Sân chơi thú vị của những tâm hồn yêu ghita
(HPCT)- Không gian sân khấu nhỏ xinh, gần gũi, tiếng đàn mộc mạc cùng giọng hát đầy đam mê, nội lực, mỗi buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Ghita Phủi và những người bạn tại một quán cà phê nhỏ trên phố Lạch Tray (quận Ngô Quyền) vào tối thứ 7 hằng tuần mang tới những tâm hồn yêu tiếng đàn ghita với một sân chơi thú vị.

Mộc mạc mà thú vị
Một buổi tối cuối tuần, anh Phạm Văn Hà, ở ngõ 132 phố Tiền Phong phường Đằng Hải (quận Hải An) được bạn dẫn tới trải nghiệm buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ ghita phủi biểu diễn các ca khúc nhạc Trịnh kỷ niệm ngày mất của người nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn. Ngay từ sớm, nhiều thành viên của câu lạc bộ cùng quây quần, trò chuyện rôm rả. Dù làm nhiều ngành nghề khác nhau, nhưng đam mê cây đàn ghita kéo họ gần lại nhau hơn. Những câu chuyện về một tuần đã qua, trải nghiệm với cây đàn ghita hay cả những khó khăn khi tập đàn là những chia sẻ thường gặp giữa các thành viên. Khi các nhạc công bắt đầu dạo đàn trên sân khấu để chuẩn bị cho chương trình biểu diễn, không khí bắt đầu nóng lên rồi chợt im lặng khi tiếng hát của những ca sĩ không chuyên cất lên. Cả khán phòng chìm đắm trong những giai điệu khi da diết, nhẹ nhàng, khi vui tươi, sôi động của các ca khúc do nhạc sĩ họ Trịnh sáng tác. Chia sẻ về cảm nhận của mình, anh Hà cho biết: Bản thân rất yêu các ca khúc nhạc Trịnh, nên khi nghe bạn rủ tới chương trình nhạc Trịnh, anh đồng ý luôn. Đúng như kỳ vọng, buổi biểu diễn giúp anh Hà có được những phút giây chìm đắm trong những sáng tác rất nổi tiếng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn... Đó thực sự là khoảng thời gian thư giãn giúp anh có thể lấy lại năng lượng sau tuần làm việc.
Chia sẻ về hoạt động của Câu lạc bộ Ghita Phủi, chị Nguyễn Thanh Thủy, Phó chủ nhiệm câu lạc bộ cho biết: Câu lạc bộ ra đời rất tình cờ từ việc một số thành viên hay đến quán cà phê chơi đàn ghita cùng nhau. Sau đó, nhiều khách hàng tới uống cà phê cùng chung sở thích thì cùng trò chuyện, gặp gỡ và lập thành một nhóm đàn hát mộc mạc vào mỗi cuối tuần. Sau khoảng 1 năm hoạt động tự do, linh hoạt như vậy, một số thành viên “cốt cán” quyết định thành lập câu lạc bộ để tập hợp mọi người. Cái tên ghita phủi ra đời đúng với tính chất hoạt động của câu lạc bộ là mọi người đàn, hát rất mộc mạc. Sau 8 năm hoạt động, từ con số 8 thành viên ban đầu, đến nay, câu lạc bộ có gần 30 thành viên tham gia sinh hoạt. Tuy nhiên, do tính chất công việc cũng như cuộc sống riêng của mỗi người, các buổi sinh hoạt của câu lạc bộ thường có khoảng 20 thành viên góp mặt. Mỗi tối thứ 7 hằng tuần, các thành viên lại cùng tụ họp nhau, cùng đàn, hát cho nhau nghe để thỏa niềm đam mê với âm nhạc và mang cho nhau những phút giây thư giãn, giải trí sau một tuần làm việc vất vả. Quán cà phê nơi góc phố Lạch Tray mà câu lạc bộ hay sinh hoạt trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều khách hàng yêu nhạc và yêu tiếng đàn ghita.
Thắp lửa đam mê và tình yêu thành phố
Dù hoạt động dưới hình thức một câu lạc bộ sở thích nhưng để thực hiện các chương trình biểu diễn, các thành viên của Câu lạc bộ Ghita Phủi đều rất tâm huyết trong việc đăng ký biểu diễn và tập luyện cùng nhau. Tùy vào lịch công việc của mỗi người, các thành viên sẽ tự sắp xếp thời gian để có thể chuẩn bị tốt nhất cho phần biểu diễn của mình. Nhà thơ Vũ Thúy Hồng (Hội Nhà văn Hải Phòng), một gương mặt quen thuộc trong nhiều chương trình biểu diễn của câu lạc bộ này chia sẻ: Bản thân từng tới nhiều điểm biểu diễn ca nhạc trên địa bàn thành phố. Nếu như ở một số địa chỉ khác tập hợp các cá nhân là các nghệ sĩ, những người từng làm âm nhạc chuyên nghiệp, thì câu lạc bộ này lại là mái nhà chung của những người không hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp. Xuất phát từ tình yêu dành cho âm nhạc và cây đàn ghita, họ tụ họp cùng nhau trao đổi, học hỏi cách chơi đàn và dùng lời ca, tiếng hát để kết nối với nhau. Chính sự dân dã ấy tạo nên phong cách gần gũi, thân thiện, dễ dàng kết nối được nhiều thành viên hơn.
Còn theo Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Ghita Phủi, thông qua hoạt động của mình, các thành viên trong câu lạc bộ mong muốn đưa âm nhạc vào đời sống, thúc đẩy phong trào âm nhạc đường phố, qua đó nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân. Đó cũng chính là cách làm thiết thực để mỗi thành viên câu lạc bộ thể hiện tấm lòng, tình yêu dành cho thành phố quê hương.