Thành phố Hải Phòng có nhiều cơ chế, chính sách nổi bật trong phát triển và sử dụng nguồn nhân lực
(HPĐT)- Chiều 11-4, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do đồng chí Nguyễn Trường Giang, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội làm Trưởng đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao tại thành phố Hải Phòng.

Hệ thống giáo dục phổ thông của thành phố phát triển toàn diện, chất lượng ngày càng được nâng cao. Đối với giáo dục nghề nghiệp, giai đoạn 2021-2024, công tác tuyển sinh và đào tạo giáo dục nghề nghiệp tại Hải Phòng đạt 212.900 học sinh, sinh viên và học viên, trong đó có 38.300 người được đào tạo trình độ cao đẳng và trung cấp, 174.600 người tham gia các khóa sơ cấp và ngắn hạn. Qua đánh giá của các doanh nghiệp, chất lượng giáo dục nghề nghiệp của thành phố có bước chuyển biến tích cực. Khoảng 80-85% lao động cao đẳng được sử dụng đúng nghề; 30% có kỹ năng từ khá trở lên. Tỷ lệ sinh viên tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm sau tốt nghiệp đạt trung bình 70% tổng số người, một số ngành đạt 100%...

Trên cơ sở ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát, lãnh đạo các sở, ngành liên quan trao đổi, làm rõ một số nội dung: định hướng, ưu tiên ngành nghề đào tạo mang tính cốt lõi, thế mạnh của thành phố cũng như các ngành, nghề theo xu hướng hiện nay; kết quả sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết 03 của HĐND thành phố quy định chính sách hỗ trợ đào tạo một số nghề trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2024-2030; vướng mắc trong đào tạo, giáo dục nghề nghiệp; cơ chế phân tích, dự báo thông tin thị trường lao động. Đồng thời, đánh giá, tinh giản, bố trí, sắp xếp cán bộ sau sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, phường; sự dịch chuyển lao động khối công lập sang tư nhân và từ Hải Phòng sang các địa phương khác; cơ chế thu hút, ưu đãi nhằm “giữ chân” người lao động; xây dựng và phát triển Trường đại học Hải Phòng đáp ứng nhu cầu về cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của thành phố… và nhiều nội dung khác.
Đồng chí Phó chủ tịch UBND thành phố Hoàng Minh Cường khẳng định: Hải Phòng còn nhiều dư địa phát triển và luôn đặt mục tiêu cao trong phát triển kinh tế-xã hội nên đòi hỏi phải có nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh những thuận lợi về vị trí địa lý, giao thông, thành phố gặp nhiều thách thức trong việc cạnh tranh nguồn nhân lực với các tỉnh, thành phố khác; không gian phát triển lớn, nhất là sau khi sáp nhập tỉnh Hải Dương thì nhu cầu tuyển dụng, thu hút nguồn nhân lực càng lớn, nhất là ở một số lĩnh vực trọng điểm như: đóng tàu, logicstic hoặc những ngành công nghệ cao như bán dẫn, AI, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số... Đồng chí Phó chủ tịch UBND thành phố trân trọng cảm ơn những ý kiến đánh giá, góp ý của các thành viên Đoàn giám sát, trên cơ sở đó UBND thành phố tiếp thu, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện báo cáo cũng như tiếp tục rà soát, có thêm giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.
Phát biểu kết luận giám sát, đồng chí Nguyễn Trường Giang, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội cho biết đây là nội dung giám sát lớn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2025. Đoàn giám sát đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng của UBND thành phố và các sở, ngành liên quan. Trên thực tế, thành phố Hải Phòng ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, làm căn cứ pháp lý để chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra rất cao trong Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị.
Đoàn giám sát đề nghị UBND thành phố cần bổ sung thêm các phụ lục số liệu về kết quả triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách trong giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực. Đồng thời, có giải pháp mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của thành phố; bố trí kinh phí thỏa đáng đối với phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; đánh giá và có giải pháp cụ thể để tránh thiếu hụt nguồn nhân lực ở một số ngành nghề trọng điểm.... Về các kiến nghị của thành phố, Đoàn giám sát tiếp thu, tổng hợp vào báo cáo chung để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trước đó, sáng cùng ngày, Đoàn khảo sát tại Sở Nội vụ và Ban quản lý khu kinh tế.