Nỗ lực xây dựng môi trường làm việc thân thiện

12:41 SA 13/04/2025

(HPĐT)- Tháng 2 vừa qua, công nhân Nhà máy giày Tam Cường (thuộc Công ty TNHH Đỉnh Vàng) ngừng việc tập thể. Đây là điều đáng tiếc, bởi nguyên nhân của vụ việc bắt nguồn từ những yêu cầu không mới như: thoả thuận về tiền thưởng, giá trị bữa ăn ca… Thực tế này đòi hỏi chủ doanh nghiệp cần thực hiện đầy đủ chế độ tiền lương, BHXH, BHYT, BHTN và lắng nghe các ý kiến từ phía người lao động, xây dựng môi trường làm việc thân thiện, quan hệ lao động hài hoà, ổn định.


 

Người lao động Công ty TNHH năng lượng mới GROWATT Việt Nam trong ca sản xuất.

 

Đặt lợi ích người lao động lên trên 

Xác định người lao động là “tài sản quý” của doanh nghiệp, không ít đơn vị sản xuất kinh doanh quan tâm đến sức khoẻ, tinh thần của người lao động để họ yên tâm, gắn bó. Ông Liu Jun, Giám đốc Công ty TNHH Autel Robotics Việt Nam (Khu đô thị, công nghiệp và dịch vụ VSIP Hải Phòng) thông tin: Hiện, doanh nghiệp sử dụng hơn 200 lao động. Công nhân chỉ làm thêm 1 giờ/ngày để bảo đảm sức khoẻ, nhưng thu nhập trung bình đạt từ 8-12 triệu đồng/người/tháng do công ty thực hiện các hình thức như: thưởng chuyên cần, hiệu suất… Ngoài ra, doanh nghiệp cũng quy định thời gian nghỉ ngắn (10 phút/lần), thực hiện 2 lần/ngày để người lao động giải lao, giải toả áp lực tinh thần, tránh phát sinh tâm lý tiêu cực. 

Ông Liu Hiu Min, Tổng giám đốc Công ty TNHH Universal Scientific Industrial Việt Nam cho biết: Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế tạo bảng mạch điện tử, người lao động cần tập trung, tỷ mỷ thao tác trên dây chuyền sản xuất nên cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng tại nơi làm việc luôn được công ty chú trọng thực hiện. Căn cứ kết quả quan trắc môi trường, lao động hằng năm và đánh giá lao động thể lực, công ty phỏng vấn người lao động, tiếp thu các đề xuất, các biện pháp giảm thiểu công việc mang vác vật nặng, thao tác đứng hoặc ngồi nhiều. Cùng với đó, công ty tổ chức các trò chơi giữa giờ 1 lần/tháng, bố trí ngày nghỉ và bữa ăn đặc biệt hằng tháng dành cho người lao động... 

Theo Trưởng Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động (Liên đoàn Lao động thành phố) Vũ Ngọc Thức, qua giám sát thực hiện pháp luật lao động trong các năm 2023- 2024 ở một số doanh nghiệp cho thấy, bên cạnh những doanh nghiệp thực hiện tốt các giải pháp chăm lo sức khoẻ, quyền lợi của người lao động, còn không ít doanh nghiệp thực hiện chưa đúng luật, chưa đặt quyền lợi của người lao động lên trên, như: thử việc không đúng thời hạn quy định; trả lương không theo thang bảng lương đã xây dựng, đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước, chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động... Một số trường hợp chưa điều chỉnh chế độ phúc lợi kịp thời (như thưởng năng suất, bữa ăn ca, chế độ chống nóng, hỗ trợ người lao động làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại…) phù hợp tình hình thực tế, thấp hơn mặt bằng chung giữa các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Đây là nguyên nhân sâu xa, nguy cơ dẫn đến các vụ tranh chấp lao động, xảy ra ngừng việc tập thể.

 

Không ngừng củng cố quan hệ lao động 

Qua tổng hợp, thống kê, trung bình tiền lương năm 2024 của lao động trong khối doanh nghiệp trên địa bàn thành phố 9,05 triệu đồng/người/tháng, tăng gần 10% so với năm 2023. Điều này cho thấy những dấu hiệu khởi sắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và sự hiệu quả, kịp thời từ các chính sách phúc lợi mà các doanh nghiệp đang áp dụng, nhằm nâng cao năng suất lao động, cải thiện đời sống của công nhân. Theo Trưởng Phòng Quản lý lao động (Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng) Nguyễn Văn Luận, Phòng sẵn sàng hướng dẫn, giải thích để doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tiếp cận chính sách về pháp luật lao động ở Việt Nam, nhất là sử dụng lao động nước ngoài. Đồng thời, Phòng cũng hướng dẫn các đơn vị để thực hiện cơ chế trả lương, đãi ngộ người lao động cao hơn mặt bằng chung để thu hút người lao động làm việc trong các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố. 

Coi trọng xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong các doanh nghiệp, đội ngũ hòa giải viên lao động các cấp không ngừng được củng cố. Trưởng Phòng Lao độngViệc làm (Sở Nội vụ) Nguyễn Hữu Cường thông tin: Hiện, có 42 hòa giải viên lao động; 20 thành viên Hội đồng Trọng tài lao động của thành phố (tăng 13 thành viên so với nhiệm kỳ trước). Nhiệm vụ chính của đội ngũ này là chủ động nắm bắt tình hình, phối hợp cùng thành viên Ban chỉ đạo Giải quyết đình công các quận, huyện nơi xảy ra tranh chấp lao động tập thể để động viên công nhân trở lại làm việc, giữ ổn định trật tự và cử đại diện đối thoại, tìm biện pháp giải quyết, bảo đảm cả quyền lợi cho người lao động và doanh nghiệp. 

Xây dựng môi trường làm việc thân thiện là động lực để ổn định, phát triển kinh tế của thành phố, do đó, Phó giám đốc Sở Nội vụ Phạm Thị Huyền đề nghị các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất - kinh doanh trên địa bàn thành phố linh hoạt thực hiện các giải pháp bảo đảm việc làm, chăm lo đời sống, thu nhập và phát huy quyền được tham gia, đóng góp ý kiến, xây dựng doanh nghiệp của người lao động. Sự đối thoại, tìm tiếng nói chung giữa chung giữa các bên là giải pháp hữu hiệu để giải toả những mâu thuẫn, xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ. 
 

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập