Xi măng Hải Phòng: Vươn mình lớn mạnh cùng đất nước

10:56 SA 15/04/2025

(HPĐT)- Năm 1955, sau khi thực dân Pháp rút khỏi thành phố, Nhà máy Xi măng Hải Phòng còn lại là đống hoang tàn, đổ nát. Nhưng bằng ý chí quyết tâm, tinh thần lao động hăng say, chỉ trong 5 tháng tiếp quản, những người thợ xi măng đưa nhà máy hoạt động trở lại. Đến nay, sau tròn 70 năm, Xi măng Hải Phòng (nay là Công ty Xi măng Vicem Hải Phòng) vượt qua nhiều thách thức, phát triển bền vững, khẳng định vị trí cánh chim đầu đàn của ngành Xi măng Việt Nam.

 

Ứng dụng công nghệ tự động hóa trong sản xuất tại Công ty Xi măng Vicem Hải Phòng. Ảnh: HOÀNG PHƯỚC

 

Thương hiệu xi măng đầu tiên ở Đông Dương 

Nhằm phục vụ chính sách khai thác thuộc địa ở Đông Dương, năm 1899, người Pháp quyết định xây dựng nhà máy xi măng ở thành phố Hải Phòng. Ngày 25-12-1899, Nhà máy xi măng Hải Phòng được khởi công xây dựng trên mảnh đất ngã ba sông Cấm - kênh đào Hạ Lý. Đây là nhà máy sản xuất xi măng đầu tiên ở Đông Dương lúc bấy giờ. 

Ngày đầu xây dựng, máy móc, thiết bị của nhà máy khá thô sơ, lạc hậu với 4 lò đứng, sản xuất thủ công theo phương pháp khô, công suất 25 tấn/lò/ngày. Đến năm 1925, nhà máy xây dựng thêm 15 lò đứng, nâng công suất lên 150.000 tấn/năm. Dần dần, kỹ nghệ sản xuất xi măng cải tiến, chuyển từ lò đứng sang sản xuất theo phương pháp ướt với những lò quay lớn, hiện đại, công suất tăng gấp nhiều lần, đạt 200-300 tấn/ngày. Đến năm 1939, sản phẩm xi măng “con Rồng” của Nhà máy xi măng Hải Phòng có mặt khắp địa bàn Đông Dương và một số quốc gia trong khu vực. Dưới thời Pháp thuộc, điều kiện làm việc của công nhân, lao động nhà máy hết sức nặng nhọc, bị giới chủ Pháp áp bức, bóc lột nặng nề. Công nhân nhà máy anh dũng đứng lên đấu tranh, từ tự phát sang tự giác, trở thành một trong những lực lượng tiên phong cách mạng ở Hải Phòng và cả nước. Tại nhà máy, năm 1927, tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội được thành lập. Cuối năm 1928, tổ chức Công hội đỏ ra đời. Cuối năm 1929, đội “Xích vệ đỏ” được thành lập. Đặc biệt, ngày 15-8-1929, Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng của nhà máy - một trong chi bộ Đảng đầu tiên của Hải Phòng cũng như của miền Bắc lúc bấy giờ được thành lập. 

Năm 1955, sau khi thua trận tại chiến trường Điện Biên Phủ, trước khi rút quân khỏi Hải Phòng, được sự hỗ trợ của quân đội Pháp, chủ nhà máy cho tháo dỡ và phá hoại toàn bộ thiết bị, máy móc, nhất là những thiết bị quan trọng trong dây chuyền sản xuất, sa thải công nhân… nhằm làm tê liệt sản xuất. Nhà máy Xi măng Hải Phòng chỉ còn lại là đống hoang tàn, đổ nát. Chủ Pháp tin rằng, phải mất ít nhất 3 năm và dựa vào kỹ sư người Pháp mới có thể khôi phục hoạt động nhà máy. Thế nhưng, bằng ý chí quyết tâm, tinh thần lao động hăng say, chỉ trong 5 tháng tiếp quản, người thợ xi măng đưa nhà máy hoạt động trở lại. Giai đoan 1955-1975, công nhân, lao động nhà máy vừa ngoan cường đấu tranh chống Mỹ, vừa bám trụ sản xuất, đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng đất nước. Đặc biệt, ngày 30-5- 1957, Nhà máy Xi măng Hải Phòng vinh dự được đón Bác Hồ về thăm. Những lời căn dặn của Người: “Tim còn đập, lò còn quay”, “Hãy sản xuất thật nhiều xi măng cho Tổ quốc”… trở thành động lực to lớn để Đảng bộ, công nhân Nhà máy Xi măng Hải Phòng vượt qua mọi khó khăn, xây dựng và phát triển nhà máy.

Vững vàng trên chặng đường mới 

Sau năm 1975 và bước vào giai đoạn đầu đổi mới, trước muôn vàn khó khăn, tập thể cán bộ, công nhân Nhà máy xi măng Hải Phòng thích ứng linh hoạt với đường lối đổi mới kinh tế của Đảng, cơ cấu lại tổ chức bộ máy, không ngừng cải tiến công nghệ, tổ chức sản xuất theo cơ chế thị trường. Xi măng Hải Phòng trở thành nhà máy lớn nhất miền Bắc, cung cấp xi măng xây dựng nhiều công trình lớn như: Lăng Bác, Bảo tàng Hồ Chí Minh, cầu Thăng Long, thủy điện Hòa Bình… Ngoài tiêu thụ trong nước, xi măng “con Rồng” xuất khẩu sang Hồng Kông, Nam Trung Quốc, Philippines, Indonesia… Năm 1993, Nhà máy xi măng Hải Phòng đổi tên thành Công ty Xi măng Hải Phòng. 

Dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Nhà máy xi măng Hải Phòng, cuộc “lột xác” để bứt phá mạnh mẽ là giai đoạn chuyển đổi sản xuất từ năm 1996 đến nay. Trước yêu cầu đổi mới và thực tế khó khăn tại nhà máy cũ lạc hậu, sản xuất ô nhiễm, nhà máy xi măng Hải Phòng mới được xây dựng tại khu vực mỏ đá Tràng Kênh (thành phố Thủy Nguyên). Dây chuyền sản xuất hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á với công suất 1,4 triệu tấn/năm, gấp hơn 2 lần nhà máy cũ. Năm 2005, ngay năm đầu đưa vào hoạt động, nhà máy gần đạt công suất tối đa 1,4 triệu tấn xi măng. Những năm tiếp theo, sản lượng đều đạt và vượt công suất thiết kế. Thương hiệu xi măng “con Rồng” có mặt trên mọi miền đất nước, ở nhiều công trình trọng điểm quốc gia. Tại Hải Phòng, ở mỗi công trình nông thôn mới, mỗi cây cầu, đường làng, ngõ xóm từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến hải đảo xa xôi đều có đóng góp của thương hiệu xi măng “con Rồng”… 

“Hải Phòng có bến sáu kho, có sông Tam Bạc, có lò xi măng…”, với 126 năm hình thành và phát triển, Xi măng Hải Phòng đã trở thành một phần lịch sử, một phần máu thịt của thành phố Cảng. Đồng chí Trần Văn Toan, Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Công ty Xi măng Vicem Hải Phòng cho biết, năm 2025 công ty đề ra mục tiêu sản lượng sản xuất clinker đạt hơn 1,2 triệu tấn, sản xuất xi măng đạt hơn 2,4 triệu tấn. Tổng sản lượng tiêu thụ đạt 2,67 triệu tấn; trong đó sản lượng clinker tiêu thụ 230 nghìn tấn, xi măng tiêu thụ 2,44 triệu tấn. Doanh thu phấn đấu đạt hơn 2.440 tỷ đồng. Bên cạnh phát triển sản xuất, công ty tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội, hướng tới phát triển xanh, khẳng định giá trị vững bền qua 3 thế kỷ. 
 

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập