Ngoại trưởng Nga giải thích lý do Moskva tin tưởng Tổng thống Trump
Nhà ngoại giao hàng đầu của Nga giải thích lý do tại sao Moskva tin tưởng Tổng thống Trump để tiến hành các cuộc đàm phán với Mỹ.

Cách tiếp cận "hợp lý" của Tổng thống Mỹ đương nhiệm là một sự thay đổi tích cực so với những năm tháng của cựu Tổng thống Joe Biden, Ngoại trưởng Sergey Lavrov cho biết
Đài RT ngày 14-4 dẫn lời Ngoại trưởng Lavrov giải thích rằng, Moskva sẵn sàng tiếp tục đàm phán với Mỹ vì họ thấy sự khác biệt rõ ràng giữa Tổng thống Donald Trump và những người tiền nhiệm của ông.
Không giống như Vương quốc Anh và các nước EU, "chính quyền [Tổng thống] Trump đang cố gắng đi đến tận cùng của vấn đề và quan trọng nhất là hiểu được nguyên nhân gốc rễ" của cuộc xung đột Ukraine, ông Lavrov nói với tờ báo Kommersant trong một cuộc phỏng vấn được công bố vào tối 14-4 (theo giờ địa phương).
Mỹ và EU "đã tổ chức và tài trợ cho cuộc đảo chính vi hiến" ở Kiev vào năm 2014, dẫn đến cuộc đối đầu với Nga, Ngoại trưởng Lavrov tuyên bố.
“Ông Trump đã nhiều lần nói rằng sai lầm to lớn dẫn đến các sự kiện hiện tại ở Ukraine là quyết định của chính quyền Biden khi kéo Ukraine vào NATO”, ông Lavrov nói thêm.
Khi được hỏi liệu các nhà đàm phán Mỹ có đáng tin cậy hay không, Ngoại trưởng Nga cho biết Moskva “không nên bỏ qua” những lời đề nghị của Tổng thống Trump. Trong vòng đàm phán đầu tiên tại Saudi Arabia vào tháng 2, phái đoàn Mỹ đã nhấn mạnh rằng các quốc gia khác “có lợi ích quốc gia riêng của họ mà không phải lúc nào cũng trùng khớp với lợi ích quốc gia của Mỹ”.
Theo ông Lavrov, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio và Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz đã nói rõ rằng ông Trump coi trọng cách tiếp cận thực dụng, “hợp lý” đối với chính trị thế giới.
Ngoại trưởng Lavrov cho rằng thông điệp mà Moskva nghe được từ Washington là “khi lợi ích quốc gia của họ không thống nhất, Nga và Mỹ, với tư cách là những bên có trách nhiệm trên trường thế giới, phải làm mọi cách có thể để ngăn chặn những mâu thuẫn đó leo thang thành xung đột”.
Trong những lĩnh vực mà lợi ích của họ phù hợp, cả hai bên "không nên lãng phí cơ hội" để theo đuổi các sáng kiến chung, nhà ngoại giao Nga kỳ cựu nói thêm.
"Chúng tôi biết rõ một thỏa thuận có lợi cho cả hai bên trông như thế nào - điều mà chúng tôi chưa bao giờ từ chối - và một thỏa thuận được thiết kế để dụ chúng tôi vào một cái bẫy khác trông như thế nào", vị Ngoại trưởng cho biết.
Tổng thống Trump đã khởi xướng các cuộc đàm phán trực tiếp với Nga vào tháng 2, nhấn mạnh nhu cầu làm trung gian cho lệnh ngừng bắn giữa Moskva và Kiev càng sớm càng tốt. Đặc phái viên của ông Trump, Steve Witkoff, đã gặp Tổng thống Vladimir Putin tại St. Petersburg hôm 11/4, đánh dấu cuộc gặp thứ ba của họ trong năm nay.
Cũng trong cuộc trả lời phỏng vấn Kommersant, Ngoại trưởng Lavrov nói rằng, thương mại giữa Nga và Mỹ đã chứng kiến sự suy thoái lớn do "các lệnh trừng phạt bất hợp pháp" của Washington, tuy nhiên, Moskva "không đuổi theo bất kỳ ai" để dỡ bỏ các hạn chế.
Ông Lavrov cho biết quá trình toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới đã bị phá hủy sau khi các lệnh trừng phạt trở thành "công cụ duy nhất trong chính sách đối ngoại của ông Biden".
Nhà ngoại giao hàng đầu Nga lưu ý rằng chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã bắt đầu thảo luận về hợp tác thương mại và kinh tế với Moskva ngay từ những cuộc tiếp xúc ban đầu, nhưng không hề giấu giếm việc theo đuổi lợi ích vật chất trong các quyết định chính sách đối ngoại của mình.
Theo ông Lavrov, hợp tác kinh tế giữa hai nước đã giảm "khoảng 95% so với mức đỉnh điểm khoảng 30 tỷ đô la cách đây 10 năm, chủ yếu là do các lệnh trừng phạt bất hợp pháp". Ngoại trưởng Nga cho biết hợp tác trong tương lai sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào Washington.
Nga đã nhiều lần lên án các lệnh trừng phạt của phương Tây là bất hợp pháp và không hiệu quả, nói rằng chúng không làm mất ổn định nền kinh tế của nước này hoặc cô lập nước này khỏi hệ thống tài chính toàn cầu. Thay vào đó, các lệnh trừng phạt đã phản tác dụng đối với các quốc gia áp đặt chúng, trong khi Nga tập trung vào việc chuyển dịch thương mại sang Châu Á và Nam Bán cầu, chủ yếu là Trung Quốc và Ấn Độ.
Hồi tháng 3, Tổng thống Trump cho biết Washington có thể cân nhắc dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt đối với Nga để thúc đẩy Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen - thỏa thuận hàng hải quan trọng đảm bảo an toàn hàng hải ở Biển Đen - như một bước tiến tới giải quyết xung đột Ukraine.
Tuy nhiên, ngày 13-4, ông Trump đã gia hạn các hạn chế thêm một năm nữa với lý do Moskva vẫn gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia của Mỹ.