Từ tàu Bình Chuẩn đến trung tâm ngành công nghiệp đóng tàu
(HPĐT)- Được mệnh danh là “Vua tàu thủy”, “Vua sông biển”- doanh nhân, nhà tư sản Bạch Thái Bưởi là người đặt nền móng sự phát triển ngành đóng tàu thành phố Cảng. Trải qua những thăng trầm thị trường, ngành đóng tàu Hải Phòng đang trên đà phục hồi, bước vào chu kỳ hưng thịnh mới.
Tay trắng làm nên nghiệp lớn…
Trong cuốn Lịch sử Hải Phòng, tập 3 (từ 1888 đến năm 1955) do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia sự thuật xuất bản, trang 80, ghi: vào năm 1919, Bạch Thái Bưởi cho hạ thủy ở Cửa Cấm tàu Bình Chuẩn với trọng tải 600 tấn, dài 46 m, rộng 7,2 m, cao 3,6 m, lắp động cơ 400 mã lực. Đây là sự kiện có tiếng vang rất lớn thời đó, được coi là biểu tượng của phong trào "Chấn hưng thương trường" của tư sản Việt Nam...Từ chỗ phải thuê tàu chạy để kinh doanh đến cuối thập niên 20 của thế kỷ 20, sự nghiệp của nhà tư sản Bạch Thái Bưởi phất lên nhanh chóng bởi nghề vận tải và đóng tàu tại Hải Phòng. Từ đây, ông được gọi với tên: “Chúa sông Bắc Kỳ”, “Vua tàu thủy Bạch Thái Bưởi”…
Trước đó, năm 1896, Pháp mở hội chợ về Đông Dương tại Boocdo, Bạch Thái Bưởi được Công sứ Pháp là Bonnet cho đi cùng làm nhân viên giới thiệu các mặt hàng của Đông Dương. Từ đây, ông nảy ý định kinh doanh. Sau khi về nước, ông bắt đầu sự nghiệp riêng. Ông kinh doanh nhiều nghề, nhiều lĩnh vực như buôn gỗ, ngô, thu thuế chợ, kinh doanh mỏ than, mở hàng cơm Tây… nhưng sự nghiệp to lớn, nổi tiếng và vẻ vang nhất là kinh doanh tàu thủy gồm đóng mới, sửa chữa và vận chuyển hành khách bằng tàu thủy ở Hải Phòng.
Đầu tiên, Bạch Thái Bưởi thuê lại 3 chiếc tàu chờ khách Phenix, Dragon và Fai Tsi Long của Công ty A.B Mart (sau đổi tên là Phi Phụng, Phi Long và Khoái Tử Long), chạy các tuyến Nam Định, Thái Bình, Hà Nội… Đây được coi là thời điểm khó khăn nhất của ông bởi mới vào nghề lại gặp những đối thủ cạnh tranh hơn hẳn cả về thế và lực. Phần lớn tuyến vận tải này đều do chủ người Hoa kinh doanh. Trước nguy cơ phá sản, với chi phí của mình, Bạch Thái Bưởi sử dụng sức mạnh tinh thần, kêu gọi tinh thần tự hào dân tộc của người Việt. Kết quả ông vượt qua thử thách cam go này và vươn lên phát triển.
Khách và hàng đi tàu của Bạch Thái Bưởi ngày càng đông thì lượng khách và hàng chuyên chở của Công ty Marty giảm dần và tới năm 1915, Công ty Marty bị phá sản. Trước đó, Bạch Thái Bưởi mua được cả 3 tàu thuê và khi công ty này bị phá sản lại mua cả đội tàu và xưởng sửa chữa. Như vậy, sau 7 năm kinh doanh, ông có đội tàu riêng 15 chiếc, chuyển trụ sở từ Nam Định về Hải Phòng và đặt tên cho hãng là “Giang hải luân thuyền Bạch Thái công ty” với cờ hiệu màu vàng có hình mỏ neo và ba ngôi sao đỏ. Năm 1917, ông mua luôn mấy tàu của Công ty Deschwander vận chuyển sông biển của Pháp bị phá sản. Thời kỳ hưng thịnh, Công ty của Bạch Thái Bưởi có tới 40 chiếc tàu lớn nhỏ cùng nhiều xà lan với những đội tàu mang tên Phi Long, Phi Hổ, Hồng Bàng, Lạc Long, Trưng Nhị, Đinh Tiên Hoàng, Lê Lợi chạy phần lớn các tuyến sông miền Bắc rồi vươn ra các vùng lãnh thổ và các nước chung quanh như: Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc... Riêng ở Hải Phòng, số công nhân làm việc cho Bạch Thái Bưởi đông tới hơn 1.000 người.
…đến trung tâm ngành công nghiệp đóng tàu
Với nền móng được gây dựng bởi doanh nhân, nhà tư sản Bạch Thái Bưởi và lợi thế là thành phố ven biển, được thực dân Pháp lựa chọn xây dựng cảng, nhờ đó, ngành công nghiệp đóng tàu của Hải Phòng nhiều cơ hội phát triển. Trong đó, giai đoạn cực thịnh những năm đầu thế kỷ 21, Hải Phòng có hơn 40 cơ sở đóng tàu, là trung tâm đóng và sửa chữa tàu lớn nhất cả nước với nhiều tên tuổi lớn như các nhà máy đóng tàu: Nam Triệu, Phà Rừng, Bạch Đằng, Bến Kiền, Sông Cấm… tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động. Các nhà máy có năng lực đóng mới tàu biển lên tới hơn 53 nghìn tấn. Riêng nhà máy đóng tàu Nam Triệu có khả năng đóng mới tàu lên tới 100 nghìn tấn; kho nổi chứa dầu tới 150 nghìn tấn. Giai đoạn trước năm 2008, nhà máy đóng tàu Nam Triệu đóng hàng loạt tàu lớn 53 nghìn tấn xuất khẩu…
Trải qua thời kỳ khủng hoảng của ngành đóng tàu cả nước (kể từ 2008), đến nay, các cơ sở đóng mới và sữa chữa tàu biển thành phố có sự phục hồi, phát triển, lấy lại được vị thế vốn có. Sản lượng tàu đóng mới tăng, việc làm, thu nhập người lao động được cải thiện. Nhiều nhà máy đơn hàng được ký kết thực hiện đến hết năm 2028. Mới nhất, tháng 5-2024, nhà máy đóng tàu Nam Triệu đóng mới và hạ thủy tàu hàng lên tới 65.000DWT- lớn nhất Việt Nam và tiếp tục đóng tàu thứ 2. Trong khi đó, nhà máy đóng tàu Phà Rừng hạ thủy hàng loạt tàu chở dầuhóa chất 13.000DWT… Bên cạnh đó, là sự xuất hiện của sản phẩm tàu đóng mới với tính năng, công nghệ cao như của Damen Sông Cấm, đóng tàu Sông Cấm… Nhiều doanh nghiệp đóng tàu mới ra đời, sản xuất nhiều gam tàu mới như: Công ty CP đóng tàu Thái Bình Dương có năng lực đóng tàu “thuần Việt” lên tới 30.000 tấn (tư vấn thiết kế, giám sát, đến chủ tàu và công ty đóng tàu đều là doanh nhân Việt Nam). Ngoài ra, các doanh nghiệp đóng tàu quân đội như Hồng Hà, Z189… đủ năng lực đóng thành công nhiều lớp tàu hiện đại vừa phục vụ trong nước và xuất khẩu.
Bạch Thái Bưởi nguyên gốc họ Đỗ, sinh ra trong một gia đình nghèo ở làng Yên Phúc, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông, nay là Yên Phúc, quận Hà Đông (Hà Nội)… Cha mất sớm, một gia đình họ Bạch nhận ông về làm con nuôi, cho ăn học và đổi sang họ Bạch. Là người sáng dạ nên Bạch Thái Bưởi tiếp thu nhanh, học xong quốc ngữ thì học sang tiếng Tây. Năm 20 tuổi, ông được nhận vào làm thư ký cho hãng buôn lớn của Pháp ngay tại trung tâm Hà Nội. Một năm sau, ông được viên Công sứ Pháp Bonnet tuyển làm thư ký riêng, vị trí mà nhiều người Tây học thời đó rất mong ước.