Đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù mới tạo động lực để Hải Phòng phát triển đột phá

03:36 CH 14/04/2025

(HPĐT)- Tại hội nghị Thành ủy lần thứ 19 ngày 9-4, một trong những nhiệm vụ được xác định trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng là hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội và Đề án thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng. Đến nay, thành phố chủ động, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương hoàn thành dự thảo Nghị quyết, trình Chính phủ để đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào chương trình làm việc và thông qua tại kỳ họp thứ 9, thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15.

 

Trước yêu cầu phát triển bứt phá hơn, thành phố rất cần những cơ chế chính sách mới để hướng tới những mục tiêu cao hơn. Trong ảnh: Khu công nghiệp DEEP C. Ảnh: NGUYỄN THỊ HƯNG

 

Đề xuất 6 nhóm chính sách có tính đặc thù, đột phá

Thực hiện Kết luận số 96 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 45, trên cơ sở sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 35 của Quốc hội, thành phố tích cực phối hợp Bộ Tài chính để xây dựng dự thảo Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 35 và đề án thành lập Khu thương mại tự do thế hệ mới. Dự thảo đã được các bộ, ngành Trung ương cho ý kiến và Hội đồng thẩm định của Bộ Tư pháp xem xét. UBND thành phố đang phối hợp các bộ, ngành để hoàn thiện, trình Chính phủ đề nghị đưa vào chương trình của Quốc hội.

Báo cáo tại hội nghị Thành ủy lần thứ 19, đồng chí Lê Anh Quân, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố cho biết, với tinh thần tập trung đề xuất những nội dung có tính đặc thù và đột phá phát triển của thành phố, đáp ứng theo yêu cầu phát triển chung của đất nước, dự thảo Nghị quyết xây dựng gồm 6 nhóm chính sách với hơn 40 chính sách, trong đó 5 nhóm chính sách chung và 1 nhóm chính sách riêng về Khu thương mại tự do thế hệ mới (gồm 2 chính sách chung và 17 chính sách cụ thể).

5 nhóm chính sách chung gồm chính sách về quản lý đầu tư; chính sách về tài chính, ngân sách nhà nước; chính sách về quy hoạch, đô thị và tài nguyên, môi trường; chính sách về khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; chính sách về chế độ cán bộ công chức, viên chức. Trong đó, nhiều chính sách mang tính vượt trội như đề xuất phân cấp, phân quyền cho UBND thành phố trong chấp thuận chủ trương, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên… Riêng với nhóm chính sách về khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, thành phố đề xuất 8 chính sách cụ thể như thí điểm ưu đãi thuế đối với hoạt động khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; thí điểm cho phép UBND thành phố quyết định việc thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới; thí điểm thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm để đầu tư vốn vào các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo…

Một số chính sách nổi bật, đặc thù được thành phố mạnh dạn đề xuất là áp dụng các thủ tục đầu tư, đặc biệt đối với một số lĩnh vực định hướng thu hút đầu tư trong khu thương mại tự do; áp dụng miễn kiểm tra chuyên ngành đối với một số hàng hóa đáp ứng đủ điều kiện; miễn thị thực và cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài và chuyên gia, nhà khoa học, người có khả năng đặc biệt; cho phép thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất trong một số trường hợp nhà đầu tư nước ngoài được thực hiện hoạt động chuyển khẩu hàng hóa...

 

Đổi mới tư duy, đáp ứng yêu cầu phát triển đột phá

Nghị quyết số 35 được Quốc hội ban hành từ năm 2021 với mục tiêu tạo bước đột phá cho Hải Phòng. Tuy nhiên, sau gần 4 năm triển khai, một số cơ chế chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng, do vướng mắc trong hướng dẫn, văn bản pháp lý hoặc triển khai chậm.

Trước yêu cầu phát triển bứt phá hơn, thành phố rất cần những cơ chế chính sách mới nhằm khắc phục những thách thức mới, hướng tới những mục tiêu cao hơn đã được Bộ Chính trị chỉ đạo rõ tại Nghị quyết 45, cũng như Kết luận 96 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 45. Bên cạnh đó, với định hướng phát triển bền vững kinh tế biển của Trung ương, Hải Phòng cần đổi mới tư duy phát triển, có những giải pháp mang tính đột phá. Và theo Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định, mục tiêu tốc độ bình quân tăng trưởng giai đoạn 2021-2030 là 13,5%/năm. Trong đó, việc thành lập Khu thương mại tự do thế hệ mới sẽ là động lực mới cho tăng trưởng để hiện thực hóa mục tiêu Hải Phòng trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á. Khu thương mại tự do dự kiến nằm trong khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng được xem như “trái tim” của khu kinh tế, với phạm vi vừa đủ để thí điểm các cơ chế, chính sách vượt trội nhằm tăng tính hấp dẫn đặc biệt đối với nhà đầu tư là bước đi cần thiết và đúng đắn.

Theo Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Anh Quân, những cơ chế, chính sách thành phố đề xuất sẽ tạo đột phá, đặc thù riêng có cho Hải Phòng. Nghị quyết mới sẽ tạo điều kiện để thành phố Hải Phòng khơi thông nguồn lực phát triển trong giai đoạn tới. Đồng thời, dự thảo Nghị quyết kế thừa và tích hợp tất cả các cơ chế chính sách mà Hải Phòng cần Trung ương quan tâm hỗ trợ để phát triển tương xứng với vị trí đầu tàu về kinh tế - xã hội của cả nước; bảo đảm cơ sở pháp lý, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, bao quát toàn bộ nội dung cơ chế theo văn bản quy phạm pháp luật, không làm phát sinh bộ máy tổ chức và biên chế thực hiện các cơ chế, chính sách mới.

Cử tri và nhân dân thành phố mong chờ Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 35 sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9 tới, tạo cơ sở, “cú hích” để Hải Phòng vươn mình mạnh mẽ cùng đất nước.

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập