Hơn 1,5 triệu cán bộ, đảng viên được quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 13

12:14 CH 16/04/2025

(HPĐT)- Sáng 16-4, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến toàn quốc quán triệt triển khai Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 13.

 

Đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Dự hội nghị có các đồng chí: Lương Cường, Chủ tịch nước; Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ; Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Quốc hội; Trần Cẩm Tú, Thường trực Ban Bí thư Trung ương. Cùng dự tại điểm cầu Trung ương và các địa phương có các đồng chí: nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng, bộ, ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang, Ủy ban Kiểm tra, báo cáo viên Trung ương.

 

Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: TTXVN
 

Hội nghị được kết nối tới hơn 21.000 điểm cầu với hơn 1,5 triệu cán bộ, đảng viên thuộc các địa phương, cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang tham gia và được truyền hình, phát thanh trực tiếp trên các kênh của Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam để thông tin rộng rãi đến nhân dân cả nước. Trung tâm Báo chí và Truyền thông thành phố Hải Phòng tiếp sóng phát trực tiếp trên các kênh truyền hình và phát thanh.

 

Đồng chí Phạm Minh Chính, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ trình bày về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội 14 của Đảng.
Ảnh: TTXVN
 

Tại điểm cầu thành phố Hải Phòng có đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng. Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Tùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Đỗ Mạnh Hiến, Phó bí thư Thường trực Thành ủy; Phạm Văn Lập, Chủ tịch HĐND thành phố; Đào Trọng Đức, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố. Tham gia Hội nghị có các đồng chí: Nguyên lãnh đạo thành phố, Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ; Ủy viên Thành ủy; Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng, Phó Chủ tịch HĐND-UBND thành phố; trưởng, phó các ban, sở, ngành, tổ chức chính trị, xã hội, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Thành ủy; đại diện các đảng ủy trực thuộc Thành uỷ.

 

Đồng chí Lê Tiến Châu, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành uỷ, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng cùng các đồng chí lãnh đạo thành phố các thời kỳ dự Hội nghị tại điểm cầu Hải Phòng.
 

Thành phố Hải Phòng kết nối hội nghị tới gần 220 điểm cầu quận, huyện, sở, ngành, Đảng bộ trực thuộc Thành ủy, các xã trên địa bàn thành phố với gần 30.000 cán bộ, đảng viên tham dự.

 

Đồng chí Lê Tiến Châu, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành uỷ, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng cùng các đồng chí lãnh đạo thành phố, nguyên lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ dự Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Hải Phòng.
 

Tại hội nghị, các đại biểu nghe đồng chí Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính truyền đạt Chuyên đề “Về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội 14 của Đảng; những điểm mới trong Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam; những điểm mới trong dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng trình Đại hội 14 của Đảng; những điểm mới trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội 14 của Đảng; những điểm mới trong dự thảo báo cáo 5 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 10 năm 2021 - 2030; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2026 – 2030. Đồng chí Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn truyền đạt chuyên đề “Về sửa đổi hiến pháp và pháp luật; Phương hướng bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa 14 và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 – 2031. Đồng chí Lê Minh Hưng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương truyền đạt chuyên đề “Về việc tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; sửa đổi bổ sung các quy định thi hành Điều lệ Đảng; Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 14 của Đảng”.

Nỗ lực hoàn thành các mục tiêu, tạo nền tảng vững chắc tiến tới Đại hội 14 của Đảng

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Tổng bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Hội nghị Trung ương 11 khóa 13 là hội nghị mang tính lịch sử, quyết sách những vấn đề quan trọng, đột phá của giai đoạn cách mạng mới, tạo ra khí thế mới, xung lực mới cho sự nghiệp đổi mới toàn diện, đưa đất nước vào kỷ nguyên phát triển mới. Trên cơ sở thống nhất tuyệt đối, Trung ương ban hành Nghị quyết 60/2025 với nhiều nội dung đặc biệt quan trọng, tập trung 2 nhóm vấn đề: Tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và chuẩn bị cho Đại hội lần thứ 14 của Đảng. Những nội dung này có liên quan chặt chẽ với nhau và đều đề cập đến những vấn đề trọng tâm, cấp bách tập trung thực hiện ngay sau hội nghị này và đến hết năm 2025.

Theo đồng chí Tổng Bí thư, Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14 diễn ra trong bối cảnh cả nước cùng lúc thực hiện nhiều công việc lớn mang tính cách mạng, đó là vừa sắp xếp, tinh gọn về tổ chức bộ máy, sắp xếp lại đơn vị hành chính, vừa tăng tốc, bứt phá phát triển kinh tế, vừa tổ chức Đại hội. Vì vậy, bên cạnh vấn đề nhân sự, cần tập trung chuẩn bị các văn kiện Đại hội Đảng, cần quyết tâm cao nhất để hoàn thành các mục tiêu đề ra, chuẩn bị nền tảng vững chắc tiến tới Đại hội 14 của Đảng, đưa đất nước vững vàng tiến vào kỷ nguyên phát triển giàu mạnh.

Tổng Bí thư thông tin dự thảo 4 văn kiện trình Đại hội Đảng 14 được Hội nghị Trung ương 11 bổ sung nhiều nội dung quan trọng, với những vấn đề cốt lõi là xác lập mô hình tăng trưởng mới; xây dựng nền giáo dục quốc dân hiện đại, ngang tầm khu vực và thế giới; đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và phát triển kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia.

Theo đồng chí Tổng Bí thư, sau hội nghị, các cấp ủy, tổ chức đảng có trách nhiệm tiếp tục nghiên cứu, quán triệt đầy đủ, thấu đáo, kỹ lưỡng các nội dung của nghị quyết và xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để thực hiện. Các tỉnh ủy, thành ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thảo luận kỹ lưỡng, sâu sắc, hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn nêu tại các văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ 14, khẩn trương xây dựng và hoàn thiện các dự thảo văn kiện cấp mình, hoàn thành dự thảo trước ngày 30-6.

Tinh gọn bộ máy, tổ chức lại đơn vị hành chính phục vụ sự phát triển dài hạn của đất nước

Về việc thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp, đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh: Đây là chủ trương xuất phát từ tầm nhìn chiến lược phát triển đất nước lâu dài, ít nhất là trong 100 năm tới. Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thảo luận đánh giá kỹ lưỡng, cân nhắc nhiều mặt để đi đến thống nhất cao về thực hiện chủ trương này với nguyên tắc, tiêu chí sáp nhập tỉnh, xác định tên gọi và địa điểm đặt trung tâm chính trị - hành chính cấp tỉnh sau sắp xếp; các tiêu chí, tiêu chuẩn và định hướng sắp xếp cấp xã. Chủ trương này tác động nhất định đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đây là điều dễ hiểu bởi mỗi con người Việt Nam đều in sâu trong ký ức những hình ảnh về quê quán, nơi chôn rau cắt rốn của mình.

Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển mới của đất nước, đồng chí Tổng Bí thư cho rằng mỗi cán bộ, đảng viên và người dân cần thay đổi về tư duy, tầm nhìn, thống nhất về nhận thức, tư tưởng, vượt lên chính mình, hy sinh lợi ích cá nhân, vùng miền, vì lợi ích chung của đất nước, hướng tới tư duy, tầm nhìn rộng lớn hơn đất nước là quê hương. Việc tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập xã không chỉ đơn thuần là điều chỉnh tổ chức bộ máy, địa giới hành chính mà còn là vấn đề điều chỉnh không gian kinh tế, điều chỉnh sự phân công, phân cấp, phân bổ nguồn lực cho phát triển.

Đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các cấp phải sâu sát, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt cho đội ngũ cán bộ, đảng viên nhận thức đầy đủ, sâu sắc tầm quan trọng đặc biệt của chủ trương này, tạo được sự thống nhất nhận thức, tư tưởng trong toàn Đảng và lan tỏa ra toàn xã hội, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, định hướng mà Trung ương đã đề ra. Trong đó, quyết tâm, quyết liệt hoàn thành đúng tiến độ thời gian các phần việc quan trọng như: Trước 30-6 hoàn thành sửa đổi Hiến pháp và pháp luật có liên quan; kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã mới đi vào hoạt động từ 1-7 theo lộ trình chuyển tiếp và hoàn thành toàn bộ trước 15-8; hoàn thành sáp nhập các tỉnh trước 1-9; hoàn thành Đại hội đảng tại cấp xã trước 31-8, cấp tỉnh trước 31-10; Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 14 của Đảng vào đầu quý 1-2026; Bầu cử Đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp vào tháng 3-2026… Người lãnh đạo đảng khuyến khích các đơn vị hoàn thành sớm công việc với tinh thần ổn định sớm để phát triển.

Bố trí cán bộ theo yêu cầu công việc bảo đảm “đúng người – đúng việc”

Trước yêu cầu cùng thời điểm phải triển khai một khối lượng công việc rất lớn, phạm vi rộng, thời gian ngắn, chất lượng cao, nhiều việc chưa có tiền lệ, đồng chí Tổng Bí thư đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng phải quyết tâm chính trị cao nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11. Trong đó, thực hiện nghiêm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo xây dựng tổ chức bộ máy, công tác cán bộ, quản lý đội ngũ cán bộ và biên chế của hệ thống chính trị phải hết sức công tâm, khách quan, minh bạch, cũng như thực hiện đầy đủ các quy định, hướng dẫn về tăng cường kiểm soát quyền lực, gắn quyền lực với trách nhiệm cá nhân. Đồng thời, làm tốt công tác lựa chọn, bố trí lãnh đạo, nhất là người đứng đầu các cơ quan cấp tỉnh, cấp xã sau khi sáp nhập bảo đảm đồng bộ, liên thông giữa cả 4 giai đoạn là: Bố trí cán bộ sau khi hợp nhất - Nhân sự Đại hội Đảng cấp tỉnh, cấp xã - Nhân sự Đại hội Đảng lần thứ 14 - Nhân sự Bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp.

Người lãnh đạo Đảng nhấn mạnh, công tác nhân sự vốn rất quan trọng, nay lại càng quan trọng hơn trước yêu cầu mới. Tiêu chí đầu tiên để bố trí cán bộ là vì yêu cầu công việc, sau đó mới đến các tiêu chí khác. Nhân sự lãnh đạo các cấp và nhân sự Đại hội 14 phải hội tụ đủ đức - đủ tài - đủ tâm - đủ tầm - đủ sức - đủ nhiệt huyết cách mạng để gánh vách trọng trách lịch sử của đất nước. Trong tình hình hiện nay, những ai tự thấy mình không đáp ứng yêu cầu thì tự nguyện rút lui, nhường chỗ cho người xứng đáng hơn. Việc lựa chọn, bố trí cán bộ lãnh đạo các cơ quan ở địa phương sau khi sáp nhập, hợp nhất là trách nhiệm của Ban Thường vụ cấp ủy theo phân cấp, phải bàn bạc, thống nhất để bố trí đúng người, đúng việc theo tinh thần Kết luận số 150-KL/TW của Bộ Chính trị về hướng dẫn xây dựng nhân sự cấp ủy cấp tỉnh thuộc diện hợp nhất, sáp nhập và cấp xã thành lập mới. Sau khi bộ máy mới đi vào hoạt động sẽ rà soát, hoàn thiện vị trí việc làm, xác định biên chế của từng cấp trong tổng thể biên chế chung của cả hệ thống chính trị.

Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, đồng thời triển khai công tác tuyên truyền về kết quả của Hội nghị Trung ương 11 khóa 13.