Một số chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4 - 2025

03:04 CH 10/04/2025

1. Quy định phí bảo lãnh ngân hàng


 Ngày 31-12-2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư số 61/2024/TT-NHNN quy định về bảo lãnh ngân hàng. Theo đó, phí bảo lãnh ngân hàng từ ngày 1-4- 2025 được quy định như sau: 

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thỏa thuận mức phí bảo lãnh đối với khách hàng và các bên liên quan (nếu có) và phải niêm yết công khai mức phí bảo lãnh. Trường hợp thực hiện đồng bảo lãnh, các bên tham gia đồng bảo lãnh thỏa thuận mức phí bảo lãnh cho mỗi bên đồng bảo lãnh. 

Trường hợp tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bảo lãnh cho một nghĩa vụ liên đới thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thỏa thuận với từng khách hàng về mức phí phải trả trên cơ sở nghĩa vụ liên đới tương ứng của mỗi khách hàng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. 
Trường hợp đồng tiền bảo lãnh là ngoại tệ, các bên thỏa thuận thu phí bảo lãnh bằng ngoại tệ hoặc quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá bán của bên bảo lãnh tại thời điểm thu phí hoặc tại thời điểm thông báo thu phí. Các bên có thể thỏa thuận điều chỉnh mức phí bảo lãnh. 

 

2. Sinh viên sư phạm chuyển sang ngành đào tạo khác, tự thôi học hoặc bị kỷ luật buộc thôi học phải bồi hoàn kinh phí hỗ trợ 

 

Chính phủ ban hành Nghị định số 60/2025/NĐ-CP ngày 3-3-2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25-9-2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. 

Hằng năm, căn cứ vào kết quả rèn luyện, học tập của sinh viên sư phạm, cơ sở đào tạo giáo viên thông báo danh sách sinh viên sư phạm được hưởng chính sách đang trong thời gian đào tạo nhưng chuyển sang ngành đào tạo khác, tự thôi học, không hoàn thành chương trình đào tạo hoặc bị kỷ luật buộc thôi học cho UBND cấp tỉnh nơi sinh viên thường trú hoặc cơ quan giao nhiệm vụ, đặt hàng để thông báo thu hồi kinh phí đã hỗ trợ cho sinh viên sư phạm. 

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan có thẩm quyền, sinh viên thuộc đối tượng bồi hoàn kinh phí phải có trách nhiệm liên hệ với cơ quan ra thông báo thu hồi kinh phí bồi hoàn để làm thủ tục bồi hoàn kinh phí hỗ trợ. Thời hạn phải thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn kinh phí hỗ trợ tối đa là 4 năm, kể từ khi sinh viên sư phạm nhận được thông báo bồi hoàn kinh phí. 

 

3. Mỗi giáo viên không kiêm nhiệm quá 2 nhiệm vụ 

 

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 05/2025/TT-BGDĐT ngày 7-3-2025 quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học. Theo đó, thời gian thực dạy của giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông là 35 tuần thay vì 37 tuần dành cho việc giảng dạy và các hoạt động giáo dục như quy định cũ. Đồng thời, bổ sung 2 tuần dự phòng để giáo viên hoàn thành các nội dung giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông. Mỗi giáo viên không kiêm nhiệm quá 2 nhiệm vụ (bao gồm cả việc kiêm nhiệm công việc chuyên môn, công tác Đảng, đoàn thể, các tổ chức khác và một số vị trí việc làm khác). 

4. Đất nông nghiệp được thí điểm chuyển nhượng làm dự án thương mại 

Ngày 30-11-2024, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 171/2024/QH15 thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất. Theo đó, thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất trên phạm vi toàn quốc đối với các trường hợp sau đây:

 - Dự án của tổ chức kinh doanh bất động sản nhận quyền sử dụng đất; 

- Dự án của tổ chức kinh doanh bất động sản đang có quyền sử dụng đất; 

- Dự án của tổ chức kinh doanh bất động sản đang có quyền sử dụng đất và nhận quyền sử dụng đất;

 - Dự án của tổ chức kinh doanh bất động sản được các tổ chức đang sử dụng đất thành lập để thực hiện dự án nhà ở thương mại trên diện tích của cơ sở sản xuất, kinh doanh phải di dời do ô nhiễm môi trường, cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị. 

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập