Lắp đặt trạm phát sóng thông tin di động: Cần đẩy nhanh tiến độ
(HPĐT)- Phát triển các trạm thu, phát sóng thông tin di động (trạm BTS) là nhiệm vụ quan trọng nhằm bảo đảm hạ tầng viễn thông, phục vụ chuyển đổi số. Tuy nhiên, việc triển khai xây dựng, lắp đặt các trạm BTS trên địa bàn thành phố đang gặp nhiều vướng mắc, cần sớm được thành phố quan tâm, các địa phương tích cực phối hợp tháo gỡ.
Khó tìm địa điểm đặt trạm
Trên địa bàn thành phố hiện có 5 nhà mạng cung cấp dịch vụ viễn thông di động, trong đó, chiếm thị phần lớn là 3 nhà mạng: Viễn thông Hải Phòng, Viettel Hải Phòng và Mobifone. Tổng số thuê bao di động đang hoạt động khoảng gần 1,8 triệu thuê bao. Hạ tầng viễn thông phát triển rộng khắp với hơn 2.680 trạm BTS mạng 3G, 4G và 5G. Số lượng các trạm phát sóng hiện cơ bản bảo đảm vùng phủ, đáp ứng nhu cầu sử dụng sóng di động phục vụ đời sống, sản xuất của người dân thành phố.
Tuy nhiên, công cuộc chuyển đổi số đang đặt ra những yêu cầu mới, nhất là, trong điều kiện sắp xếp tổ chức bộ máy, mở rộng địa giới hành chính, việc phát triển hạ tầng số nói chung và hạ tầng viễn thông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Các giao dịch hành chính của người dân với cơ quan chính quyền đến nay chuyển dần thực hiện trên môi trường mạng; mở rộng thanh toán trực tuyến và sử dụng các dịch vụ số,…dẫn đến nhu cầu sử dụng mạng di động tăng cao, chất lượng vùng phủ, tốc độ đường truyền cần tốt hơn. Nghị quyết 09 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” xác định rõ, phấn đấu đến năm 2025 phổ cập mạng di động 5G khu vực đô thị trung tâm và đến năm 2030 phổ cập mạng di động 5G. Sau bão Yagi, kinh nghiệm được Bộ Thông tin và Truyền thông (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ) rút ra là mỗi xã, phường cần có 1 trạm phát sóng kiên cố để duy trì thông tin liên lạc trong điều kiện thiên tai…
Để đáp ứng các yêu cầu trên, đầu tư xây dựng, lắp đặt thêm các trạm BTS, chủ yếu trạm 5G đang được các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn thành phố tích cực triển khai. Tuy nhiên, việc xây mới, lắp đặt thêm các trạm BTS đối với các doanh nghiệp đang nhiều vướng mắc từ địa điểm, cơ chế thuê đất, thủ tục cấp phép đến phản ứng của người dân do lo ngại ảnh hưởng sức khỏe. Phó giám đốc Viettel Hải Phòng Lê Hồng Thắng cho biết, năm 2025, Viettel xây dựng kế hoạch lắp đặt 256 trạm 5G tại 14 quận, huyện (trừ huyện đảo Bạch Long Vĩ). Song để thực hiện mục tiêu đề ra, ngoài chi phí đầu tư, doanh nghiệp đang gặp khó trong tìm thuê địa điểm đặt trạm. Trước đây, đơn vị thường thuê địa điểm đặt trạm tại nhà dân, nhưng hiện nay, do tâm lý lo ngại sóng điện từ ảnh hưởng sức khỏe, vấn đề an toàn khi xảy ra bão nên nhiều người dân phản đối, cản trở việc lắp đặt. Ngoài ra, thủ tục cấp phép xây dựng, lắp đặt trạm phát sóng và hệ thống cáp quang hiện khá phức tạp, ảnh hưởng tiến độ triển khai. Chính quyền các địa phương chưa tích cực trong công tác phối hợp doanh nghiệp trong xây dựng hạ tầng viễn thông…
Gỡ vướng cơ chế thuê, cấp phép xây dựng
Để gỡ khó cho doanh nghiệp, nhằm thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, theo Giám đốc Viễn thông Hải Phòng Nguyễn Hải Anh, Nghị định 114/2024/NĐ-CP ban hành ngày 15-9-2024 sửa đổi Nghị định 151/2017/NĐ-CP về một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công của Chính phủ cho phép triển khai hạ tầng viễn thông trên đất công như: trụ sở UBND xã, phường; đất thuộc vỉa hè, công viên, quảng trường công cộng; khu vực trường học, nhà ga, bệnh viện và các công trình phúc lợi công cộng khác… Thực tế, việc triển khai đối với các đơn vị viễn thông tại Hải Phòng đến nay chưa thể thực hiện do vướng cơ chế. Hiện, thành phố chưa ban hành khung giá thuê tài sản công cho việc lắp đặt trạm BTS, chưa có cơ sở pháp lý về việc thỏa thuận cho thuê giữa doanh nghiệp và đơn vị quản lý đất công là cấp xã, phường vì không đủ thẩm quyền…
Theo Phó giám đốc Sở Tài Chính Bùi Tiến Phong, để thực hiện cho thuê đất thuộc tài sản công để xây dựng, lắp đặt trạm BTS, cơ quan chủ sở hữu tài sản công phải lập đề án. Tuy nhiên, việc lập và thông qua đề án hiện nay chưa phân cấp cho đơn vị cấp xã, phường mà vẫn phải do HĐND thành phố thẩm định, phê duyệt đề án. Sau khi đề án được phê duyệt mới bảo đảm đủ cơ sở để cơ quan, đơn vị chủ sở hữu tài sản công thỏa thuận với doanh nghiệp về phương thức, thời hạn thuê. Chưa kể, hiện chưa có khung pháp lý ban hành giá thuê đất công lắp đặt trạm BTS, mới tạm căn cứ Luật Viễn thông và Nghị định 114/2024/NĐ-CP của Chính phủ. Trước những vướng mắc trên, Sở đang nghiên cứu, tham mưu thành phố xem xét xây dựng một đề án chung về việc cho thuê đất công để lắp đặt trạm BTS đối với tất cả các sở, ngành, địa phương. Như vậy, HĐND thành phố chỉ thông qua một đề án chung. Trên cơ sở đề án chung, các đơn vị đang sở hữu, quản lý đất công chủ động thỏa thuận với các doanh nghiệp viễn thông về các nội dung liên quan.
Ngoài tháo gỡ vướng mắc về cơ chế thuê điểm lắp đặt, các doanh nghiệp viễn thông mong muốn thành phố tạo điều kiện đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến cấp phép thi công, lắp đặt các trạm BTS. Đồng thời, chỉ đạo UBND các cấp phối hợp chặt chẽ các doanh nghiệp tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nhận thức đúng, ủng hộ việc phát triển hạ tầng viễn thông là mang lại lợi ích cho người dân. Qua đó, thúc đẩy nhanh tiến độ xây dựng, lắp đặt các trạm BTS, phát triển hạ tầng viễn thông trên địa bàn thành phố đáp ứng yêu cầu.