớm ung thư vú, ung thư cổ tử cung và nâng cao chất lượng dân số. Các hoạt động trọng điểm được tập trung thực hiện trong suốt chiến dịch, gồm: truyền thông tư vấn tầm soát, chẩn đoán trước sinh, sơ sinh, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên, giảm mang thai ngoài ý muốn, phòng ngừa vô sinh, tư vấn khám sức khỏe trước khi kết hôn; vận động thanh niên kết hôn trước 30 tuổi và sinh đủ 2 con trước 35 tuổi và các hoạt động nâng cao chất lượng cuộc sống của phụ nữ và trẻ em gái, nhất là ở các địa bàn có nhiều công nhân, người lao động…
Để hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra, Chi cục Dân số-KHHGĐ thành phố đề nghị các quận, huyện tổ chức chiến dịch trọng điểm tại các xã, phường, thị trấn với quyết tâm dồn tổng lực để hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu KHHGĐ, nâng cao chất lượng dân số và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Về kinh phí, bên cạnh sự chủ động của các địa phương, thành phố cân đối bảo đảm nguồn lực hỗ trợ trực tiếp các xã, phường, thị trấn tổ chức chiến dịch trọng điểm được phê duyệt tại Quyết định số 575 ngày 4-3-2024 của UBND thành phố về phân bổ kinh phí Chương trình Dân số-KHHGĐ năm 2024. Mặt khác, để hỗ trợ người dân tham gia chiến dịch, Chi cục Dân sốKHHGĐ thành phố và các địa phương cũng chủ động hỗ trợ các cá nhân đủ điều kiện thụ hưởng Nghị quyết số 15 của HĐND thành phố quy định một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ đối với các tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số trên địa bàn.