Gỡ vướng trong thu hồi đất nông nghiệp thực hiện dự án
(HPĐT)- Hiện các phường Đại Bản, An Hưng, An Hồng (quận Hồng Bàng) đang triển khai các bước kiểm kê, lập phương án tính toán bồi thường thu hồi đất phục vụ thực hiện dự án Khu công nghiệp Nhật Bản - Hải Phòng giai đoạn 2, có diện tích 197,16 ha. Tuy nhiên, các địa phương gặp vướng mắc, khó khăn trong việc tính toán bồi thường diện tích đất nông nghiệp. Như trên địa bàn phường An Hưng, 445 hộ có đất nông nghiệp nằm trong chỉ giới thu hồi đất. Lãnh đạo phường cho biết, hiện không ít thửa ruộng mà người được giao ruộng đã mất. Trong đó, có thửa cho thuê, cho mượn hoặc chuyển nhượng nhưng chưa được cơ quan chức năng xác nhận. Từ đó phát sinh vấn đề thừa kế, tranh chấp…, nếu không có hướng giải quyết hiệu quả sẽ phát sinh khiếu kiện. Đây cũng là tình trạng diễn ra tại các xã An Hồng, Đại Bản.
Theo quy định của Luật Đất đai 2024 và các văn bản pháp luật liên quan về đất nông nghiệp, có hướng dẫn cụ thể về việc thu hồi đất nông nghiệp, gồm cả trường hợp không có giấy tờ. Tại Điều 45 Luật Đất đai 2024 quy định điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất nông nghiệp. Với căn cứ pháp luật hiện nay, việc giải phóng mặt bằng đối với đất nông nghiệp không phải là vấn đề khó khăn, phức tạp. Tuy nhiên, để hạn chế khiếu kiện, tranh chấp đền bù, địa phương cần khảo sát, phân loại rõ từng trường hợp sử dụng đất nông nghiệp, có thông tin, hướng dẫn cụ thể bảo đảm quyền lợi người dân, bảo đảm tiến độ thực hiện của dự án. Về vấn đề này, quận Hồng Bàng giao các phòng, ban đơn vị chuyên môn của quận phối hợp với các phường triển khai công tác kiểm kê, tính toán đền bù chính xác, kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong thực hiện.