Ba trăm ngày đấu tranh sôi sục, quyết liệt giải phóng hoàn toàn thành phố (Kỳ 11)
Trong những ngày vui, ngày 2-6-1955, nhân dân Hải Phòng lại có vinh dự đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm. Tại nhà hát thành phố, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với đại biểu nhân dân Hải Phòng, Người khen: “Vừa rồi công việc tiếp quản được tốt là do bộ đội, cán bộ làm đúng chính sách, giữ vững kỷ luật, do nhân dân ta, đặc biệt là công nhân hăng hái đấu tranh”. Người nhắc nhở nhiệm vụ “tất cả mọi người chúng ta hiện nay là đấu tranh cho hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ trong cả nước. Đó là cuộc đấu tranh phức tạp, gian khổ và lâu dài, bởi vì đế quốc Mỹ và phe lũ của chúng đang âm mưu phá hoại hòa bình, phá hoại thống nhất…”. Về nhiệm vụ của thành phố, Người căn dặn bộ đội, công an, công nhân, nông dân, anh em trí thức, các nhà công thương, thanh niên và nhi đồng Hải Phòng: “Sau mấy mươi năm nô lệ, nếu tính cả thời đại chiến thế giới lần thứ 2 thì chúng ta đã trải qua mười lăm năm binh lửa. Khi đối phương rút đi thì họ rút hết của cải, họ để lại cho ta những khó khăn như thất nghiệp, nghèo túng, bệnh tật. Đế quốc Mỹ lại âm mưu phá hoại. Đó là những khó khăn trước mắt chúng ta phải nhận rõ. Song khó khăn ấy là khó khăn tạm thời, chúng ta nhất định cố gắng vượt qua cho kỳ được…”.

Quân, dân Hải Phòng làm theo lời dạy của Bác Hồ với niềm tin tưởng, phấn khởi bước vào thời kỳ mới. Ta đã thủ tiêu hoàn toàn chính quyền cũ, thiết lập chính quyền nhân dân, giữ vững an ninh chính trị và trật tự xã hội, nhanh chóng xóa bỏ việc thiết quân luật và chế độ quân quản. Thực hiện một số chính sách quản lý tiền tệ, đến ngày 4-6, ta đã thu đổi được trên 61 triệu đồng Đông Dương. Đến ngày 11-6, ta đánh thuế tồn kho được 180 triệu đồng tiền Đông Dương nữa. Từ đây đồng tiền của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã chiếm lĩnh thị trường, giá cả hàng hóa ổn định. Ta đã đưa hàng vạn công nhân trở lại các nhà máy, xí nghiệp, nhanh chóng phục hồi các cơ sở sản xuất. Trải qua 6 tháng nỗ lực phấn đấu, nhà máy xi măng, một nhà máy lớn của nền công nghiệp nước ta lúc đó, trở lại hoạt động. Ngày 15-11-1955, khói trắng xi măng bay cao trên bầu trời thành phố, đó là niềm kiêu hãnh của giai cấp công nhân và nhân dân Hải Phòng “Trung dũng”.
Tuy nhiên, ta còn phải tiếp tục đối phó với những âm mưu phá hoại lâu dài của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, với những ổ phản động, gián điệp được cài cắm lại cùng những kho vũ khí được chôn giấu ở nhiều nơi, với những tàn dư văn hóa phản động, đồi trụy…
(Còn nữa)
Trích “Hải Phòng, lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược” (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - 1986).