Phố Lạch Tray - dấu ấn đô thị Hải Phòng
(HPĐT)- Phố Lạch Tray là một trong những tuyến phố chính lâu đời của Hải Phòng, hình thành từ thời Pháp thuộc. Nơi đây tập trung nhiều công trình kiến trúc, văn hóa tiêu biểu, gắn liền với quá trình phát triển của thành phố và in đậm trong ký ức người dân đất Cảng.
TUYẾN đường dài gần 3 km, bắt đầu từ ngã tư Thành Đội, qua các nút giao như Đình Đông - An Đà, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Bình, và kết thúc ở chân cầu Rào. Đây là trục giao thông chính kết nối khu vực trung tâm với các quận, huyện phía Đông Nam như Dương Kinh, Đồ Sơn, Kiến Thụy. Thời Pháp thuộc, Lạch Tray chỉ kéo dài từ ngã tư Thành Đội đến ngã tư Quán Mau; phần còn lại thuộc ngoại thành, huyện An Hải cũ. Năm 1946, tuyến phố mang tên Trưng Trắc, sau năm 1954 đổi thành Trần Quốc Toản, nhưng người dân vẫn quen gọi là Lạch Tray. Khi ấy, khu vực này sầm uất, tập trung giới tư sản và nhiều cơ sở giải trí. Đầu phố là trại lính khố xanh (nay là Bộ Chỉ huy quân sự thành phố), gần đó là trường đua ngựa - dân gian gọi là sân Quần Ngựa, kèm hồ cho ngựa uống nước, sân tennis, biệt thự của nhà tư sản Nguyễn Sơn Hà (thiết kế bởi kiến trúc sư Phạm Bá Tri), xưởng sơn của gia đình ông và khách sạn Muôn Hoa - công trình kiến trúc nổi tiếng lúc bấy giờ. Từ ngã tư Quán Mau trở đi là khu dân cư, làng xóm và nhà thờ Nam Pháp.
Sau Ngày giải phóng Hải Phòng, đường Lạch Tray giữ tên Trần Quốc Toản một thời gian, sau đó trở lại với tên gọi quen thuộc. Tuyến phố dần đổi thay: mặt đường mở rộng, nâng cấp hệ thống thoát nước, cấp nước, điện và cáp ngầm. Nhiều công trình văn hóa - thể thao được xây dựng, nổi bật là sân vận động Lạch Tray, khởi công từ năm 1957 trên nền sân Quần Ngựa cũ. Qua sáu lần cải tạo, nơi đây trở thành một trong những sân vận động lớn, hiện đại nhất cả nước với sức chứa khoảng 30.000 chỗ ngồi. Bên cạnh đó là nhà thi đấu, bể bơi, sân tennis...
Công viên An Biên rộng hơn 2,2 ha là không gian xanh nổi bật trên trục phố. Trước công viên từng là Nhà hát Nhân dân – nơi biểu diễn ngoài trời, nay được thay thế bằng Cung Văn hóa Thể thao Thanh niên. Gần đó là Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt - Tiệp (xây dựng năm 1986 do Công đoàn Tiệp Khắc hỗ trợ), hiện là địa điểm sinh hoạt văn hóa lớn dành cho công nhân và người dân thành phố. Trong khuôn viên có tượng nhà cách mạng Nguyễn Đức Cảnh. Không xa là Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ thành phố và Cung Văn hóa Thiếu nhi (xây dựng năm 1972 do Liên Xô giúp đỡ), hiện đã được thay thế bằng công trình mới do thành phố đầu tư. Những công trình này tạo nên một quần thể văn hóa - tâm linh giữa lòng đô thị, là không gian sinh hoạt cộng đồng, góp phần bồi dưỡng tài năng trẻ và nâng cao đời sống tinh thần nhân dân.
Ngoài ra, Lạch Tray là nơi tập trung nhiều cơ sở giáo dục và hành chính quan trọng như Trường Chính trị Tô Hiệu, Trường đại học Hàng Hải Việt Nam, các trường: THPT Thăng Long, Marie Curie, Hàng Hải... Các cơ quan thành phố như Ban Đảng Thành ủy, Hội Nhà báo, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố… cũng đặt trụ sở dọc tuyến phố này.
Những năm gần đây, cùng với diện mạo đô thị thành phố không ngừng đổi mới, tuyến phố Lạch Tray càng thêm khang trang, hiện đại. Lòng đường mở rộng, vỉa hè lát đá đồng bộ, lắp đèn LED chiếu sáng, trồng cây xanh, đặt thùng rác phân loại. Dây điện, cáp viễn thông được hạ ngầm, tăng tính mỹ quan. Cầu Rào được xây mới với kiến trúc độc đáo. Các khu nhà tập thể Đồng Quốc Bình cũ kỹ được thay thế bằng 4 tòa chung cư cao 29 tầng, hiện đại, kèm hạ tầng kỹ thuật và cảnh quan xanh mát. Năm 2023, thành phố đầu tư xây dựng công viên tại số 53 Lạch Tray, chuyển đổi khu đất của Công ty Sơn thành khu thương mại - khách sạn. Khu đất của Công ty CP May Hai cũng được thu hồi để chỉnh trang đô thị.
Tất cả những đổi thay này đã thổi luồng sinh khí mới cho phố Lạch Tray - tuyến đường huyết mạch của Hải Phòng, là trung tâm văn hóa, thể thao, kinh tế sôi động, góp phần khẳng định vị thế đô thị hiện đại, văn minh.